Một thành viên Taliban bị kết án vì âm mưu buôn bán ma túy quy mô lớn, một phi công Nga bị bỏ tù vì âm mưu phân phối cocaine khắp thế giới và một "lái súng tử thần" Nga là ba trong số những tù nhân mà chính phủ Mỹ đã đồng ý trả tự do trong năm qua để đổi lấy tự do cho các công dân nước này đang bị giam ở nước ngoài.
Các vụ trao đổi diễn ra liên tiếp vừa qua dường như cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng trả tự do cho những tội phạm từng bị coi là mối đe dọa lớn với xã hội nếu điều đó là cần thiết để đưa công dân Mỹ trở về nước.
Thực tế này càng khiến nhiều người lo ngại rằng Washington sẽ bị đẩy vào tình thế khó khăn hơn trong tương lai, khi các vụ trao đổi tù nhân có nguy cơ thúc đẩy một số quốc gia hay tổ chức đối địch bắt người Mỹ làm con tin để đổi lấy những người đang bị giam ở Mỹ.
Nữ cầu thủ bóng rổ Mỹ Brittney Griner tại tòa án ở Khimki, ngoại ô Moskva, ngày 4/8. Ảnh: AFP.
Cuộc trao đổi mới nhất diễn ra hôm 8/12 khi nữ ngôi sao bóng rổ người Mỹ Brittney Griner, người từng hai lần giành huy chương vàng Olympic, được Nga trả tự do để đổi lấy trùm buôn vũ khí Viktor Bout.
Động thái này đã châm ngòi cho những chỉ trích từ phe Cộng hòa và làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ đang đổi một tù nhân đã bị kết án với tội danh nặng để lấy một công dân mà họ cho là bị kết án sai tại Nga với tội danh tương đối nhẹ.
Griner, 32 tuổi, bị bắt ở Nga ngày 17/2 sau khi giới chức phát hiện hành lý của cô có ống thuốc lá điện tử chứa dầu cần sa, chất bị cấm ở Nga. Griner thừa nhận hành vi nhưng nói chỉ vô tình mang theo, do đóng gói hành lý quá vội, không có ý định phạm tội. Luật sư bào chữa cho biết cô được bác sĩ kê đơn cần sa để giảm đau.
Bout trong khi đó bị FBI gài bẫy và bắt ở Thái Lan vào năm 2008. Bout năm 2012 bị kết án 25 năm tù với cáo buộc âm mưu bán số vũ khí trị giá hàng chục triệu USD mà Washington cho rằng sẽ được sử dụng để chống lại người Mỹ.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận những thỏa thuận trao đổi như vậy là "cái giá khá đắt" và dễ tạo ra nhận thức rằng chúng là chuẩn mực mới. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi tù nhân thực tế từ lâu đã đóng vai trò như công cụ chính trị của lưỡng đảng Mỹ.
Chính quyền tổng thống Donald Trump đã đưa cựu binh hải quân Michael White về nước vào năm 2020 nhờ thỏa thuận trả tự do cho một bác sĩ người Mỹ gốc Iran và cho phép ông này trở lại Iran.
Chính quyền Barack Obama đã ân xá hoặc xóa cáo buộc với 7 người Iran trong một cuộc trao đổi tù nhân liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Ba người Cuba ngồi tù tại Mỹ đã được cho phép hồi hương vào năm 2014, khi Havana trả tự do cho Alan Gross, công dân Mỹ, sau 5 năm ngồi tù ở Cuba.
Jon Franks, người từng tư vấn cho các gia đình Mỹ có người thân bị giam ở nước ngày, cho hay Mỹ là một cường quốc quân sự, nhưng không phải khi nào cũng có thể dùng sức mạnh để buộc các nước thả người.
"Câu thần chú 'gây áp lực tối đa' không có tác dụng trong nhiều trường hợp và tôi không nghĩ rằng trao đổi tù nhân làm giảm hiệu quả của chính sách gây áp lực tối đa", ông nói.
Nhưng Dani Gilbert, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ và an ninh quốc tế tại trường đại học Dartmouth, bày tỏ lo ngại cuộc trao đổi Griner - Bout phản ánh một xu thế gần đây là nhiều người Mỹ đang bị một số nước biến thành đòn bẩy để tạo sức ép với Washington.
Gilbert cho hay bà sợ rằng các vụ trao đổi tù nhân như thỏa thuận Griner - Bout sẽ khuyến khích các quốc gia đối thủ của Mỹ áp dụng chiến thuật tương tự.
Trong buổi lễ chúc mừng Griner được trả tự do hồi giữa tuần trước, Tổng thống Biden đã kêu gọi người dân Mỹ đề cao cảnh giác khi ra nước ngoài. "Chúng tôi không muốn có thêm bất kỳ gia đình Mỹ nào phải chịu nỗi đau và tình cảnh chia ly này", ông nói.
Mối quan tâm dành cho trường hợp của Griner còn đặt ra câu hỏi về việc liệu chính quyền có bị thúc đẩy thực hiện thỏa thuận trao đổi tù nhân vì sự nổi tiếng của cô và áp lực dư luận hay không.
Paul Whelan, cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ, giám đốc điều hành một công ty an ninh ở Michigan, người thường xuyên đến Nga cho đến khi ông bị bắt vào tháng 12/2018 tại Moskva với cáo buộc gián điệp, ban đầu cũng nằm trong danh sách đàm phán trao đổi tù nhân cùng với Griner, nhưng sau đó đã bị loại khỏi thỏa thuận.
Cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ ngày 8/12. Video: FSB
Jared Genser, luật sư ở Washington, người đại diện cho gia đình Siamak Namazi, người bị bắt giam ở Iran từ năm 2015, cho biết sự nổi tiếng của Griner chắc chắn đã giúp đội ngũ hỗ trợ cô tiếp cận với những tiếng nói quyền lực nhất của Mỹ theo cách mà ít người có được. Điều này đồng thời cho Nga thấy Tổng thống Biden "muốn đưa Griner về" như thế nào, ông cho biết thêm.
Ở những nơi khác trên thế giới, nhiều công dân Mỹ đã bị giam trong nhiều năm.
Ali al-Ahmed, người điều hành Viện Vùng Vịnh, trụ sở tại Washington, có một người anh họ đã bị bắt giam tại Arab Saudi vào năm 2019 và được thả vào đầu năm nay, nhưng vẫn không thể rời khỏi đất nước.
Al-Ahmed đang giúp đỡ các gia đình khác có người thân bị giam ở Arab Saudi. Anh nói rằng những người này không nổi tiếng như Griner và anh cảm thấy chính phủ Mỹ không dành đủ quan tâm tới họ.
"Họ không nên ưu tiên người có hoàn cảnh đặc biệt hơn những người khác. Không có sự bình đẳng ở đây", al-Ahmed cho hay.
Viktor Bout tại tòa án ở Bangkok, Thái Lan, hồi năm 2010. Ảnh: AFP.
Gia đình một người Mỹ khác bị bắt ở nước ngoài, Austin Tice, cũng bày tỏ nỗi bức xúc trong một tuyên bố hôm 8/12. Mặc dù nói rằng họ rất vui vì Griner đã được trả tự do, họ "cũng vô cùng thất vọng" khi chính phủ Mỹ không thể xúc tiến trường hợp của Tice.
Tice mất tích ở Syria năm 2012. Giới chức Mỹ cho rằng Tice đang bị chính phủ Syria giam, nhưng Damascus bác bỏ.
"Nếu chính phủ Mỹ có thể đàm phán với Nga, không có lý do gì để không can thiệp trực tiếp vào Syria", tuyên bố từ gia đình Tice có đoạn. "Cầu Chúa rủ lòng thương để Austin không phải trải qua một Giáng sinh nữa trong nhà tù".
Vũ Hoàng (Theo AP)