"Trước thế giới phức tạp và nhiều biến động, chúng ta cần đoàn kết để xây dựng đất nước vững mạnh, kinh tế ổn định và tương lai an toàn cho thế hệ sau", Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hôm 28/1 phát biểu khoảng 400.000 người tại Quảng trường Độc lập ở Manila, đánh dấu sự bắt đầu của "Phong trào Philippines Mới".
Kiến tạo "Philippines Mới" (Bagong Pilipinas) là chủ trương được ông Marcos, 66 tuổi, thúc đẩy từ những ngày đầu nhậm chức vào tháng 6/2022, với thông điệp nhiệm kỳ đầy tham vọng là thay đổi diện mạo Philippines bằng những dự án hạ tầng, củng cố "nội lực" kinh tế, tiêu biểu là nông nghiệp và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân, hướng đến "cuộc sống an lạc, bền vững và hòa bình" cho người dân nước này.
"Bagong Pilipinas không phải là chiêu trò chính trị nhằm phục vụ lợi ích của thiểu số thượng lưu, mà là bản thiết kế tổng thể về phát triển thực chất trên mọi phương diện có lợi cho toàn dân", Tổng thống Philippines tuyên bố. "Chúng ta cần nhận ra mục đích chung để cùng vượt qua mọi thách thức".
Tổng thống Ferdinand Marcos phát biểu tại Quảng trường Độc lập của Manila vào ngày 28/1 khởi động "Phong trào Philippines Mới". Ảnh: AFP
Ông Marcos cam kết tăng đầu tư quốc phòng, tháo gỡ nút thắt thương mại và giao thông, chi thêm ngân sách cho giáo viên cùng cải cách giáo dục, đồng thời bổ sung biện pháp hỗ trợ nông dân trước tác động của biến đổi khí hậu.
Thông điệp của Tổng thống đương nhiệm khiến giới quan sát chính trị Philippines liên tưởng đến người cha quá cố của ông, cựu tổng thống Ferdinand E. Marcos, theo Julio C. Teehankee, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học De La Salle ở Manila.
Nắm quyền trong giai đoạn 1965-1986, ông Ferdinand E. Marcos từng áp dụng chính sách "Xã hội Mới" (Bagong Lupunan), tăng quyền cho các cơ quan kinh tế, tài chính và thương mại trong chính phủ, mở cửa cho đầu tư nước ngoài và đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp.
Theo chuyên gia Teehankee, dù chính trường Philippines trải qua một số sóng gió trong giai đoạn này, chính sách của ông Ferdinand E. Marcos đã tạo ra niềm tin vào "vận mệnh tươi sáng" của Philippines. Giáo sư Teehankee tin rằng Tổng thống Marcos muốn tạo dựng hình ảnh người viết tiếp giấc mơ dang dở của cha mình.
Sau gần hai năm nắm quyền, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã đạt được một số bước tiến tích cực vượt kỳ vọng với chương trình hành động "Philippines Mới", theo giới quan sát kinh tế tại nước này.
Mức lạm phát toàn phần được kéo xuống 4,1% vào tháng 11/2023, thấp nhất trong vòng 20 tháng và là cú xoay chuyển tình thế ngoạn mục so với mức lạm phát 8,7% được ghi nhận trước đó 10 tháng. Lạm phát cơ bản, được tính dựa trên giá tiêu dùng và loại bỏ những mặt hàng có biên độ biến động mạnh như lương thực hay nhiên liệu, cũng được giữ ở mức 4,7% trong tháng 11/2023.
Michale Ricafort, trưởng nhóm phân tích kinh tế tại ngân hàng thương mại Rizal ở Philippines, dự báo lạm phát trung bình năm 2024 tại nước này có thể được kéo về dưới mốc 4%. Ông đánh giá tháng 11/2023 có thể là "bước ngoặt" quan trọng đối với Manila, giảm gánh nặng lên chi tiêu và tăng trưởng quốc gia.
Philippines được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tích cực hàng đầu khu vực, với mức tăng trưởng năm 2022 là 7,6%, còn ba quý đầu năm 2023 là 5,5%, dù chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai do hiện tượng El Nino và bối cảnh quốc tế nhiều biến động.
Tổng thống Marcos đặt mục tiêu tăng trưởng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2024-2028. Domini Velasquez, trưởng nhóm phân tích kinh tế của ngân hàng China Banking ở Manila, đánh giá lạc quan về những chỉ số tăng trưởng của Philippines, song vẫn thận trọng cho rằng mục tiêu mà ông Marcos đặt ra "khá tham vọng" và kinh tế Philippines còn phụ thuộc nhiều vào biến động quốc tế.
Tổng thống Ferdinand Marcos dự lễ kỷ niệm 61 năm thành lập lực lượng biệt kích nhảy dù của Philippines tại Palayan vào ngày 25/6/2023. Ảnh: PNA
Hãng đánh giá tài chính Fitch Ratings năm 2023 đã điều chỉnh dự báo hiệu quả đầu tư tại Philippines từ "tiêu cực" sang "ổn định". Giám đốc Krisjanis Krustins của Fitch Ratings cho biết các nhà đầu tư đã tin tưởng hơn vào triển vọng kinh tế Philippines dựa trên những chỉ số kinh tế và "chính sách khôn ngoan" mà ông Marcos đang triển khai, đặc biệt là "kỷ luật ngân sách chính phủ và quyết tâm cải cách tài khóa từng bước".
Ví dụ điển hình cho quyết tâm cải cách chi tiêu ngân sách của Tổng thống Macros là kế hoạch điều chỉnh quỹ lương hưu dành cho quân đội và nhân sự trực thuộc. Dù đề án này tiềm ẩn một số rủi ro chính trị khi ảnh hưởng trực tiếp đến quân đội, ông vẫn kiên quyết thúc đẩy nhằm giảm gánh nặng tài khóa và tạo thêm ngân sách cho những dự án đầu tư phát triển.
"Tổng thống hiểu rằng đất nước đang đối diện nhiều khó khăn, nhưng ông ấy sẵn sàng dốc hết 'vốn liếng chính trị' của mình để giải quyết thách thức", Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno khẳng định.
Khác với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, Tổng thống Marcos hạn chế áp lực lên giới tài phiệt, thay vào đó thành lập cơ chế hội đồng cố vấn kinh doanh để tiếp thu nguyện vọng từ doanh nghiệp lớn. Ông chủ trương vận dụng trở lại mô hình đối tác công tư (PPP) để khuyến khích tư nhân đấu thầu trong các dự án hạ tầng.
Philippines đang triển khai chương trình "Xây dựng Tốt hơn và Nhiều hơn" (BBM), phát triển hạ tầng trên toàn quốc với khoảng 194 dự án và có nhu cầu đầu tư khoảng 8,3 nghìn tỷ peso (hơn 147 triệu USD). Ông còn cam kết tập trung nguồn lực để đạt mục tiêu mọi hộ gia đình Philippines đều được sử dụng điện khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2028, thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo với tầm nhìn đóng góp 35% tỷ trọng điện quốc gia trước năm 2030 và 50% trước năm 2040.
Tổng thống Marcos cũng đã cho thấy ông không xem phát triển là mục tiêu hàng đầu của nhiệm kỳ và sẵn sàng gác lại hiềm khích gia tộc chính trị.
Ông đắc cử vào năm 2022 với sự ủng hộ của người tiền nhiệm Duterte. Phó tổng thống đương nhiệm Sara Duterte-Carpio, con gái của cựu tổng thống Duterte, được ông bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Giáo dục và phụ trách chương trình cải cách.
Arsenio Balisacan, người từng giữ ghế cố vấn kinh tế hàng đầu cho cựu tổng thống Benigno Aquino, được ông Marcos bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Hoạch định Kinh tế và Phát triển Quốc gia (NEDA), dù gia đình của ông Aquino từng dẫn dắt cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân vào năm 1986, kết thúc 20 năm cầm quyền của Marcos "Cha".
"Tôi có mơ cũng không nghĩ sẽ được mời tham gia nội các vì tôi từng làm việc cho chính quyền Aquino. Vào thời điểm được bổ nhiệm, tôi đã hiểu rằng Tổng thống Marcos chỉ có một mong muốn duy nhất là cải cách nền kinh tế", Bộ trưởng Balisacan phát biểu vào tháng 6/2023.
Thanh Danh (Theo FT, EAF, Manila Bulletin, Nikkei Asia, Brookings)