Đăng cai cả Olympic lẫn Paralympic là trọng trách của các quốc gia được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) lẫn Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) tín nhiệm trao quyền làm chủ nhà của cả 2 sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, diễn ra 4 năm một lần. Cũng như Olympic Tokyo 2020, sự kiện Paralympic Tokyo 2020 đã phải hoãn một năm trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát và đây là lý do khiến kỳ đại hội của thể thao người khuyết tật (NKT) toàn thế giới không hứa hẹn tạo được nhiều dấu ấn mạnh mẽ.
Bảo đảm an toàn, an ninh
Dù chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống quyết liệt suốt thời gian dài, đặc biệt trước, trong và sau thời điểm diễn ra Olympic Tokyo, tình hình dịch Covid-19 ở nước này vẫn diễn biến phức tạp. Số ca lây nhiễm mới vẫn liên tục tăng, ngay cả khi Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp. Chỉ riêng thủ đô Tokyo đã ghi nhận 5.074 ca nhiễm mới trong ngày 21-8.
Trong bối cảnh như vậy, các nhà tổ chức Paralympic Tokyo 2020 đã quyết định tất cả các cuộc tranh tài tại Thế vận hội NKT sẽ diễn ra mà không có khán giả cùng với nhiều biện pháp mạnh khác để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bà Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo, cho biết: "Các vận động viên (VĐV), quan chức thể thao khi tới sân bay Nhật Bản sẽ phải trải qua quy trình kiểm dịch, xét nghiệm và theo dõi sức khỏe, cũng như bắt buộc phải đeo khẩu trang. Nhật Bản cân nhắc các đặc trưng riêng của Paralympic và các VĐV khuyết tật để thiết kế các biện pháp phòng dịch và hệ thống giao thông phù hợp, kể cả các biện pháp hỗ trợ khi có người dương tính. Chúng tôi sẽ sử dụng kinh nghiệm phòng dịch ở Olympic để bảo đảm Paralympic diễn ra an toàn và an ninh".
Theo Hoàng gia Nhật Bản, Nhật hoàng Naruhito sẽ tuyên bố khai mạc Paralympic Tokyo 2020 tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo. Ông sẽ là Nhật hoàng đầu tiên tuyên bố khai mạc cả 2 sự kiện Olympic và Paralympic. Không nhiều thành viên Hoàng gia tham dự lễ khai mạc trong bối cảnh ban tổ chức quyết định hạn chế số lượng người tham gia nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Đội bơi thể thao người khuyết tật với Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải và Võ Thanh Tùng. (Ảnh do đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam cung cấp)
Việt Nam không đặt nặng thành tích
Gia nhập Làng Thế vận hội hôm 20-8, trong những ngày qua, các thành viên của đoàn thể thao NKT Việt Nam chính thức bước vào tập luyện, khởi đầu hành trình chinh phục Paralympic Tokyo 2020. Theo thông tin của đoàn thể thao NKT Việt Nam, 2 VĐV Châu Hoàng Tuyết Loan và Cao Ngọc Hùng vinh dự cầm quốc kỳ trong phần diễu hành tại lễ khai mạc Paralympic đêm 24-8. Đây là lần thứ hai, Cao Ngọc Hùng có vinh dự này sau khi cầm cờ tại lễ khai mạc Paralympic London 2012. Cao Ngọc Hùng cùng vợ là tuyển thủ Nguyễn Thị Hải sẽ đại diện tranh tài môn điền kinh.
Theo đăng ký, đoàn thể thao NKT Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo 2020 gồm 7 tuyển thủ: Lê Văn Công (cử tạ, hạng 49 kg nam), Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ, hạng 55 kg nữ), Cao Ngọc Hùng (ném lao nam, hạng thương tật F57), Nguyễn Thị Hải (ném đĩa nữ và đẩy tạ nữ, hạng thương tật F57), Trịnh Thị Bích Như (bơi, hạng thương tật S6), Võ Thanh Tùng (bơi, hạng thương tật S5), Đỗ Thanh Hải (bơi, hạng thương tật SB5).
Ngoài kình ngư Võ Thanh Tùng thi đấu nhiều nhất với 5 nội dung bơi, Trịnh Thị Bích Như đăng ký thi đấu 4 nội dung và Đỗ Thanh Hải thi đấu 2 nội dung, các môn thi đấu còn lại các VĐV cử tạ và điền kinh sẽ thi đấu trong 1 ngày. Tin vui từ đoàn là lực sĩ Lê Văn Công đã tập luyện tốt trở lại và sẽ thi đấu nội dung cử tạ hạng 49 kg nam vào ngày 26-8.