Ở tuổi 28, anh Kwon Joonyeop là một người đàn ông thành đạt điển hình mà nhiều thanh thiếu niên từng mơ ước. Tốt nghiệp trường đại học hàng đầu Yonsei, tham gia đội thể thao của trường và lấy được tấm bằng kép 2 chuyên ngành, anh Kwon hiện đang sống tại Gangnam, một trung tâm của giới nhà giàu thủ đô Seoul-Hàn Quốc.
Tuy nhiên theo tờ Business Insider (BI), căn hộ ở Gangnam mà anh Kwon sống có 4 phòng ngủ và là tài sản của gia đình qua nhiều thế hệ. Bản thân anh cũng đang sống cùng bố mẹ.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng anh Kwon hiện đang là chuyên gia phân tích cho một tập đoàn quốc tế với mức lương cao, ổn định và đại diện cho giới cổ cồn trắng, lao động văn phòng mà nhiều bạn trẻ Hàn Quốc hướng tới. Vào dịp cuối tuần, anh Kwon lại đi thi bơi với bạn bè, tận hưởng một cuộc sống thoải mái.
Anh Kwon Joonyeop
Mặc dù vậy, cũng tương tự như bao bạn trẻ độc thân khác ở Hàn Quốc, anh Kwon vẫn thích sống cùng gia đình và chẳng chịu mua nhà dù mức lương cao hơn so với bình quân cả nước. Thậm chí anh còn tuyên bố thẳng sẽ không mua nhà trong 10 năm tới cho dù có tích đủ tiền, thay vào đó sẽ mua xe để gia tăng hình ảnh bản thân và sống hưởng thụ.
“Tôi cảm giác tuyệt vọng với giá nhà hiện nay, cứ như chúng tôi là thế hệ bị bỏ rơi vậy. Do đó chẳng việc gì mà lại không sống hưởng thụ cả”, anh Kwon thú nhận.
Nỗi lo lắng của Kwon là có cơ sở khi nhìn vào trường hợp của chị Hong Seo Yoon,36 tuổi, là quản lý cho một tổ chức phi lợi nhuận, giảng viên tại trường đại học quốc gia Seoul với mức lương 3.700 USD/tháng, đồng thời là phát thanh viên của đài Korean Broadcasting System cũng như là nhà sáng lập của nhiều tổ chức phi chính phủ khác.
Sự nghiệp lớn đến thế nên chẳng có gì lạ khi cô Hong vay mượn để mua được ngôi nhà đầu tiên ở Seoul với giá 300.000 USD vào năm 2019, dù đây chỉ là một căn bất động sản cũ đã tồn tại hơn 30 năm.
Thế nhưng giờ đây với lãi suất tăng cao, cô Hong bắt đầu lo lắng khi hàng loạt nghề mình đang làm chẳng đủ để thu xếp cho hàng loạt chi phí đi lên.
Tờ BI cho biết những người như anh Kwon và cô Hong đều thuộc thế hệ MZ, sinh ra trong khoảng 1980-2005 và đang chiếm 1/3 tổng dân số Hàn Quốc. Đây là thế hệ được đào tạo, có nền giáo dục tốt nhất cả nước, là thế hệ đầu tiên dám đứng lên bàn bạc về những vấn đề lớn trong xã hội như biến đổi khí hậu, đại diện cho một giới trẻ có trình độ, sự nghiệp, đáng tự hào của Hàn Quốc.
Thế nhưng dù thành công như vậy nhưng theo BI, thế hệ này lại đang gặp khó khăn về tài chính mà đặc biệt là khả năng mua hoặc sở hữu nhà ở. Không chỉ giá nhà ngày càng xa vời, hàng loạt chi phí khác như giao thông vận tải, giáo dục hay sinh hoạt cuộc sống thường ngày cũng ngày một đi lên, khiến mức lương cao mà họ từng tự hào trở nên eo hẹp hơn.
Thế hệ Kangaroo
Tờ BI cho hay thế hệ MZ hiện nay ở Hàn Quốc thường bị gọi là “thế hệ Kangaroo”, ám chỉ những bạn trẻ có sự nghiệp nhưng vẫn độc thân, sống cùng cha mẹ vì giá nhà tăng quá cao để mua.
Số liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc cho thấy chỉ 12,7% số người độc thân trong thế hệ MZ và 36,6% người có gia đình là sở hữu nhà ở. Con số này thấp hơn nhiều so với 47,8% thế hệ Millennial ở Mỹ, những người trong độ tuổi 27-42.
Trên thực tế điều này không có nghĩa bạn trẻ Hàn Quốc không muốn sống riêng hay sở hữu nhà. Một cuộc khảo sát năm 2020 cho thấy 95% những bạn trẻ ngoài 20 ở nước này đều cho rằng việc mua nhà là cần thiết. Thậm chí chính anh Kwon ở trên cũng thừa nhận việc có sở hữu một căn nhà cho bản thân hay không cũng thể hiện được địa vị xã hội hoàn toàn khác so với người ở thuê hoặc ở cùng cha mẹ.
Thế nhưng ngay cả anh Kwon với mức lương 60.000 USD/năm cũng chẳng biết liệu mình có mua nổi một căn nhà trong đời hay không trong tình cảnh giá nhà tăng như hiện nay.
“Với tình cảnh của tôi thì nếu không lấy vợ, có lẽ tôi sẽ chuyển ra ngoài ở thuê năm 35-36 tuổi”, anh Kwon nói khi cho biết mình tiết kiệm được 70% thu nhập nhờ sống cùng bố mẹ.
Số liệu của Bộ lao động Hàn Quốc cho thấy giá nhà bình quân ở Seoul hiện là 876.215 USD vào năm 2022, cao hơn nhiều so với mức lương bình quân 26.600-37.660 USD của bạn trẻ Hàn Quốc trong độ tuổi 25-39.
Thậm chí với giá nhà tiếp tục tăng cao hiện nay cùng lãi suất đi lên, ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc bất lực với việc sở hữu nhà ở, qua đó nảy sinh tâm lý hưởng thụ và sống độc thân.
Tờ Korea Financial Times cho hay thu nhập của các hộ trung lưu Hàn Quốc hiện nay chỉ đủ sức mua 2,6% số căn hộ ở Seoul và phần lớn những căn nhà này đều là bất động sản cũ.
Đây cũng chính là lý do mà thế hệ MZ tại Hàn Quốc bị gọi là thế hệ Kangaroo, khi những đứa con của loài này vẫn ở trong túi cha mẹ dù đã lớn.
Số liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc cho hay ít nhất 42,5% số người trong thế hệ MZ ở Hàn Quốc vẫn sống cùng cha mẹ.
Tại xứ sở kimchi, việc sống cùng phụ huynh để tiết kiệm tiền thuê nhà là chấp nhận được. Bản thân cô Hong ở trên bị buộc phải vay tiền mua nhà vì giá thuê tăng cao hàng tuần còn bố mẹ thì ở tận Changwon.
Học cao nhưng thất nghiệp
Thế hệ MZ là những người có học thức cao vì tiền học không đắt, khiến 70% số người trong thế hệ này có bằng đại học.
Số liệu của Education Data Initiative cho thấy học phí đại học bình quân hiện nay tại Hàn Quốc vào khoảng 5.000 USD/năm, thấp hơn nhiều so với 9.377 USD (dành cho sinh viên trong bang) và 27.279 USD (dành cho sinh viên từ bang khác) tại Mỹ.
Chưa đến 30% số sinh viên hiện nay tại Hàn Quốc phải dùng quỹ tín dụng sinh viên để thanh toán tiền học.
Thế nhưng điều trớ trêu là cử nhân ra trường nhiều lại chẳng có đủ việc làm, buộc nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ phải đi làm việc bán thời gian như bưng bê ngoài quán hay giao hàng. Dù tiền học phí rẻ hơn Mỹ nhưng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc lại cao gấp đôi so với nền kinh tế số 1 thế giới.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy tính đến tháng 2/2023, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 20-29 tại Hàn Quốc là 7%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với tháng 1/2023. Con số này cao gần gấp đôi so với 3,9% trong độ tuổi 25-39 tại Mỹ cùng kỳ.
Nợ nần để hưởng thụ
Giá thuê nhà tăng cao cùng với khan hiếm việc làm có mức lương tốt khiến giới trẻ Hàn Quốc vay nợ quá nhiều.
CEO Eyal Victor Mamou của hãng tư vấn Koisra cho biết dù tiền học phí thấp nhưng ngày càng nhiều bạn trẻ Hàn Quốc vay nợ để trang trải chi phí cuộc sống hoặc để hưởng thụ và từ bỏ giấc mơ mua nhà. Câu chuyện dồn tiền tiết kiệm chơi chứng khoán, mua sổ xố hay tiền số cũng chẳng còn hiếm khi cơ hội làm giàu, sở hữu nhà ở trở nên xa vời.
Tờ BI thậm chí nhận giới trẻ Hàn Quốc là những người chi tiêu mạnh nhất cho hàng xa xỉ vì giấc mơ mua nhà tan vỡ.
Khảo sát của Morgan Stanley cho hay năm 2022, tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ cá nhân tại Hàn Quốc đã tăng đến 24% bất chấp kinh tế khó khăn.
Tập đoàn sở hữu chuỗi thương mại xa xỉ lớn nhất Hàn Quốc là Shinsegae cũng cho biết thế hệ MZ chiếm đến 40% tổng doanh thu hàng hiệu của hãng năm 2021.
Giáo sư Kim Seong Kon của trường đại học quốc gia Seoul nhận định việc vay nợ để vung tiền mua hàng xa xỉ là một giải pháp “bồi thường tinh thần” khi giới trẻ Hàn Quốc tan vỡ giấc mơ mua nhà.
“Khi họ chẳng mua nổi một căn nhà vì giá quá cao thì giới trẻ sẽ đi mua một chiếc xe sang thay thế”, giáo sư Kim cho biết.
Một cuộc khảo sát của Economic Affairs cho thấy hơn 60% số người được hỏi tại Hàn Quốc cực kỳ coi trọng hình thức để người ngoài nhìn thấy sự giàu có ở bản thân.
Tất nhiên đấy là với giới trung lưu, còn những bạn trẻ gia cảnh nghèo khó thì vẫn phải tiết kiệm từng đồng. Họ không có khả năng mua hàng xa xỉ nhưng lại mơ về một cuộc sống dễ thở hơn khi hàng ngày phải tính toán đến từng đồng.
Độc thân là xu thế
Cuộc sống khó khăn là nguyên nhân chính khiến độc thân dần trở thành xu thế trong giới trẻ Hàn Quốc ngày nay. Điều này không có nghĩa là các bạn trẻ không có người yêu, nhưng họ chẳng muốn kết hôn.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy hơn 50% số người ngoài 20-30 tại Hàn Quốc nhận định hôn nhân là điều không thực sự cần thiết hiện nay. Khoảng 1/3 số bạn trẻ cho rằng khó khăn tài chính là nguyên nhân chính khiến họ không kết hôn.
Tờ Korea Herald cho hay tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc hiện đã xuống mức thấp kỷ lục 192.000 cặp đôi năm 2022, trong tổng số 51 triệu người. Tệ hơn, độ tuổi kết hôn bình quân tại đây cũng ngày một lớn.
Hậu quả của tình trạng này là tỷ lệ sinh đẻ tại Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất thế giới, chỉ đạt 0,78 trẻ trên mỗi phụ nữ vào tháng 2/2023 trong khi con số này cần ở mức 2,1 mới có thể duy trì được cấu trúc dân số ổn định. Tại Mỹ, tỷ lệ sinh là 1,6 trẻ/mỗi phụ nữ.
“Tại Hàn Quốc, chúng tôi thường nói đùa rằng con trẻ là những cỗ máy nuốt tiền”, anh Kwon cười nói khi cho biết mọi thứ đều tăng giá, từ thực phẩm cho đến học phí.
Dù tiền học trường công rẻ nhưng khảo sát của Bộ giáo dục Hàn Quốc năm 2022 cho thấy 78,3% học sinh tại đây đi học thêm và giá của những khóa học này chẳng hề rẻ, bình quân khoảng 3.300 USD năm 2022.
“Chúng tôi giờ đây chỉ cố gắng sống tiếp, làm những gì mình đang làm mà thôi”, anh Kwon than thở.
*Nguồn: BI