Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 31-10, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhận được câu hỏi từ truyền thông quốc tế liên quan việc lực lượng chức năng của Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Về vấn đề này, ông Việt nhấn mạnh ngay từ đầu: "Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này đã được chúng tôi khẳng định và nhắc lại nhiều lần".
Việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt giữ trái phép ngư dân trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa là "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền cơ bản, hợp pháp và lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam kế đó nhấn mạnh sự "kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Đồng thời yêu cầu Trung Quốc thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt tái diễn các hành động tương tự.
Hôm 2-10, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo nhấn mạnh Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc.
Đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm gồm hơn 30 đảo, rạn san hô, cồn cát và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao đã nhiều lần tuyên bố rõ Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong đó chủ quyền đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và "được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai".