22 ngày ở yên một chỗ
Chị Hà Thị Hạnh (39 tuổi, quê ở Sơn La) xuống Bắc Giang làm công nhân sản xuất linh kiện điện tử được một năm nay. Dịch Covid-19 bùng phát, chị đành nghỉ việc, chấp nhận cách ly tại nhà.
“Hôm 18.5 tôi tăng ca đến 4 giờ sáng về mới biết đã lập chốt phòng dịch ở khu trọ, từ đó đến nay tôi ở phòng, không đi đâu. Tiền tiết kiệm các tháng trước không ra ngoài rút được phải vay mượn chủ nhà trọ rồi nhờ họ đi mua đồ ăn, nhu yếu phẩm. Các đoàn tình nguyện đến hỗ trợ cũng nhờ chủ trọ ra nhận, thỉnh thoảng được vài cân gạo, gói muối, gói vừng,… lại tích trữ ăn trong mấy ngày”, chị Hạnh chia sẻ.
Bác sĩ Chợ Rẫy và cuộc chiến trong tâm dịch Covid-19 Bắc Giang |
Tính đến ngày 10.6, chị Hạnh đã qua 22 ngày cách ly tại nhà. Chia sẻ qua điện thoại, chị Hạnh không giấu nỗi lo về dịch bệnh, về chi phí trang trải sinh hoạt hằng ngày.
“Sợ thứ nhất về dịch bệnh nên tôi cứ phải sống trong phòng suốt, không dám tiếp xúc với ai, nhỡ chẳng may nhiễm bệnh lại khổ. Ngày giỗ bố cũng ở trong phòng tưởng nhớ, chưa năm nào quên ngày bố khuất nhưng vì dịch cũng đành chấp nhận. Thêm nữa, không đi làm không có tiền lương, không biết mai kia sống như thế nào. Tháng 5 chỉ làm được hơn nửa tháng sợ không đủ chi tiêu, tháng 6 qua gần nửa nhưng vẫn chưa đi làm được ngày nào”, chị Hạnh trầm tư.
Gần một tháng qua, chị Hạnh không ra ngoài để đảm bảo an toàn ẢNH: NVCC |
Bình thường, cộng cả tiền tăng ca, thu nhập của chị Hạnh được khoảng 9 – 10 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, chị gửi về nuôi mẹ già ở quê, hỗ trợ thêm các con nhưng dịch bệnh bùng phát khiến thu nhập giảm hơn một nửa, chị không có đủ để gửi.
Gần đây, công ty thông báo đi làm trở lại sau khi đảm bảo các yêu cầu phòng dịch, chị cũng đăng ký nhưng vẫn chưa thấy được gọi đi. Đi làm được xe công ty đưa đón, có lương chuyên cần, ở ký túc xá,… nên mong muốn lớn nhất của chị ở thời điểm hiện tại là vừa được đi làm trong môi trường an toàn, vừa có thu nhập lo cuộc sống.
“Chủ nhà trọ nơi tôi thuê phòng cũng quan tâm đến công nhân, hỗ trợ một ít tiền phòng, lấy đồ ăn giúp. Cho đến bây giờ đã "vượt qua" 22 ngày ở nhà rồi, chỉ biết động viên bản thân vì dịch nhiều nơi chứ không riêng gì mình. Người thân cũng gọi điện xuống hỏi thăm nên cũng có thêm tinh thần, cố gắng đảm bảo sức khỏe. Ở phòng cứ tích cực uống nước chanh pha muối hoặc mật ong, tập thể dục để có sức đề kháng chống lại dịch bệnh”, chị Hạnh chia sẻ.
Tối 13.6: Thêm 103 ca mắc Covid-19 trong nước, TP.HCM 44 bệnh nhân mới |
"Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối"
Chị Hứa Thị Minh Thư (21 tuổi, quê ở Bắc Kạn) hiện đang là công nhân ở KCN Vân Trung. Nghe thông báo công ty tạm dừng hoạt động phòng dịch, chị ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người. Thời gian đầu, chị cũng lo lắng không biết cuộc sống sẽ ra sao nhưng dần dần chị cũng thích nghi.
“Nghe tin phải ở nhà tôi sợ nhất là không có tiền trang trải và không có đồ ăn, nhu yếu phẩm hằng ngày. Vì không cầm tiền dự trữ, chỉ có một ít tiêu nên không đủ. Cũng may được chủ trọ tốt, nhận quà từ các nhà hảo tâm nên cũng vượt qua được”, chị Thư chia sẻ.
Những suất quà hỗ trợ giúp chị Hạnh có thêm tinh thần vượt qua khó khăn ẢNH: NVCC |
Nghỉ làm, chị Thư hưởng được 70% lương cơ bản, chị lấy đó chi tiêu, trang trải cuộc sống. Giờ chị mong xét nghiệm 3 lần âm tính, được tiêm vắc xin để có đủ điều kiện đi làm trở lại, có thu nhập gửi về gia đình.
“Gần tháng qua tôi cứ ở phòng, thiếu cái gì nhờ chủ trọ mua cho vì mình không ra được ngoài. Khó khăn cũng được các đoàn tình nguyện hỗ trợ gạo, trứng, mì tôm.. với cả được bố mẹ ở quê gọi xuống hỏi thăm nên cứ nhìn vào đó cho có tinh thần, vui vẻ chấp hành cách ly”, chị Thư bộc bạch.
Cùng hoàn cảnh, chị Đinh Thị Anh Đào (34 tuổi, quê ở Quảng Bình) ra Bắc Giang làm công nhân may tại KCN Quang Châu được 2 năm nay. Ở nhà hơn 20 ngày, chị luôn chấp hành biện pháp phòng dịch với hy vọng một ngày gần nhất được gỡ chốt, được đi làm có tiền gửi về cho con ở quê.
“Bữa giờ cứ ở trong nhà chờ thông báo của công ty, hôm nọ nhận được thông báo có 70% lương nên đang chờ lấy đó chi tiêu. Ở nhà cứ có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, thiếu gì nhà chủ đi mua hộ. Lương được hơn 3 triệu đồng phải chi tiền phòng, tiền điện, ăn uống nên chả có gửi về cho con phải nhờ ông bà ở quê. Giờ cứ chờ hết tháng 6 đi làm trở lại để mọi thứ dần ổn định chứ không có cách nào khác”, chị Đào cho biết.