Chuyên mục  


Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chờ đợi nhiều tháng để tiến hành chiến dịch tấn công Rafah, thành phố miền nam Dải Gaza mà Israel coi là thành trì cuối của Hamas. Tuy nhiên, Rafah hiện cũng là nơi trú ẩn của hơn một triệu người Palestine chạy trốn xung đột.

Gần 7 tháng kể từ khi chiến sự Gaza bùng phát, ông Netanyahu đang đứng trước quyết định đánh dấu canh bạc lớn nhất với sự nghiệp chính trị của mình. Tiếp tục trì hoãn chiến dịch để giải cứu con tin có thể sẽ khiến Hamas và các thủ lĩnh của nhóm, trong đó có Yahya Sinwar, vui mừng. Song từ chối thỏa thuận ngừng bắn và quyết tấn công tổng lực vào Rafah có thể sẽ khiến Israel "vượt lằn ranh đỏ" của Mỹ và đe dọa tính mạng các con tin mà Hamas vẫn giam giữ.

Khoảng 130 con tin còn trong tay Hamas đã trở thành một trong những vấn đề khó xử nhất xuyên suốt nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Netanyahu, trong đó sự nghiệp chính trị của ông và an ninh Israel luôn gắn bó chặt chẽ.

"Hoặc là Rafah, hoặc là các con tin" là nội dung một biểu ngữ trong cuộc biểu tình của người dân Israel trên cao tốc chính ở Tel Aviv tuần trước.

Đối mặt với những lựa chọn khó khăn này, ông Netanyahu đã chọn cách "câu giờ". Xe tăng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rạng sáng 8/5 tiến vào đông Rafah, kiểm soát cửa khẩu cùng tên quan trọng nhất nối Gaza với Ai Cập. Quyết định được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Hamas thông báo chấp nhận đề xuất thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel.

Đây là thỏa thuận đã được Israel xem xét nhiều ngày qua. Tuy nhiên, khi đối phương đồng ý, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu lại tuyên bố rằng dự thảo mà Hamas thông qua "không giống với văn bản của họ".

Israel tiến hành chiến thuật "nước đôi" bằng cách vừa điều quân tới cửa khẩu Rafah để gây áp lực lên Hamas, vừa cử một nhóm chuyên viên đến Cairo, Ai Cập để "xem xét triệt để mọi khả năng đạt thỏa thuận theo những điều khoản Tel Aviv có thể chấp nhận được".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem ngày 17/4. Ảnh: AFP

Nhiều người chỉ trích coi đây là chiến thuật của ông Netanyahu nhằm xoa dịu các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền, đồng thời tránh phải chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi con tin có thể khiến chính phủ của ông sụp đổ. Trước đó, những thành viên cứng rắn trong liên minh cầm quyền đã đe dọa sẽ lật đổ Netanyahu nếu ông chấp nhận thỏa thuận với Hamas và không tấn công Rafah.

Trong khi đó, những người ủng hộ Thủ tướng Netanyahu lại coi đây là động thái có tính toán để kiềm chế các yêu sách của Hamas trong quá trình đàm phán.

"Ông ấy bị mắc kẹt giữa các nhóm bất đồng trong nội các, trong dư luận Israel và giữa số phận các con tin với mục tiêu theo đuổi chiến dịch, cũng như quan hệ với Mỹ. Chính trị, ngoại giao và an ninh là những vấn đề không thể tách rời và rất phức tạp", Nadav Shtrauchler, chiến lược gia chính trị từng làm việc với Thủ tướng Netanyahu, nói.

Khi Giám đốc CIA Mỹ William Burns tới Cairo, Ai Cập để thúc đẩy đàm phán, Hamas đã tìm kiếm đảm bảo từ Mỹ rằng thỏa thuận sẽ mang tới lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, yêu cầu lâu nay bị Israel từ chối. Mỹ, và các bên trung gian hòa giải là Ai Cập và Qatar đã tìm cách xoa dịu lo ngại của Hamas, nói rằng điều kiện "ổn định bền vững" mà Tel Aviv chấp nhận trong giai đoạn hai đàm phán là sự đảm bảo cho tương lai chấm dứt xung đột.

Việc Hamas bất ngờ thông báo chấp nhận đề xuất thỏa thuận ngừng bắn khiến ông Netanayhu bị đẩy vào tình thế khó xử. Để đối phó, ông đã nhất trí với các đối thủ chính trị trong nội các chiến tranh về phương án tấn công vào Rafah.

Cái cớ mà Israel đưa ra là Hamas đã thông qua các điều khoản không đồng nhất với nội dung đàm phán. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao giấu tên cho hay đề xuất mà Hamas chấp nhận tương tự những gì Israel đồng ý trước đó.

Quyết định đưa quân vào Rafah được xem là bước ngoặt đối với ông Netanyahu vào thời điểm hai bên đứng trước cơ hội đạt thỏa thuận. "Trong vòng chưa đầy 72 giờ, ông ấy đã tìm được tiếng nói chung với các đối thủ chính trị về bác bỏ đề xuất của Hamas và thông qua quyết định tấn công Rafah", Shtrauchler nói.

Động thái của Israel đã thay đổi tính toán trong khu vực, theo Mkhaimar Abusada, giáo sư Đại học Al-Azhar của Gaza và hiện sống lưu vong ở Cairo.

Vào thời điểm gần 35.000 người Palestine đã thiệt mạng, nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn, người Palestine có thể dễ dàng chấp nhận bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào để bảo vệ những gì còn lại.

"Hamas không có ưu thế đàm phán, song ông Netanyahu cũng vậy. Khi Hamas chấp nhận đề xuất, ông ấy đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan", Abusada nói.

Những người cứng rắn trong chính phủ Israel cho rằng họ phải đạt được mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là một chiến thắng hoàn toàn trước Hamas, bất kể số phận con tin ra sao.

Quyết định tấn công Rafah của Israel đã vấp làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ Liên minh châu Âu (EU) và Arab Saudi. Điều này cũng đặt ra thách thức rõ ràng đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, người thúc đẩy đồng minh Israel chấm dứt xung đột và cảnh báo chiến dịch Rafah gây nguy hiểm cho thường dân Palestine là "lằn ranh đỏ" với Washington.

Đối với Ai Cập, vấn đề này được coi là mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia, bởi Cairo sợ rằng giao tranh ác liệt giữa IDF và Hamas dọc biên giới dài 14 km với Gaza sẽ dẫn tới cuộc di cư của hàng chục nghìn người Palestine đến bán đảo Sinai.

"Người Ai Cập rất lo sợ, phẫn nộ và cạn kiên nhẫn với Israel. Họ đang thấy cơ hội về thỏa thuận ngừng bắn, nhưng Israel đột ngột quay xe", một quan chức Israel nói.

Dòng người Palestine sơ tán khỏi Rafah tới Khan Younis hôm 6/5. Ảnh: Reuters

Số phận thỏa thuận ngừng bắn giờ rất mong manh, theo giới quan sát. Các quan chức Israel cho hay hơn 30 con tin trong số khoảng 130 người còn lại có thể đã chết. Nhiều người trong số đó bị thương hoặc là người cao tuổi. Nếu các cuộc đàm phán để trả tự do cho họ đổ vỡ, ông Netanyahu sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài tiến đánh toàn bộ thành phố Rafah bất chấp hậu quả về nhân đạo và ngoại giao.

"Nếu không đạt được thỏa thuận, ông ấy phải tấn công Rafah. Và điều đó đồng nghĩa đối mặt với hậu quả", Israel Ziv, thiếu tướng Israel về hưu, nói.

Yair Golan, tướng Israel về hưu và chính trị gia cánh tả, cho biết ông sẽ ủng hộ nếu việc Israel tiến quân vào Rafah là động thái chiến thuật để gây áp lực lên Hamas, đạt thỏa thuận con tin. Song Golan hoài nghi điều đó.

"Thủ tướng Netanyahu đã làm suy yếu bất kỳ nỗ lực đàm phán nào nên đây có thể chỉ là cách để tránh kết thúc xung đột và câu giờ. Câu hỏi trọng tâm là ông ấy có thực sự muốn đạt thỏa thuận hay không? Tôi tin ông ấy sẽ không muốn vậy vì lý do chính trị", Golan nói.

Thanh Tâm (Theo FT, The Guardian, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020