Hình ảnh vệ tinh cho thấy một máy bay vận tải hạng nặng An-124 của Nga với phần mũi mở ra tại căn cứ không quân Khmeimim của Nga, gần Latakia, Syria ngày 13-12 - Ảnh: REUTERS
Nga vận chuyển thiết bị quân sự khỏi Syria
Theo hình ảnh vệ tinh chụp ngày 13-12 do Maxar công bố, Nga có vẻ như đang thu dọn các thiết bị quân sự tại một căn cứ không quân ở Syria, trong bối cảnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bị lật đổ hồi tuần trước.
Các bức ảnh cho thấy có vẻ như có sự hiện diện của ít nhất hai chiếc Antonov AN-124, một trong những máy bay chở hàng lớn nhất thế giới, tại căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh ven biển Latakia của Syria.
Theo Maxar, cả hai chiếc máy bay vận tải hạng nặng An-124 hiện diện tại căn cứ không quân trên đều trong tình trạng sẵn sàng chất nhiều thiết bị, hàng hóa.
"Gần đó, một trực thăng tấn công Ka-52 đang được tháo dỡ và có thể chuẩn bị vận chuyển. Cùng lúc đó, các thành phần của một đơn vị hệ thống tên lửa phòng không S-400 cũng đang được chuẩn bị để di dời khỏi vị trí triển khai trước đó tại căn cứ này", Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Maxar.
Kênh Channel 4 của Anh đưa tin họ đã nhìn thấy một đoàn xe gồm hơn 150 xe quân sự của Nga di chuyển dọc một con đường. Kênh này nói thêm quân đội Nga đang di chuyển trong trật tự, và Nga có vẻ như đã đạt được một thỏa thuận cho phép người Nga rời khỏi Syria an toàn.
Điện Kremlin đã nói rằng trọng tâm của họ kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền ông Assad là đảm bảo sự an toàn của các căn cứ quân sự tại Syria và các phái bộ ngoại giao của mình.
Google và Apple phải gỡ TikTok khỏi kho ứng dụng từ đầu năm sau
Ngày 13-12, các hạ nghị sĩ tại Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ thông tin với các CEO của Alphabet và Apple rằng họ phải sẵn sàng xóa TikTok khỏi kho ứng dụng tại Mỹ vào ngày 19-1-2025.
Tuần trước, một tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã giữ nguyên luật yêu cầu ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc phải thoái vốn TikTok tại Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.
Theo đó, hạ nghị sĩ John Moolenaar, một đảng viên Cộng hòa và là chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, cùng hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi của Đảng Dân chủ đã thúc giục riêng CEO Shou Zi Chew của TikTok thoái vốn khỏi ứng dụng này.
"Quốc hội đã hành động quyết đoán để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ người dùng TikTok tại Mỹ khỏi Trung Quốc. Chúng tôi thúc giục TikTok để ngay lập tức thực hiện một đợt thoái vốn đủ điều kiện", hai nhà lập pháp này viết.
Hôm 11-12, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết nếu lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 19-1-2025, nó sẽ không trực tiếp cấm việc tiếp tục sử dụng đối với những người dùng Apple hoặc Google đã tải xuống TikTok, nhưng sẽ có những động thái khiến "ứng dụng cuối cùng sẽ không thể hoạt động được".
Trong khi đó, ByteDance và TikTok lưu ý rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói ông sẽ ngăn chặn lệnh cấm TikTok.
CEO TikTok Shou Zi Chew - Ảnh: REUTERS
Canada dọa trả đũa quyết liệt nếu bị Mỹ áp thuế vô lý
Ngày 13-12, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland tuyên bố nước này sẽ đáp trả quyết liệt nếu Mỹ áp thuế vô lý đối với hàng xuất khẩu từ "xứ sở lá phong".
Tuyên bố trên của bà Freeland được đưa ra sau cuộc gặp của Thủ tướng Justin Trudeau với đội ngũ thủ hiến của các tỉnh bang Canada. Tại cuộc gặp, một số thủ hiến đã lên tiếng ủng hộ những biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với các mức thuế quan mà Mỹ đe dọa sẽ áp đặt. Đáng chú ý, một số thủ hiến còn đề xuất Thủ tướng Trudeau cắt nguồn cung năng lượng và các sản phẩm nổi bật khác mà Mỹ "phụ thuộc" vào Canada.
Ông Doug Ford, thủ hiến tỉnh Ontario và hiện là chủ tịch Hội đồng liên bang, đánh giá cuộc họp là "bước khởi đầu tốt" khi Canada cần phải sẵn sàng chống lại chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Sau khi tái đắc cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, nếu 2 nước láng giềng không ngăn chặn được tình trạng ma túy và người di cư qua tràn qua biên giới Mỹ.
Canada là nước xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ trong thời gian qua. Từ tháng 1 đến tháng 9-2024, Canada đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 435 tỉ USD sang Mỹ. Ngoài ra, khoảng 60% lượng dầu thô nhập khẩu và 85% lượng điện nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới đến từ "xứ sở lá phong". Canada cũng là nhà cung cấp thép, nhôm và uranium lớn nhất cho Mỹ.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland - Ảnh: REUTERS
Ông Trump muốn bỏ quy ước giờ mùa hè tại Mỹ
Ngày 13-12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội tuyên bố Đảng Cộng hòa "sẽ nỗ lực hết sức" để chấm dứt quy ước giờ mùa hè. Ông Trump gọi điều này là "bất tiện và rất tốn kém cho đất nước chúng ta".
Quy ước giờ mùa hè được áp dụng gần như rộng rãi tại Mỹ từ những năm 1960, với việc chỉnh đồng hồ nhanh hơn một tiếng so với giờ tiêu chuẩn trong nửa mùa hè của năm.
Việc thay đổi chuẩn thời gian này là để khai thác thực tế thời gian trời sáng dài, khi trong mùa hè ở Mỹ có những nơi tới 20-21h trời vẫn còn nắng, nhằm tiết kiệm điện thắp sáng.
Hồi tháng 3-2022, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí quy định quy ước giờ mùa hè vĩnh viễn, nhưng nỗ lực này bị ngăn tại Hạ viện, khi không đạt được sự đồng thuận của các hạ nghị sĩ.
Bên chỉ trích cho rằng việc chỉnh đồng hồ theo quy ước giờ mùa hè sẽ gây ra trường hợp trẻ em phải đến trường khi trời còn nhá nhem, lúc Mặt trời chưa mọc.
Kể từ năm 2015, khoảng 30 bang tại Mỹ đã đề xuất hoặc thông qua luật nhằm chấm dứt quy ước giờ mùa hè. Một số bang đề xuất họ sẽ thực hiện quy ước này chỉ khi các bang lân cận cũng làm vậy.
Đối đầu
Hai chú chó chơi đùa trong lúc người dân tại Serbia biểu tình phản đối vụ sập mái nhà ga xe lửa chết người ở Belgrade, Serbia ngày 13-12 - Ảnh: REUTERS