Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson - Ảnh: REUTERS
Chuyến đến Mỹ là thời điểm tài liệu gia nhập của Thụy Điển được chính thức chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ, một động thái kết thúc tiến trình gia nhập theo thủ tục. Phía Thụy Điển chưa thông báo chi tiết về chuyến đi của Thủ tướng Kristersson
Theo lời các quan chức trên, hiện các bên đã sắp xếp buổi lễ treo cờ Thụy Điển tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) vào ngày 11-3, để đánh dấu việc Stockholm chính thức là thành viên thứ 32 của NATO, chấm dứt 200 năm duy trì quan điểm trung lập và không tham gia liên minh quân sự.
Tuần trước, Thụy Điển vượt qua rào cản cuối cùng mang tên Hungary, thành viên ngay trước đó vẫn chưa chấp nhận đơn gia nhập của Thụy Điển.
Khung thời gian chính xác cho việc Thụy Điển gia nhập NATO tuần này phụ thuộc vào tiến độ của Hungary về việc xác nhận đơn gia nhập của Stockholm tại Washington (Mỹ). Hãng tin TT của Thụy Điển cho hay Hungary có thể nộp tài liệu cho Mỹ trong ngày 7-3.
Việc Thụy Điển gia nhập NATO được cho sẽ khiến Nga không hài lòng. Matxcơva vẫn phản đối chuyện NATO liên tục mở rộng, cho đây là động thái đe dọa Nga.
Trước đó Nga khẳng định sẽ áp dụng một số biện pháp kỹ thuật và quân sự nhằm đáp trả chuyện Thụy Điển vào NATO. Phản ứng của Nga càng mạnh mẽ khi gần đây dư luận xôn xao về phát ngôn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người nhấn nhá kịch bản lính NATO trực tiếp tới Ukraine.
Ngược lại, việc Thụy Điển và trước đó là Phần Lan gia nhập NATO được diễn giải như một phản ứng của châu Âu sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Reuters, khi trở thành thành viên NATO, Thụy Điển sẽ có những đóng góp hữu hình về quân sự như lực lượng tàu ngầm và chiến đấu cơ hiện đại. Đó sẽ là sợi dây liên kết quan trọng giữa Đại Tây Dương và các quốc gia vùng Baltic trong những thời điểm khủng hoảng.
Ở chiều hướng ngược lại, Thụy Điển sẽ được NATO bảo vệ theo nguyên tắc phòng thủ chung. Một quốc gia thành viên NATO bị tấn công khi ấy đồng nghĩa cả NATO bị tấn công.