Tại Trung tâm Điều hành NORAD Santa Tracker ở bang Colorado (Mỹ), các tình nguyện viên túc trực bên điện thoại và máy tính để theo dõi hành trình của Ông già Noel - Ảnh: NORAD
Vào đêm Giáng sinh, khi những đứa trẻ trên khắp thế giới háo hức chờ đợi những món quà từ Ông già Noel, Bộ tư lệnh Phòng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) bắt đầu một nhiệm vụ đặc biệt: "truy dấu" hành trình của Ông già Noel trên khắp địa cầu.
NORAD là cơ quan quân sự phối hợp của Mỹ và Canada nhằm cảnh báo và bảo vệ không phận của hai quốc gia Bắc Mỹ này.
Không phải là một nhiệm vụ quân sự nghiêm túc, đây là một truyền thống Giáng sinh độc đáo, mang đến niềm vui và sự kỳ diệu cho hàng triệu trẻ em và cả người lớn.
Từ "cuộc gọi nhầm số" thành "truyền thống toàn cầu"
Câu chuyện bắt đầu từ một sự nhầm lẫn đáng yêu vào năm 1955. Một quảng cáo trên báo in nhầm số điện thoại đường dây nóng "gọi cho Ông già Noel" thành số của Bộ tư lệnh Phòng không lục địa (tiền thân của NORAD).
Đại tá Harry Shoup, sĩ quan trực ban hôm đó, liên tục nhận được những cuộc gọi hỏi thăm về Ông già Noel.
Thay vì khó chịu, đại tá Shoup đã có một quyết định tuyệt vời: ông ra lệnh cho các nhân viên trả lời những cuộc gọi đó và thông báo rằng họ đang "theo dõi" Ông già Noel trên radar.
Sự việc này nhanh chóng lan rộng và từ đó, một truyền thống Giáng sinh độc đáo ra đời và duy trì đến tận bây giờ: NORAD chính thức "theo dõi" Ông già Noel mỗi đêm Giáng sinh.
Từ việc chỉ trả lời các cuộc gọi điện thoại, NORAD đã mở rộng quy mô "truy dấu" thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm website NORAD Santa Tracker, ứng dụng, mạng xã hội và đường dây nóng.
Công nghệ hiện đại và những lời giải thích hài hước
Hơn 1.200 tình nguyện viên quân sự và dân sự từ khắp nơi cùng nhau tham gia, thay phiên túc trực đường dây "theo dõi" Ông già Noel suốt 23 tiếng - Ảnh: NORAD
Mỗi đêm Giáng sinh, NORAD sử dụng một loạt công nghệ hiện đại, từ radar mạnh mẽ, vệ tinh tiên tiến đến máy bay chiến đấu, để "theo dõi" hành trình của Ông già Noel từ Bắc Cực.
Thế nhưng điều đáng chú ý là cách giải thích những thiết bị kỹ thuật khô khan của NORAD lại vô cùng hài hước và thú vị.
Ví dụ, họ thường nói rằng họ sử dụng "mũi đỏ của tuần lộc Rudolph" như một tín hiệu hồng ngoại để theo dõi hành trình của Ông già Noel từ không gian. Họ cũng đưa ra những phân tích hài hước về "lượng calo" mà Ông già Noel tiêu thụ trong đêm Giáng sinh, sau khi ăn hết bánh quy và sữa mà trẻ em để lại ở mỗi nhà.
Những lời giải thích hài hước này không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn giúp trẻ em hiểu một cách đơn giản về cách thức hoạt động của các thiết bị công nghệ.
Lan tỏa niềm vui khắp thế giới
Để đảm bảo hoạt động "truy dấu" diễn ra suôn sẻ, hàng ngàn tình nguyện viên đã được huy động để tham gia trả lời các cuộc gọi và cập nhật thông tin trên các kênh truyền thông với tinh thần vui vẻ, mang đến không khí Giáng sinh ấm áp cho mọi người.
Đặc biệt, NORAD còn hợp tác với một đơn vị bên ngoài để cung cấp dịch vụ phiên dịch cho người dùng trên khắp thế giới. Điều này giúp bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể theo dõi hành trình của Ông già Noel trên trang web và tận hưởng niềm vui đêm Giáng sinh.
NORAD không hề coi đây là một nhiệm vụ khô khan, mà họ đã biến nó thành một sự kiện vui nhộn với những thông tin hài hước và dí dỏm về Ông già Noel. Ví dụ, họ thường đưa ra những "báo cáo" về tốc độ di chuyển "siêu tốc" của cỗ xe tuần lộc, hay những "sự cố" nhỏ trên đường đi của Ông già Noel, số lượng quà mà ông đã phát.
Ông Shamus Sayed, phó chủ tịch của Interpreters Unlimited, công ty cung cấp dịch vụ phiên dịch, chia sẻ: "Có rất nhiều lý do khiến trẻ em muốn nhìn thấy một Ông già Noel đại diện cho văn hóa và ngôn ngữ của chúng. Đây là một điều tốt đẹp".
Ông Shamus cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phiên dịch bằng con người, bởi vì các công cụ trực tuyến và trí tuệ nhân tạo không thể truyền tải được những sắc thái văn hóa tinh tế và cảm giác chân thật.