Chuyên mục  


Arab Saudi sắp mở cửa hàng đồ uống có cồn đầu tiên ở thủ đô Riyadh, chỉ phục vụ các nhà ngoại giao không theo đạo Hồi. Đây là lần đầu quốc gia Hồi giáo này cho phép bán rượu bia sau 7 thập kỷ, kể từ sau vụ một hoàng tử bắn chết người sau bữa tiệc năm 1952.

Ngày 16/11/1952, hoàng tử Mishari bin Abdulazir, một trong những người con trai của Vua Abdulaziz bin Abdul Rahman Al Saud, được mời tới dự tiệc tại tư gia của Cyril Ousman, phó lãnh sự Anh ở thành phố Jeddah của Arab Saudi.

Trong bữa tiệc, hoàng tử Mishari, khi đó 19 tuổi, đã uống say và yêu cầu ông Ousman rót thêm rượu, song nhà ngoại giao Anh từ chối vì nhận thấy Mishari đã quá chén. Hoàng tử Mishari giận dữ bỏ đi rồi quay lại với một khẩu tiểu liên trên tay.

Phó lãnh sự Anh tại Jeddah Cyril Ousman (trái) và Hoàng tử Mishari bin Abdulazir. Ảnh: Wikipedia

Hoàng tử Arab Saudi sau đó xả súng vào nhà phó lãnh sự Anh trong cơn thịnh nộ. Ông Ousman trúng đạn khi che chắn cho vợ và tử vong.

Vụ nổ súng khiến Vua Abdulaziz nổi giận và ra lệnh tống giam hoàng tử Mishari. Ông này thoát án tử nhờ địa vị hoàng tộc, nhưng bị kết án chung thân. Vua Abdulaziz sau đó đã ban hành lệnh cấm rượu bia nghiêm ngặt trên toàn quốc.

Một năm sau, Vua Abdulaziz qua đời và hoàng tử Mishari cũng được trả tự do, bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh, trước khi qua đời ở tuổi 68 tại Mỹ, nhưng lệnh cấm rượu bia vẫn được duy trì và thi hành chặt chẽ, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, văn hóa Arab Saudi. Người vi phạm lệnh cấm rượu bia có thể bị phạt roi, phạt tiền, trục xuất hoặc bỏ tù.

Dù vậy, rượu vẫn được buôn bán trên thị trường chợ đen. Trong nhiều năm qua, các nhà ngoại giao nước ngoài có thể mang rượu vào Arab Saudi, trong các túi ngoại giao được niêm phong. Số rượu này không được kiểm soát chặt chẽ.

Bartender chuẩn bị đồ uống tại một quán bar không cồn ở Riyadh, Arab Saudi, ngày 23/1. Ảnh: AFP

Chính phủ Arab Saudi gần đây công bố kế hoạch sửa đổi quy định pháp lý nhằm tăng cường quản lý rượu nhập vào vương quốc. Việc mở cửa hàng bán rượu đầu tiên là một trong những động thái nới lỏng quy tắc xã hội đáng chú ý của Thái tử Mohammed bin Salman, cùng với việc cho phép phụ nữ lái xe, tổ chức concert.

Dù vậy, hiện chưa rõ quốc gia 32 triệu dân này có nới lỏng lệnh cấm rượu bia đã áp dụng hơn 70 năm hay không, bởi đây vẫn là chủ đề nhạy cảm tại đất nước có đa số người theo Hồi giáo.

Nhiều người hy vọng giới chức tiếp tục nới lỏng quy định về sử dụng rượu bia, trong bối cảnh Arab Saudi nỗ lực đăng cai Expo 2030 và World Cup 2034. Đối với một số người Arab Saudi, lựa chọn khả thi để uống rượu là ra nước ngoài, nếu không muốn bị trừng phạt vì vi phạm lệnh cấm.

Đức Trung (Theo Times of India, Wire)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020