Hình ảnh những người cao tuổi đang xếp hàng chờ bên ngoài một bếp ăn từ thiện ở trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 2-10 - Ảnh: YONHAP
Theo Hãng tin Yonhap, ngày 24-12, Bộ Nội vụ Hàn Quốc thông báo đất nước này chính thức trở thành một xã hội "siêu già" theo phân loại của Liên Hiệp Quốc khi tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt 20%.
Điều này đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại xứ xở kim chi khi dân số già hóa nhanh chóng và tỉ lệ sinh thấp.
Theo thống kê của bộ này, hiện có đến 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% trong tổng số 51,22 triệu dân của cả nước. Trong đó, số lượng phụ nữ trong nhóm tuổi này chiếm phần đa với 5,69 triệu người, so với 4,54 triệu nam giới.
Trong nhiều năm qua, số lượng người cao tuổi tại Hàn Quốc đã liên tục tăng: từ 10% dân số vào năm 2008 (4,94 triệu người) lên 15% vào năm 2019, và đạt 19,05% vào đầu năm 2024.
Theo phân loại của Liên Hiệp Quốc, quốc gia có trên 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là "xã hội già hóa", trên 14% là "xã hội già" và trên 20% là "xã hội siêu già".
Tỉ lệ dân số cao tuổi có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực, trong đó tỉnh Nam Jeolla dẫn đầu với 27,18% và tỉ lệ thấp nhất được ghi nhận là 11,57% tại thành phố Sejong.
Tại thủ đô Seoul, nhóm tuổi này chiếm 19,41% tổng dân số.
Sự gia tăng dân số cao tuổi, kết hợp với tỉ lệ sinh thấp, đã đẩy Hàn Quốc vào tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học. Điều này đặt ra thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội, thị trường lao động và nền kinh tế.
Trước tình trạng đáng báo động này, chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch thành lập một bộ mới về chiến lược dân số nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
"Một bộ chuyên trách về dân số cần được thành lập để có các biện pháp đối phó cơ bản và hệ thống hóa một cách khẩn cấp", một quan chức của Bộ Nội vụ cho biết.