Ảnh minh họa
Mới đây, Hiệp hội sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF) đã công bố báo cáo về thị trường ô tô trong khu vực trong năm 2023. Đây là báo cáo theo dõi về mức tiêu thụ và sản lượng sản xuất xe của các quốc gia bao gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo báo cáo này, Indonesia đang là thị trường tiêu thụ ô tô hàng đầu ASEAN với hơn 1 triệu chiếc trong năm 2023, giảm 4% so với năm 2022.
Malaysia là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 với 799.731 chiếc, tăng 10,9% so với năm 2022. Thái Lan xếp thứ 3 ASEAN với 775.780 chiếc xe, giảm 8,7% so với năm 2022.
Xếp thứ 4 là Philippines với 429.807 chiếc xe, tăng 21,9% so với năm 2022, là quốc gia có mức tiêu thụ tăng mạnh nhất khu vực trong năm 2023.
Nguồn: AAF
Cũng theo báo cáo này, hiện Việt Nam đứng thứ 5 về mức tiêu thụ với 301.989 chiếc xe ô tô, giảm 25,4% so với năm 2022.
Singapore và Myanmar xếp thứ tự lần lượt thứ 6 và thứ 7 với 38.670 xe và 3.357 xe trong năm 2023.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong năm 2023, cả ba phân khúc xe chính tại thị trường Việt Nam đều giảm mạnh với xe ô tô du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm đến 56%.
Cũng tính đến hết tháng 12/2023, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 181.380 xe, giảm 20% trong khi xe nhập khẩu là 120.609 xe, giảm 32% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, doanh số trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường bởi các thương hiệu nhập khẩu xe như Audi, Jaguar-Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo… không tiết lộ số lượng bán ra. VinFast hiện cũng không cung cấp số liệu bán hàng hằng tháng tại Việt Nam.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hơn 60 mẫu xe mới (không tính các biến thể) về nước trong 12 tháng qua. Số này trải dài trên mọi phân khúc, từ các dòng giá siêu rẻ đến những mẫu ăn khách như Mazda CX-5, Honda CR-V 2024, Toyota Vios 2024, cho tới hạng sang như Lexus RX 2024, Mercedes-Benz GLC 2024, Porsche Cayenne 2024, BMW X5 2024…
Theo các chuyên gia, sự đi xuống của toàn ngành ôtô đã được dự báo từ thời điểm giữa năm do diễn biến bất ổn khó lường của nền kinh tế cũng như lãi suất ngân hàng không ổn định, đã góp phần ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Để vực dậy thị trường, Chính phủ đã cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Doanh nghiệp hỗ trợ 50% lệ phí còn lại hoặc ưu đãi 100% lệ phí đối với xe nhập khẩu cũng không giúp thị trường ôtô bứt phá về doanh số.
Dự báo đầu năm 2024, sức mua ô tô có thể khởi sắc nhờ vào nhu cầu mua sắm đón Tết Nguyên đán của người dân tăng lên. Tuy nhiên, các tháng sau đó, sức mua vẫn là một ẩn số khi các hãng xe có thể sẽ cắt giảm các ưu đãi và điều chỉnh lại chính sách kinh doanh.