Chuyên mục  


Căng thẳng Nga - Ukraine bắt đầu từ năm 2014, sau khi phong trào biểu tình Euromaidan lật đổ tổng thống Victor Yanukovych có xu hướng thân Nga. Tổng thống Vladimir Putin cho rằng đây là một "cuộc đảo chính đẫm máu", buộc Nga phải triển khai lực lượng quân sự tới kiểm soát bán đảo Crimea. Moskva sau đó tổ chức trưng cầu dân ý và sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.

Phong trào đòi ly khai do Nga hậu thuẫn sau đó bùng lên ở hai tỉnh Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine. Giao tranh dai dẳng suốt 8 năm qua đã khiến khoảng 14.000 người thiệt mạng, trong đó có gần 300 người trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi bên ngoài thành trì Donetsk của phe ly khai ở đông Ukraine vào ngày 17/7/2014.

Quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai năm 2015 đạt thỏa thuận ngừng bắn Minsk do Phái đoàn Quan sát viên Đặc biệt tại Ukraine của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát. Tuy nhiên, giao tranh lẻ tẻ vẫn thỉnh thoảng nổ ra ở khu vực giới tuyến.

Cuộc xung đột không chỉ gây thiệt hại về nhân mạng cho Ukraine, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước này. Căng thẳng với Nga đã tác động tới vị thế là quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga sang các nước Liên minh Châu Âu (EU) của Ukraine, khiến nước này tổn thất khoảng 1% GDP (hơn 1 tỷ USD) và gây ra nhiều vấn đề về nguồn cung khí đốt.

Về mặt ngoại giao, chiến sự ở miền đông Ukraine có liên quan chặt chẽ tới những căng thẳng chưa được giải quyết giữa Moskva và phương Tây. Điều này được thể hiện trong các diễn đàn quốc tế như OSCE hay "Bộ tứ Normandy" gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức. Các tổ chức này cho đến nay đã giúp ngăn chiến sự ở miền đông Ukraine leo thang thành cuộc chiến tranh tổng lực, có thể gây ra khủng hoảng nhân đạo lớn.

Tuy nhiên, tình hình dọc đường giới tuyến ở miền đông Ukraine vẫn rất bất ổn, khi Nga ngày càng tăng cường sức ép đối với Ukraine và phương Tây. Sức ép "nội công" tăng lên với các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn xảy ra thường xuyên hơn ở miền đông, trong khi Ukraine đứng trước nguy cơ "ngoại kích" chưa từng có với khoảng 100.000 binh sĩ Nga đang tập trung gần biên giới.

ukraine-donetsk-reuters-edited-2865-1642743382.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HviTjbBtAqJynd1gINDOEQ

Một người lính Ukraine đi dọc đường giới tuyến ở vùng Donetsk hồi tháng 3/2021. Ảnh: Reuters.

8 năm khủng hoảng đã khiến chính phủ và người dân Ukraine hứng chịu những thiệt hại chồng chất. Vị trí địa chiến lược quan trọng đã đẩy Ukraine vào tâm điểm cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, trong khi quốc gia này gần như không thể tự định đoạt tương lai của mình.

Tất cả những điều này đã cản trở đáng kể nỗ lực cải cách ở Ukraine. Chống tham nhũng, tăng cường luật pháp, hay các cải cách quản trị khác đều bị đình trệ hoặc tạm gác lại khi Ukraine đối mặt với nguy cơ Nga động binh, điều mà phương Tây cho rằng ngày càng có khả năng xảy ra.

Những lo ngại về an ninh đã làm kiệt quệ các thể chế nhà nước, trong khi chi tiêu quân sự liên tục tăng từ 1,6 tỷ USD năm 2013 lên 4,3 tỷ USD (khoảng 4% GDP) vào năm 2020. Chỉ riêng ngân sách mua sắm vũ khí dự kiến tăng từ 838 triệu USD vào năm ngoái lên hơn 1 tỷ USD trong năm nay.

Điều này làm giảm khả năng đầu tư của nhà nước cho dịch vụ công và cơ sở hạ tầng, đồng nghĩa Ukraine ngày càng ít hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Sau khi sụt giảm nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và thời điểm khởi phát phong trào biểu tình Euromaidan năm 2013, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ukraine năm 2019 chỉ ở mức 5,8 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức 8,2 tỷ USD năm 2012 và 10,7 tỷ USD năm 2008. Dù kinh tế nước này vẫn tăng trưởng ổn định từ năm 2016, GDP năm 2020 cũng chỉ đạt 155 tỷ USD, trong khi năm 2013, con số này là 190 tỷ USD.

Covid-19 được cho là một phần nguyên nhân khiến GDP của Ukraine sụt giảm. Nhưng báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng này cho biết "triển vọng tăng trưởng dài hạn của Ukraine bị hạn chế bởi cải cách chậm chạp, gây cản trở cạnh tranh và phát triển khu vực tư nhân".

Để đối phó với khủng hoảng leo thang, Ukraine đã áp dụng học thuyết "kháng cự toàn quốc". Với quy định này, tất cả đàn ông và phụ nữ dưới 60 tuổi đều trong diện thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong cuộc khảo sát của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev thực hiện vào tháng 12/2021, 33% người Ukraine sẵn sàng tham gia chiến đấu nếu quốc gia bị xâm lược, trong khi 21% muốn kháng cự phi bạo lực. Tuy nhiên, 14,3% chọn di cư tới nơi an toàn hơn ở Ukraine, 9,3% chọn rời đất nước nếu Nga tấn công. 18,6% người Ukraine không muốn chống lại Nga.

Chỉ riêng năm 2021, 600.000 người Ukraine, chiếm khoảng 1,5% dân số, đã rời khỏi đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng cho quốc gia này.

Cuộc khủng hoảng mà Ukraine đối mặt không chỉ là về quân sự hay địa chính trị, dù đây hiện là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách và cần giải quyết nhanh chóng. Quốc gia này còn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng không kém trong nước, đòi hỏi chính phủ cần quan tâm thường xuyên hơn.

"Nếu không có các thể chế vững mạnh, Ukraine sẽ mãi phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và dễ bị tổn thương trước những thay đổi địa chính trị", Stefan Wolff, giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham của Anh, nhận định.

Thanh Tâm (Theo The Conversation)

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020