Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với một số doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất mặt hàng khẩu trang, đánh giá năng lực và khả năng cung ứng mặt hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Tại Công ty Dệt kim Đông Xuân, ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, Công ty năng lực sản xuất khẩu trang hiện tại đạt 50.000 chiếc/ngày.
Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, Công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc mỗi ngày nếu có sự hợp tác của các doanh nghiệp may khác cùng vào cuộc, nhận vải về may.
Còn tại Công ty CP Tanaphar, doanh nghiệp này chuyên sản xuất khẩu trang tiệt trùng sử dụng cho các cơ sở y tế. Công ty sản xuất 2 loại khẩu trang gồm: loại 3 lớp có vải lọc kháng khuẩn và loại 04 lớp có thêm lớp than hoạt tính, với công suất từ 50.000 đến 60.000 sản phẩm mỗi ngày.
Công ty này cho biết hiện đang sản xuất đạt mức tối đa là 24/24h mỗi ngày để cung cấp cho thị trường. Giá bán buôn khoảng 30.000 đồng/hộp 50 chiếc, không tăng giá. Tuy nhiên với nguồn nguyên liệu hiện có, Công ty chỉ có thể sản xuất thêm trong vòng một tuần.
Bởi theo đại diện doanh nghiệp này, việc nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc đang khó khăn. Giá nhập khẩu từ Trung Quốc trước dịch là 2 USD/kg vải lọc kháng khuẩn, hiện đã tăng lên 12 USD/kg. Một tấn vải lọc kháng khuẩn sản xuất được 1,5 triệu khẩu trang.
Trong khi đó, hiện nay nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không còn nữa do Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang và máy móc sản xuất khẩu trang.
Công ty cho biết đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh lên mức 10-12 USD/kg.
Theo Bộ Công Thương, đối với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất gồm 2 loại chính phục vụ nhu cầu tiêu dùng: Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, thời gian tới có thể gia tăng nhưng không nhiều.
Trong khi đó, màng lọc kháng khuẩn nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70%. Khoảng 30% còn lại có thể mua từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu (Pháp, Ý).
Xưởng sản xuất khẩu trang trẻ em.
“Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu. Hàn Quốc và Nhật Bản khan hàng, không có hàng để bán và xuất khẩu. Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu. Châu Âu thì giá rất cao”, Bộ Công Thương đánh giá.
Các nước còn lại, Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn nguyên liệu và nếu tiếp cận được thì giá rất cao. Trường hợp dịch lan rộng tại các nước này, dự báo thời gian tới sẽ khó khăn hơn trong việc nhập khẩu.
Màng lọc kháng khuẩn hiện nay ở Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70%.
Theo đánh giá của Tanaphar, hiện nguyên liệu để sản xuất trong cả nước đang rất căng thẳng và chỉ có thể đáp ứng sản xuất trong khoảng 7-10 ngày tới nếu không có nguyên liệu mới nhập về. Nhu cầu hiện nay trong cả nước đối với loại khẩu trang 3 lớp cho cộng đồng dân cư vào khoảng 100 tấn/tháng, tương đương khoảng 150 triệu chiếc.
Trong khi đó, máy móc thiết bị chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào thời điểm chưa có dịch, để nhập khẩu được máy móc thiết bị phải đặt trước khoảng 6 tháng mới có hàng.
Trong điều kiện hiện nay, Trung Quốc cấm xuất khẩu máy móc và thời gian đặt hàng lên đến 6 tháng thì các doanh nghiệp hầu như không thể mở rộng sản xuất.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có khoảng 11 đơn vị sản xuất quy mô lớn với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày.
Dưới đây là hình ảnh sản xuất khẩu trang tại một số nhà máy của Việt Nam:
Hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có khoảng 11 đơn vị sản xuất quy mô lớn với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày.
Theo đánh giá của doanh nghiệp, hiện nguyên liệu để sản xuất trong cả nước đang rất căng thẳng và chỉ có thể đáp ứng sản xuất trong khoảng 7-10 ngày tới nếu không có nguyên liệu mới nhập về.
Nguyễn Mạnh