Chuyên mục  


Liên tục lập đỉnh mới

Năm 2024 là năm đáng nhớ với cả giá vàng thế giới và trong nước khi liên tục thiết lập những đỉnh mới.

Đối với vàng thế giới, bắt đầu năm 2024 một cách khá bình lặng, cả tháng 1 và tháng 2 dao động trong một biên độ hẹp quanh mức 2.000 USD. Các nhà đầu tư hạn chế đặt cược lớn, trong khi theo dõi sát sao tình hình địa chính trị và đánh giá tác động của các diễn biến kinh tế vĩ mô lên chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Vào cuối tháng 2, vàng bắt đầu tăng tốc và tăng gần 10% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.200 USD. Áp lực bán đối với đồng USD, sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán đã thúc đẩy đà tăng của vàng khi quý 1 kết thúc.

Đà tăng của vàng tiếp tục trong tháng 4 và vượt mức 2.400 USD trước khi điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng. Tuy nhiên, XAU/USD vẫn kết thúc tháng với mức tăng hơn 2%. Sự tăng lên bất ngờ của chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ở Mỹ đã khiến các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ chậm lại việc xoay trục chính sách. Kết quả là, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 10% trong tháng 4, hạn chế đà tăng của vàng.

Sau giai đoạn củng cố hai tháng trong tháng 5 và tháng 6, vàng đã lấy lại đà tăng trong tháng 7 và bước vào một xu hướng tăng kéo dài bốn tháng. Từ tháng 7 đến tháng 11, vàng đã tăng hơn 15% và chạm mức cao kỷ lục mới gần 2.800 USD vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 10.

vang-duc-4-15475329-1735383321004-1735383321874979350658.jpeg

Năm 2024 là năm đáng nhớ của giá vàng. (Ảnh: Minh Đức).

Năm 2024, vàng được hỗ trợ nhờ nhu cầu mua vào mạnh mẽ từ châu Á, hoạt động mua gom của các ngân hàng trung ương, và đặc biệt là những bất ổn địa chính trị gia tăng.

Chịu tác động từ diễn biến giá vàng quốc tế cộng hưởng với tâm lý kỳ vọng của người dân, giá kim loại quý trong nước cũng ghi nhận biến động rất mạnh trong năm 2024.

Bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá vàng trong nước liên tục tăng nhanh và mạnh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.

Đến tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng và vàng nhẫn trơn gần 90 triệu đồng/lượng.

Sự tăng quá "nóng" của giá vàng trong nước đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp can thiệp.

Theo đó, NHNN đã dừng việc đấu thầu vàng miếng, chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân.

Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC, đã giảm sâu trong tháng 5 và tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng được thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, do chịu tác động bởi đà tăng mạnh của giá vàng thế giới, đến cuối quý III và nửa đầu quý IV, giá vàng trong nước đã tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, trong lần biến động này, giá vàng miếng lại không có sự đột biến, trong khi vàng nhẫn lại khiến thị trường bất ngờ khi lên lên ngưỡng 88,65- 89,65 triệu đồng/lượng vào ngày 31/10. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của vàng nhẫn.

Không chỉ liên tiếp lập đỉnh, giá vàng nhẫn còn nhiều lần leo lên ngưỡng giá ngang với vàng miếng.

Dù vậy, điểm tích cực là chênh lệch giữa giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm về chỉ còn 3-5 triệu đồng/lượng và duy trì suốt từ tháng 10 đến nay.

Tính đến ngày 28/12/2024, giá vàng miếng và vàng nhẫn cùng được các nhà vàng chào bán tại mức giá khoảng 84,7 triệu đồng/lượng. Kể từ đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng 35% và giá vàng SJC tăng khoảng 15%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Năm 2025, giá vàng sẽ tăng hay giảm?

Dự đoán về giá vàng năm 2025, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho hay, giá vàng năm 2025 vẫn là ẩn số, bởi còn phụ thuộc vào chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump cùng các vấn đề địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông.

Giá vàng trong nước và thế giới năm 2025 có thể có nhiều biến động. Liệu giá vàng thế giới có tăng trở lại mức 2.800 USD/ounce hay lên 3.000 USD/ounce như nhiều chuyên gia dự báo không là khó đoán.

Cũng khó có thể dự đoán giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước có trở lại mức 92 triệu đồng/lượng trong năm 2025 hay không ”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, tình hình thị trường giữ nguyên như hiện tại, giá vàng 2025 sẽ tăng chậm hơn năm nay.

Bên cạnh đó, nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược, kim loại quý sẽ gặp nhiều thách thức.

Lực mua của các ngân hàng trung ương và nhu cầu trú ẩn tăng vài năm qua, do biến động kinh tế - chính trị trên toàn cầu. Lo ngại về khối nợ công của các nước châu Âu, cùng với bất ổn tại Trung Đông, Đông Âu và nhiều nước khác vẫn kéo giá lên.

"Nhìn chung, tình hình hiện tại thôi thúc nhà đầu tư trú ẩn, ví dụ như mua vàng, để đối phó rủi ro" , WGC cho biết.

Thị trường hiện dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản (1%) năm 2025. Mức giảm ở châu Âu cũng tương tự. Lãi suất thấp sẽ có lợi cho giá vàng. Đồng đôla cũng được kỳ vọng đi ngang hoặc giảm nhẹ khi lãi suất hạ xuống. Việc này sẽ kéo kim loại quý lên cao.

Ngược lại, nếu các ngân hàng trung ương dừng điều chỉnh lãi suất trong thời gian dài hoặc tăng trở lại, sức ép lên kim loại quý sẽ lớn. Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự báo tung nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chính sách này được dự báo gây ra lạm phát và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc này có thể khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc chuyện giảm lãi.

" Tất cả đang chờ nhiệm kỳ 2 của ông Trump, để xem kinh tế toàn cầu sẽ ra sao ", báo cáo của WGC viết.

Lực mua của các ngân hàng trung ương cũng được kỳ vọng vẫn là động lực chính đẩy giá vàng năm tới. Dù giảm về cuối năm 2024, nhu cầu vàng vẫn rất mạnh, được dự báo vượt 500 tấn trong năm sau. Về dài hạn, việc này tác động tích cực lên giá.

" Diễn biến của vàng sẽ phụ thuộc vào sự tương tác của 4 yếu tố chính, gồm tăng trưởng kinh tế, rủi ro, chi phí cơ hội và xu hướng khi đó ", báo cáo của WGC nhấn mạnh.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020