Chuyên mục  


Nhiều nam giới ở làng Makiv, gần biên giới Romania và Moldova, đã đến chiến đấu tại tiền tuyến cách hàng trăm km về phía đông, nhiều người bị thương, thiệt mạng. Số khác chuyển ra nước ngoài hoặc tìm mọi cách để tránh chiến sự, từ tìm kiếm giấy miễn trừ hợp pháp cho đến lẩn trốn.

"Đó là sự thật, hầu hết đàn ông đã biến mất", Larysa Bodna, lãnh đạo trường học địa phương, dẫn số liệu về những học sinh có phụ huynh nhập ngũ, cho biết.

Ukraine đang cần thêm tân binh khi lực lượng dần cạn kiệt vì binh sĩ tử vong, bị thương và kiệt sức. Tổng thống Zelensky hôm 2/4 ký sắc lệnh hạ độ tuổi động viên quân làm nhiệm vụ chiến đấu từ 27 xuống 25, mở rộng số lượng người có thể được đưa vào quân ngũ, nhưng điều này rất khó đáp ứng nhanh chóng nhu cầu cấp thiết.

Quân đội Ukraine đang mạnh tay tuyển mộ quân ở nhiều làng mạc nhỏ phía tây như Makiv, gây hoảng loạn và phẫn nộ. Dân làng Makiv cho biết giới chức quân sự "tóm lấy bất kỳ ai mà họ có thể". Những binh sĩ phụ trách tuyển mộ qua lại trên những con phố vắng tanh, tìm kiếm những người đàn ông còn sót lại.

Một người đàn ông đào huyệt tại nghĩa trang ở làng Makiv, phía tây Ukraine. Ảnh: WP

Dân làng Makiv sử dụng các kênh Telegram để cảnh báo khu vực có các binh lính làm việc cho văn phòng quân dịch tuần tra. Họ cũng chia sẻ các video những người lính ép đàn ông vào xe, làm dấy lên tin đồn về các vụ bắt cóc. Một số người đang phải ngồi tù vì từ chối nhập ngũ.

Valentin, 36 tuổi, bị lính Ukraine tiếp cận hỏi giấy tờ khi đang ngồi uống cà phê bên đường. Dù bị thoái hóa xương khớp, Valentin vẫn phải nhập ngũ sau một cuộc kiểm tra y tế 10 phút. Anh được điều ra mặt trận và bị thương.

"Toàn bộ đàn ông ở làng này bị cưỡng ép nhập ngũ theo cách này", Olha Kametyuk, vợ Valentin, nói.

Serhii, 47 tuổi, nhập ngũ tháng 3/2022, về Makiv nghỉ ngắn hạn hồi tháng trước, cũng bị lính văn phòng quân dịch chặn lại và tra hỏi. Con trai 22 tuổi của ông cũng bị chặn đường dù chưa đủ tuổi nhập ngũ.

Khi những người lính nhận ra Serhii đã gia nhập quân đội, họ hỏi cảm nghĩ của ông về "những người đàn ông chưa từng trải nghiệm chiến sự". Serhii nổi cáu, đáp lại: "Đó chính là các người, không phải dân làng này".

"Các anh là quân nhân, tôi là dân thường, nhưng tôi đã và đang chiến đấu, còn các anh thì không", Serhii trả lời. Cuộc trò chuyện kết thúc ngay lập tức.

Oleksii ngồi cùng bạn gái sau khi giải ngũ về quê nhà ở làng Makiv, phía tây Ukraine. Ảnh: WP

Năm 2023, Oleksii, 30 tuổi, đang sửa xe thì một nhóm lính tiếp cận, trao cho anh lệnh nhập ngũ. Hôm đó là ngày lễ tình nhân. Tin tức khiến bạn gái anh mất ăn ngủ nhiều tuần sau đó.

Sau ba lần chấn động não, bị thương do mảnh đạn, Oleksii được cho về nhà. Trong tấm ảnh chụp cùng hơn chục đồng đội, anh cho biết chỉ hai người còn sống.

Vasyl Hrebeniuk, 70 tuổi, cho biết ông vẫn thường xuyên bị lính Ukraine chặn và tra hỏi, dù tuổi điều động quân tối đa là 60. Tháng trước, ông chứng kiến những người lính đập cửa nhà hàng xóm, phàn nàn rằng người đàn ông ở đó xin đi từ biệt mẹ và vợ rồi biến mất.

"Lẽ ra phải đưa anh ta lên xe ngay lập tức", Vasyl nhớ lại lời một người lính bực dọc.

Mùa hè năm 2023, Olha, 16 tuổi, đang ngồi cùng bạn tại một cửa hàng tiện lợi trong làng thì bố gọi điện, yêu cầu cô bé mua ít đồ. Olha nói đang bận cùng bạn bè, nên bố cô đã tự đi bộ đến cửa hàng. Các thiếu niên sau đó kinh hãi khi thấy những người lính vây quanh bố Olha trên đường, đưa cho ông lệnh nhập ngũ.

Bố Olha đã phục vụ quân đội kể từ đó, cô bé luôn tự trách bản thân, nghĩ đó là lỗi của mình.

Đã 16 tháng kể từ lần cuối Tanya, 42 tuổi, hay tin về chồng. Chồng cô đã mất tích khi chiến đấu vào tháng 11/2022. Nhưng cô vẫn khinh thường việc anh rể chuyển ra nước ngoài vì sợ nhập ngũ.

"Có người bỏ trốn hay chỉ ngồi ở nhà, thậm chí không dám mua sắm. Hôm nay tôi nhìn thấy trong một chiếc ôtô, người phụ nữ cầm lái trong khi người chồng núp sau cửa kính tối màu", Tanya nói.

Trong sân nhà, cháu trai 25 tuổi của Tanya và người bạn đồng lứa, Artem, đang chẻ củi. Hai thanh niên thừa nhận sợ nhập ngũ, nhưng đồng thời chỉ trích những người đàn ông phía đông Ukraine bỏ về tị nạn ở phía tây để tránh phải đi quân dịch.

"Đàn ông phía đông đến đây để trốn, trong khi đàn ông làng này phải chết trên chiến trường", Artem, có bố tham chiến ở Lyman tại vùng Donetsk, nói.

Đức Trung (Theo Washington Post, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020