Trực thăng quân sự Nga trên sân bay Qamishli ở Syria - Ảnh: AFP
Nga sơ tán một số nhân viên ngoại giao khỏi Syria
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga ngày 15-12 cho biết nước này vừa sơ tán một số nhân sự ngoại giao khỏi thủ đô Damascus của Syria.
Những nhân viên ngoại giao trên rời khỏi Syria trên một chuyến bay đặc biệt của không quân, cất cánh từ căn cứ quân sự Khmeimim.
Không chỉ nhân viên ngoại giao Nga, chuyến bay này còn chở các nhân viên ngoại giao Belarus và Triều Tiên. Trước đó, Hãng tin RIA dẫn lời Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định nước này sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Syria.
Về phần Matxcơva, Cục Tình trạng khủng hoảng thuộc Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trên mạng xã hội Telegram rằng "công việc của Đại sứ quán Nga ở Damascus vẫn sẽ tiếp tục".
Mỹ nêu điều kiện làm việc với phía cầm quyền Syria
Ngày 15-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định với người đồng cấp Anh David Lammy rằng Washington ủng hộ "một chính phủ có trách nhiệm và mang tính đại diện" cho Syria.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu: "Ngài ngoại trưởng nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với một chính phủ có trách nhiệm và mang tính đại diện do người dân Syria chọn lựa".
Thủ lĩnh HTS gặp đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria
Truyền thông Syria ngày 15-12 đưa tin thủ lĩnh lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Ahmad al-Shara cùng ngày đã có cuộc tiếp xúc với Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen tại thủ đô Damascus để thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Theo trang tin al-Watan Online, ông Al-Shara, còn được biết đến với tên gọi là Abu Mohammed al-Julani, cho biết quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria cần được quốc tế nhìn nhận phù hợp thực tế hiện nay tại quốc gia này, đồng thời kêu gọi một "cách tiếp cận mới" phù hợp với giới lãnh đạo mới và hoàn cảnh đang thay đổi của Syria.
Israel lên kế hoạch gấp đôi dân số ở Cao nguyên Golan
Người dân Syria đi lại trong khu vực phi quân sự ngăn cách lãnh thổ Syria và Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát ngày 15-12 - Ảnh: AFP
Ngày 15-12, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chính phủ nước này đã nhất trí tuyệt đối thông qua kế hoạch trị giá 11 triệu USD nhằm tăng cường dân số khu vực Cao nguyên Golan.
Thông cáo khẳng định ông Netanyahu đã đề ra bản kế hoạch trên "trước bối cảnh chiến tranh và việc một mặt trận mới vừa được mở chống lại Syria, đồng thời nhằm thực hiện mong muốn tăng gấp đôi dân số khu vực Golan".
Thông cáo dẫn tuyên bố của ông Netanyahu: "Củng cố khu vực Golan cũng là củng cố Nhà nước Israel. Điều đó đang rất quan trọng trong thời điểm hiện tại. Chúng ta vẫn sẽ nắm giữ mảnh đất này, khiến cho mảnh đất 'nở hoa' và định cư ở đây".
Israel kiểm soát hầu hết khu vực Cao nguyên Golan của Syria trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, đến năm 1981 thì tuyên bố sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ nước mình.
Năm 2019, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump công nhận tuyên bố chủ quyền trên. Tuy nhiên về cơ bản thì cộng đồng quốc tế vẫn phản đối việc Israel tuyên bố chủ quyền với khu vực Golan.
Theo giới chuyên gia, hiện có khoảng 31.000 người Israel sinh sống tại Golan. Hầu hết làm nông hoặc làm du lịch. Ngoài ra, khu vực Golan còn có khoảng 24.000 người Druze, hầu hết trong đó vẫn xem mình là người Syria.
Ông Netanyahu trao đổi với ông Trump về tình hình Trung Đông
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu ngày 10-12 - Ảnh: AFP
Ngày 15-12, ông Netanyahu khẳng định vừa trao đổi với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về những diễn biến mới nhất tại Trung Đông, bao gồm tình hình Syria và nỗ lực thúc đẩy trao đổi con tin với Phong trào Hồi giáo Hamas của Tel Aviv.
Thủ tướng Israel khẳng định ông đã cùng ông Trump "thảo luận sự cần thiết hoàn thành chiến thắng cho Israel và nói rất nhiều về những nỗ lực đang thực hiện nhằm trả tự do cho con tin".
Bên cạnh đó, cả hai cũng thảo luận tình hình Syria sau khi cựu tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Từ khi phe đối lập giành chính quyền ở Syria, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào các cơ sở quân sự chiến lược trên lãnh thổ nước này. Tel Aviv cũng đã tràn quân vào vùng phi quân sự ngăn cách hai nước.
Tuy nhiên, ông Netanyahu lại khẳng định: "Chúng tôi không hứng thú việc gây xung đột với Syria. Những hành động của Israel tại Syria nhằm đẩy lùi những hiểm họa tiềm năng đến từ Syria và ngăn những nhân tố khủng bố chiếm quyền kiểm soát khu vực gần biên giới".
Triều Tiên đưa tin ông Yoon bị luận tội
Sáng 16-12, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin việc Quốc hội Hàn Quốc thông qua đề xuất luận tội Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol hôm 14-12.
KCNA không dẫn bất kỳ bình luận nào từ phía giới chức Hàn Quốc. Thay vào đó, kênh này chỉ cung cấp tóm tắt sơ bộ những sự kiện dẫn đến việc ông Yoon bị luận tội, trong đó có việc ông tìm cách đổ trách nhiệm "của tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp đầy ngu ngốc" lên các đảng đối lập.
KCNA tường thuật: "Cuộc điều tra nhắm vào bù nhìn Yoon Suk Yeol, kẻ đầu sỏ của quân phản loạn, và đồng bọn vẫn đang diễn ra. Tòa án Hiến pháp bù nhìn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng có phế truất ông Yoon hay không".
Từ trước đến nay, Bình Nhưỡng vẫn luôn xem giới lãnh đạo và các cơ quan Hàn Quốc là "bù nhìn" của Mỹ.
Bom chưa nổ
Một cậu bé cầm một quả rocket chưa nổ do Israel phóng ra, nhắm vào cơ sở quân sự tại Qamishli, Syria - Ảnh: AFP