Chuyên mục  


Facebook của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) hôm 26/7 có bài ca ngợi về sự bền bỉ của tay vợt số một Việt Nam. "Là tay vợt cầu lông nhiều tuổi nhất ở Olympic Tokyo không phải vấn đề lớn với Tiến Minh. Anh ấy xuất hiện lần đầu ở Bắc Kinh 2008, khi Kento Momota mới 13 tuổi. Quả là bền bỉ tuyệt vời. Hãy giơ một cây vợt lên vì Tiến Minh", BMF ca ngợi Tiến Minh trong bài viết.

Tiến Minh được ca ngợi về sự bền bỉ khi tham dự Olympic Tokyo ở tuổi 38.

Sở dĩ, BWF dành lời khen cho Tiến Minh là bởi ở tuổi 38, anh vẫn tiếp tục chinh chiến ở Olympic Tokyo. Trong khi đó, các tay vợt hàng đầu cùng lứa đều đã giải nghệ. Lin Dan treo vợt tuổi 37, Lee Chong Wei và Peter Gade dừng thi đấu ở tuổi 36, Jan Jorgensen và Taufik Hidayat thậm chí kết thúc sự nghiệp lần lượt ở tuổi 33 và 32.

Olympic Tokyo là Thế vận hội thứ 4 mà Tiến Minh tham dự. Anh trở thành tay vợt cầu lông nhiều tuổi nhất tại đại hội, hơn người xếp thứ hai Niluka Karunaratne, 2 tuổi.

Tuy nhiên, sau những lời ngợi khen dành cho Tiến Minh, bình tĩnh để ngồi suy ngẫm thì chúng ta nên buồn hơn là nên vui. Bởi một khi để tay vợt 38 tuổi là đại diện duy nhất cho cầu lông Việt Nam tham dự Olympic, đó là một thất bại chứ không hẳn là thành công.

Thể thao, đặc biệt là thể thao đỉnh cao, luôn cần có sự kế thừa và phát triển.

Rõ ràng sau Tiến Minh, cầu lông Việt Nam đang không có sự kế thừa cần thiết, khi lứa đàn em của Tiến Minh chưa đủ sức gánh vác thay cho anh ở đấu trường lớn như Olympic. "Cám ơn các bạn đã quan tâm hỏi thăm động viên Minh rất nhiều. Mặc dù kết quả chưa thực sự tốt nhưng Minh cũng đã cố gắng hết sức.

Mong rằng thế hệ đàn em như Đức Phát, Hải Đăng, Đình Hoàng... sẽ thay Minh chinh chiến tiếp trong thời gian tới", chính Tiến Minh đã viết tâm thư gửi tới lứa tài năng kế cận sau khi chia tay Olympic.

Thùy Linh là một trong 2 đại diện của Việt Nam tham dự môn cầu lông ở Olympic Tokyo.

Trong khi các nước ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có rất nhiều VĐV cạnh tranh ở nhiều nội dung của cầu lông như đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ kết hợp, thậm chí trong cùng một nội dung họ có nhiều VĐV cùng tranh tài với các cường quốc khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì Việt Nam chỉ vẻn vẹn có 2 VĐV.

Tiến Minh đại diện ở nội dung đơn nam, Thùy Linh đại diện ở đơn nữ. Cầu lông Việt Nam vắng bóng ở các nội dung đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ kết hợp. Vẫn đang ở độ tuổi của sức trẻ, không ngạc nhiên khi Thùy Linh là điểm sáng cho cầu lông Việt Nam. Còn Tiến Minh ở tuổi 38 sớm dừng bước ở vòng loại là điều không thể tránh khỏi.

Câu chuyện kế thừa và phát triển không chỉ với Tiến Minh ở nội dung cầu lông mà ở hầu hết các nội dung khác của thể thao Việt Nam. Như nhà vô địch Olympic Rio 2016 Hoàng Xuân Vinh ở tuổi 46 vẫn phải đại diện cho Việt Nam tham dự nội dung bắn súng. Như Ánh Viên là đại diện duy nhất ở nội dung bơi lội của nữ dù "Tiểu tiên cá" đang bắt đầu bên kia sườn dốc của sự nghiệp.

Ánh Viên đang ở bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng chưa có thế hệ đàn em đủ sức thay thế.

Ở mỗi kỳ Olympic, Việt Nam luôn đặt mục tiêu có huy chương ở những nội dung được xem là "sáng cửa" tranh chấp. Nhưng rõ ràng đó là lối đánh "du kích" để kiếm huy chương và không phải là hướng đi đúng đắn, bởi trải qua 5 kỳ thế vận hội, tức là hơn 20 năm, thể thao Việt Nam vẫn cho thấy sự tụt hậu rất nhiều so với các nước khác.

Thay vì đặt mục tiêu có huy chương, trước mắt thể thao Việt Nam phải đặt mục tiêu có nhiều môn có VĐV tham dự, có nhiều VĐV tham dự trong một nội dung thi đấu. Tăng thêm được số lượng VĐV cũng như nội dung tham dự, thì cơ hội giành huy chương khi đó sẽ nhiều hơn, đó cũng là cách mà các nước có nền thể thao phát triển đã và đang làm rất tốt trong nhiều năm qua.

18 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam tham dự 11 nội dung trong tổng số hơn 11.000 VĐV tham dự hơn 50 nội dung ở Olympic Tokyo, đó là con số quá ít mà thể thao Việt Nam cần phải thay đổi trong thời gian tới.

Sông Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020