Chuyên mục  


2024-04-04t194437z306345492rc2rz6a0jfrartrmadp3israel-palestinians-biden-netanyahu-17122714507911332923266.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ Nhà Trắng ngày 4-4 - Ảnh: REUTERS

Xung đột Israel - Hamas

* Mỹ dọa đổi chính sách nếu Israel không bảo vệ dân thường

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4-4 đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, sau vụ Israel tấn công nhầm đoàn xe của tổ chức viện trợ lương thực World Central Kitchen làm 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng hôm 1-4.

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Biden lần đầu tiên đã tìm cách tận dụng viện trợ của Mỹ để tác động tới hành vi của Israel.

Theo Nhà Trắng, ông Biden "đã nói rõ rằng Israel cần phải công bố và thực hiện một loạt các bước cụ thể, rõ ràng và có thể đo lường được để giải quyết tổn hại dân sự, đau khổ nhân đạo và sự an toàn của nhân viên cứu trợ".

Đồng thời, tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh "chính sách của Mỹ đối với Gaza sẽ được xác định dựa trên đánh giá của Washington về hành động ngay lập tức của Israel với những bước đi này".

2024-04-02t174857z1116537433rc21y6a5xbadrtrmadp3israel-palestinians-gaza-charity-1712271546710125715216.jpg

Hiện trường vụ Israel tấn công nhầm vào xe của tổ chức viện trợ lương thực World Central Kitchen hồi đầu tháng 4 - Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby từ chối nêu chi tiết bất kỳ thay đổi cụ thể nào mà Mỹ sẽ thực hiện trong chính sách với Israel và Gaza, nhưng hy vọng Washington sẽ thấy thông báo từ Israel về các bước đi "trong những ngày và giờ tới".

Theo Reuters, gợi ý có thể thay đổi chính sách của Mỹ thể hiện sự thất vọng của Tổng thống Biden cũng như áp lực ngày càng tăng từ Đảng Dân chủ về việc giảm thương vong dân thường ở Dải Gaza.

* Israel tuyên bố hành động chống lại Iran

Trong cuộc họp nội các an ninh vào cuối ngày 4-4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: "Trong nhiều năm, Iran đã hành động chống lại chúng ta (Israel) cả trực tiếp và thông qua các lực lượng ủy nhiệm của họ. Do đó, Israel đang hành động chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở cả thế phòng thủ và tấn công".

Ông khẳng định Israel biết cách tự vệ và sẽ hành động theo nguyên tắc là "sẽ làm tổn hại" bất cứ ai làm hại hoặc có ý định làm hại nước này.

Iran được xem như "kẻ thù không đội trời chung" với Israel và đã thề sẽ trả đũa vụ Israel không kích hôm 1-4 vào khu lãnh sự quán Iran ở Damascus khiến 7 vệ binh cách mạng, trong đó có 2 tướng, thiệt mạng. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng.

Israel dường như cũng đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc tấn công trả đũa.

Lực lượng vũ trang Israel đã tuyên bố sẽ tạm dừng cho nghỉ phép với tất cả các đơn vị chiến đấu dù đã trải qua gần 6 tháng giao tranh ở Gaza và Lebannon. Trước đó một ngày, họ cho biết đang huy động thêm quân cho các đơn vị phòng không.

* Hamas nói Ai Cập có đề xuất ngừng bắn mới

Một lãnh đạo cấp cao của Hamas ngày 4-4 cho biết Ai Cập đã đưa ra đề xuất ngừng bắn để chấm dứt xung đột ở Gaza nhưng không bao gồm các điều khoản mới.

Người này cũng nói thêm rằng các nhà hòa giải Ai Cập và Mỹ muốn duy trì tiến trình ngừng bắn dù họ tin rằng có một khoảng cách lớn giữa Israel và Hamas.

Lãnh đạo Hamas cho biết một vòng đàm phán mới có thể được tổ chức trước lễ Eid al-Fitr - đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan - tại Cairo vào tuần tới giữa các bên hòa giải và phía Israel trong nỗ lực mới của các nhà hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

"Lãnh đạo Hamas đã thông báo với các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar rằng những gì được đưa ra không thể được chấp nhận, vì đó là sự tiếp nối lập trường cứng rắn của Israel", ông nói.

Một quan chức Hamas có tên Osama Hamdan trước đó đã đổ lỗi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đặt ra những trở ngại cản trở cả hai bên đạt được thỏa thuận và "không quan tâm" đến việc thả con tin Israel.

Xung đột Nga - Ukraine

* NATO đặt mục tiêu gửi thêm viện trợ phòng không cho Ukraine

Các thành viên NATO hôm 4-4 đã đồng ý rà soát kho vũ khí để gửi thêm hệ thống phòng không cho Ukraine.

"Các đồng minh hiểu được sự cấp bách", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gặp những người đồng cấp NATO và kêu gọi bổ sung các hệ thống phòng không mới, đặc biệt là hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết việc hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine đặc biệt quan trọng vì các nước như Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đang hỗ trợ những nỗ lực của Nga trong việc xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng.

"Tôi tin rằng, dựa trên những gì tôi nghe được ngày hôm nay, tất cả mọi người, kể cả Mỹ, sẽ nỗ lực gấp đôi và nếu cần thiết sẽ tăng gấp đôi trong việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên mà Ukraine tiếp tục cần", ông Blinken nói trong một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, cả ông Jens Stoltenberg và ông Blinken đều không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào.

* NATO: Ukraine tấn công có thể đã làm giảm 15% công suất nhà máy lọc dầu Nga

Máy bay không người lái (drone) là vũ khí thường xuyên được Nga và Ukraine triển khai để tấn công các hạ tầng quan trọng, cơ sở quân sự trong suốt hơn 2 năm giao tranh. Trong đó, Kiev đã tấn công các nhà máy lọc dầu và cơ sở năng lượng của Nga trong những tháng gần đây với một số cuộc tấn công sâu vào phạm vi 1.000km bên trong lãnh thổ Nga.

Một quan chức NATO không nêu tên nói với Reuters: "Về mặt thiệt hại, các cuộc tấn công có thể đã làm gián đoạn hơn 10% công suất nhà máy lọc dầu của Nga, cũng có thể là hơn 15%. Tùy vào mức độ thiệt hại, việc sửa chữa có thể sẽ ngốn thời gian đáng kể".

Ông cũng khẳng định ngày càng ít các hạ tầng năng lượng và hạ tầng quan trọng của Nga được an toàn trước các đòn tấn công tiềm tàng.

Theo tính toán của Reuters, khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga đã bị ngừng hoạt động do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Hãng tin Interfax dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga bị hư hại sẽ hoạt động trở lại bình thường vào đầu tháng 6.

Cũng theo vị quan chức NATO này, Nga đang huy động thêm khoảng 30.000 quân mỗi tháng để đối phó với tổn thất nặng nề. Nga mặc dù vẫn duy trì lợi thế đáng kể so với Ukraine về đạn dược, nhân lực và trang thiết bị nhưng khó có thể đạt được bất kỳ bước đột phá lớn nào trước mắt.

Mỹ không yêu cầu Ấn Độ cắt giảm mua dầu của Nga

Ngày 4-4, ông Eric Van Nostrand, trợ lý bộ trưởng tài chính Mỹ về chính sách kinh tế, khẳng định Washington không yêu cầu Ấn Độ cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga bởi vì mục tiêu của các lệnh trừng phạt và mức trần giá 60 USD/thùng do G7 áp đặt là để đảm bảo nguồn cung dầu toàn cầu ổn định, song song với việc tác động đến doanh thu của Matxcơva.

Ông Nostrand cho biết trên tờ New York Times: "Điều quan trọng đối với chúng tôi là duy trì nguồn cung dầu trên thị trường, nhưng điều chúng tôi muốn làm là hạn chế lợi nhuận của Tổng thống Nga Vladimir Putin".

Bên cạnh đó, ông Nostrand cho rằng người mua có thể mua dầu của Nga với mức chiết khấu sâu hơn bên ngoài cơ chế giới hạn giá, nếu họ không sử dụng các dịch vụ của phương Tây như bảo hiểm và môi giới, từ đó cũng giới hạn doanh thu của Nga.

Ấn Độ đã nổi lên như một trong những khách hàng hàng đầu mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga kể từ khi các quốc gia phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và tạm dừng mua dầu của Matxcơva.

Biển xe chờ bán

goc-anh-ngay-442024-171226828679263347603.jpg

Những chiếc xe điện mới này đang được tập trung tại một trung tâm phân phối của hãng sản xuất ô tô Trường An đặt tại thành phố Trung Khánh, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 24-3 vừa qua - Ảnh: AFP

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020