Chuyên mục  


Đội Việt Nam trở thành tuyển nước ngoài đặt chân sớm nhất đến New Zealand để chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup 2023 sẽ khởi tranh từ 20-7 tại đây và đồng chủ nhà Úc. Toàn đội ngày 7-7 đã nhanh chóng bước vào buổi tập thứ 3 khi có mặt chưa đầy 2 ngày.

Rơi vào bảng E, các đối thủ của Huỳnh Như và đồng đội lần lượt là đương kim vô địch Mỹ, á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha. Dù là tân binh, Bồ Đào Nha vẫn được đánh giá cao hơn thầy trò HLV Mai Đức Chung ở bảng E nhờ cọ xát liên tục ở cựu lục địa lẫn trình độ chuyên môn nhỉnh hơn.

9-bang-thong-ke-chieu-cao-2-1-16887423811841882340920.jpg

Về sức vóc, đội Việt Nam có chiều cao trung bình thấp nhất trong bảng, với 1,608 m. Trong khi đó, đội tuyển Hà Lan có chiều cao trung bình tốt nhất là 1,705 m, tiếp theo là Mỹ 1,692 m và Bồ Đào Nha là 1,679 m.

Trong đó, cầu thủ có thể hình cao nhất là thủ môn Casey Murphy và tiền vệ Taylor Kornieck của tuyển Mỹ với 1,85 m. So với tiền vệ Ngân Thị Vạn Sự (1,52 m), 2 thành viên này của đội đang giữ cúp nhỉnh hơn tới 32 cm. Trong hàng thủ Việt Nam, hậu vệ cao nhất cũng chỉ đạt 1,68 m và thấp nhất là 1,55 m. Điều này khiến nhiều người lo cho khả năng chống bóng bổng của đội Việt Nam, đặc biệt ở trận ra quân vào ngày 22-7.

Về vấn đề này, cựu tuyển thủ Nguyễn Tuấn Phong chỉ ra 2 cách để phòng ngự bóng bổng là chủ động ngăn cản những cá nhân có khả năng kiến tạo, gồm phất bóng dài và tạt bóng chuẩn xác của đối thủ từ các tuyến trên hàng phòng ngự hoặc chủ động lùi phòng ngự trước cầu môn, kèm sát các cầu thủ tấn công nguy hiểm của đối thủ sát hoặc trong khu vực cấm địa để ngăn cản họ dứt điểm.

Với phương án 2, các tiền vệ của đội Việt Nam phải hỗ trợ bọc lót và che chắn nhằm ngăn ngừa các pha dứt điểm từ xa khi các cầu thủ cao to của đối phương có thể làm tường, nhả bóng lại cho tuyến 2 băng lên. Bàn thua thứ hai của đội Việt Nam trong trận gặp Đức đến từ một tình huống tương tự.

Cựu tiền vệ tuyển Việt Nam nhận định phương án tốt nhất là các học trò HLV Mai Đức Chung chủ động áp sát ngăn cản các tình huống phát động của đối thủ từ xa, không cho đối thủ có thời gian khống chế, quan sát để luôn đặt đối thủ trong tình huống triển khai tấn công khó nhất.

"Việc chủ động phòng ngự trước khung thành sẽ khó khăn hơn việc toàn đội áp sát liên tục ở các tuyến phía trên hàng phòng ngự. Cầu thủ vừa quan sát bóng, điểm rơi và vừa theo kèm hàng công là khó khăn hơn" - HLV Tuấn Phong nhận định.

Ông Tuấn Phong cũng nhấn mạnh hệ thống phòng ngự này yêu cầu tiền đạo và tiền vệ phải chịu khó áp sát ngăn cản. Trong thời gian qua, HLV Mai Đức Chung thường bố trí sơ đồ đội hình 5-4-1, điều này thấy rõ qua SEA Games 2023 và các trận trong đợt tập huấn tại châu Âu, gồm cả trận giao hữu với tuyển Đức.

Với hàng thủ 5 người, hàng tiền vệ không nhất thiết phải lùi về quá sâu để phòng ngự khi một người trong hệ thống phòng ngự áp sát, theo kèm và vẫn có 4 cầu thủ bố trí theo hàng ngang chắn trước khung thành. Khi có mặt trên sân, tiền đạo Huỳnh Như cũng thường lùi về hỗ trợ phòng ngự hoặc áp sát ngăn cản các pha phát động tấn công từ phần sân đối phương.

Dù vậy, HLV Nguyễn Tuấn Phong cũng chỉ ra vấn đề của lối chơi này là 2 cánh của đội tuyển nữ phải có nền tảng thể lực cao và có thể ảnh hưởng đến ý đồ phòng ngự phản công. Bởi chiến thuật này đòi hỏi việc chuyển đổi trạng thái nhanh và các vệ tinh chơi quanh Huỳnh Như luôn tập trung cao độ và duy trì sức bền đến cuối trận, như cách các cô gái kim cương đã thể hiện trong trận giao hữu thua Đức với tỉ số 1-2 hồi tháng 6. 

Trước thềm World Cup nữ 2023, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có 2 trận giao hữu với đồng chủ nhà New Zealand (ngày 10-7) và Tây Ban Nha (ngày 15-7). Đây sẽ là 2 bài kiểm tra quan trọng cho các vị trí cũng như khả năng phòng ngự, chống bóng bổng trước khi ban huấn luyện đưa ra những tính toán về chiến thuật cho các cuộc đối đầu tại bảng E với Mỹ (ngày 22-7), Bồ Đào Nha (27-7) và Hà Lan (1-8).
9-logo-qc-ls-tsn-tsb-16881309630341833112097.jpg

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020