Chuyên mục  


Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/5 ra thông cáo cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã lệnh cho Bộ tổng tham mưu quân đội Nga chuẩn bị tiến hành diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Quân đội Nga khẳng định đợt diễn tập nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời nhấn mạnh đây là "biện pháp phản ứng với những tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa nhằm vào Nga từ một số quan chức phương Tây".

Theo giới quan sát, tuyên bố này cho thấy Tổng thống Putin lại một lần nữa khua "thanh gươm hạt nhân" của nước Nga trước áp lực ngày càng tăng từ phương Tây liên quan đến chiến sự Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến từ dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, ngày 28/3. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra lời giải thích cụ thể hơn, cho hay mệnh lệnh diễn tập hạt nhân mà ông Putin đưa ra là lời đáp trả những phát biểu gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và quan chức ngoại giao hàng đầu của Anh, Ngoại trưởng David Cameron.

Tổng thống Macron gần đây tuyên bố Pháp sẽ đưa quân đến Ukraine nếu Nga chọc thủng phòng tuyến của Kiev. Trong khi đó, Ngoại trưởng Cameron lần đầu tiên khẳng định Ukraine được quyền sử dụng các loại tên lửa tầm xa mà Anh cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga. Ông Putin từng tuyên bố việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga là "lằn ranh đỏ" với Moskva.

Thông báo tập trận của Nga đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phương Tây. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, thiếu tướng Patrick Ryder, gọi đây là hành động "hoàn toàn không phù hợp". Phát ngôn viên NATO Farah Dakhlallah chỉ trích kế hoạch tập trận hạt nhân của Moskva là "nguy hiểm và vô trách nhiệm". Liên minh châu Âu (EU) đồng thời kêu gọi Nga "ngừng leo thang".

Pavel Podvig, học giả về lực lượng hạt nhân Nga ở Geneva, nhận định Moskva từng tiến hành các cuộc tập trận như vậy nhưng hiếm khi công khai. Lần này, mệnh lệnh diễn tập của ông Putin được công bố rộng rãi ngay sau khi nó được đưa ra, nhằm phát đi thông điệp răn đe cứng rắn tới phương Tây.

"Đây là phản ứng tức thì và quyết liệt của Nga trước những sức ép từ phương Tây", Podvig nói.

Giống như nhiều lần trước đây, thời điểm của tuyên bố tập trận mới nhất từ Nga có thể quan trọng ngang với nội dung mà nó truyền tải, giới quan sát đánh giá.

Tuần này có hai ngày đáng chú ý đối với Tổng thống Putin là lễ nhậm chức của ông vào 7/5 sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, cùng với lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng theo truyền thống vào ngày 9/5 nhằm đánh dấu thắng lợi trước Đức Quốc xã.

Việc các cường quốc hạt nhân như Nga hay Mỹ tiến hành hoạt động đánh giá, kiểm tra kho vũ khí của họ là điều bình thường. Nhưng tuyên bố tiến hành tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sau bình luận từ những quan chức phương Tây lại là động thái ngoại giao bất thường, bình luận viên Laura King từ Los Angeles Times nhận xét.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn và có sức tàn phá yếu hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân chiến lược, vốn được trang bị trên các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc bom nguyên tử. Chúng thường được sử dụng ở quy mô nhỏ trên chiến trường, nhằm đạt được những lợi ích chiến thuật nhất định, nhưng mọi mối đe dọa hạt nhân đều có cách thu hút chú ý riêng, King cho hay.

Lầu Năm Góc lâu nay vẫn giám sát chặt chẽ tình hình hạt nhân tại Nga và trong suốt cuộc xung đột Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Moskva.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng quyết định diễn tập hạt nhân của ông Putin thể hiện mô hình phản ứng đã được Nga duy trì từ khi phát động chiến sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, nghĩa là bất kỳ động thái leo thang nào ở phương Tây đều sẽ đối mặt với động thái đe dọa hạt nhân từ Điện Kremlin, nhằm làm dấy lên mối lo ngại toàn diện về một cuộc xung đột giữa Nga với liên minh do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ Ukraine.

Có một số quan điểm khác nhau về việc liệu những cảnh báo này có đáng lo ngại hay nghiêm trọng hơn những cảnh báo tương tự trong quá khứ hay không.

Alexander Clarkson, giảng viên nghiên cứu châu Âu tại Đại học Hoàng gia London, cho rằng thông báo tập trận hạt nhân không phải thông điệp chính sách được hiệu chỉnh cẩn thận của Nga.

Cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân là "điều mà Tổng thống Putin và một nhóm nhỏ các quan chức quốc phòng của ông luôn nghĩ tới mỗi sáng", Clarkson viết trên nền tảng mạng xã hội X.

Tuy nhiên, thông báo của Điện Kremlin có thể là cái cớ để những người phản đối phương Tây mở rộng viện trợ Ukraine tiếp tục khẳng định tiếng nói của mình.

Trong cuộc tranh cãi kéo dài tại quốc hội Mỹ về viện trợ quân sự cho Ukraine, các đảng viên Cộng hòa cực hữu nhiều lần cáo buộc chính quyền Biden và các đối tác phương Tây khác của Ukraine đang đùa giỡn với "lửa hạt nhân" khi không ngừng hỗ trợ Kiev.

Những bình luận mới nhất về vũ khí hạt nhân cũng được đưa ra vào thời điểm Kiev đang gặp khó khăn trên chiến trường, dường như nhằm gieo rắc tâm lý nghi ngại trong nội bộ Ukraine, theo giới quan sát.

Chiến dịch phản công mang nhiều kỳ vọng của Ukraine đã thất bại vào mùa hè năm ngoái. Giờ đây, khi thời tiết cải thiện, một số đồng minh và thậm chí cả một số quan chức quốc phòng Ukraine đã bày tỏ lo ngại về việc lực lượng Nga đang thúc đẩy chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm đột phá phòng tuyến.

Các bệ phóng tên lửa Iskander tham gia một cuộc tập trận của quân đội Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Thành phố Chasov Yar ở miền đông Ukraine được đánh giá là vị trí dễ bị tổn thương, dù nó nằm trên vùng đất cao, thường có lợi cho phía phòng thủ. Trước sức ép của Nga trên tiền tuyến, Ukraine phản ứng bằng cách tăng cường các cuộc tập kích vào hạ tầng năng lượng sâu bên trong lãnh thổ Nga, nhằm cắt huyết mạch năng lượng của Moskva.

Vài tháng qua, Nga phải chống đỡ hàng loạt cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ, thường do UAV tầm xa của Ukraine thực hiện. Mỹ đã yêu cầu Ukraine không sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tiến hành những cuộc tập kích như vậy, nhưng các đồng minh thân cận khác như Anh không đặt ra hạn chế tương tự.

Trong những ngày gần đây, Nga cũng liên tục lên tiếng phản đối đợt tập trận quân sự của NATO gần biên giới nước này với khoảng 90.000 binh sĩ tham gia. Cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova mô tả các cuộc tập trận kéo dài nhiều tháng là tín hiệu rõ ràng rằng NATO đang tạo tiền đề cho xung đột với Nga.

Hôm 6/5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo triệu đại sứ Anh tại Moskva Nigel Casey để phản đối bình luận từ Ngoại trưởng Cameron về việc cho phép Kiev dùng tên lửa của London để tập kích Nga. Nếu được bật đèn xanh, Ukraine có thể phát động các cuộc tấn công tầm xa bằng tên lửa hành trình Storm Shadow, có thể gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với UAV.

"Đại sứ Casey được cảnh báo rằng Nga có thể tấn công bất cứ cơ sở và thiết bị quân sự nào của Anh trong hoặc ngoài lãnh thổ Ukraine, nếu Kiev dùng vũ khí Anh tập kích lãnh thổ Nga", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Nhưng thông điệp đe dọa hạt nhân hay tấn công cơ sở quân sự Anh của Nga dường như không phát huy tác dụng. Bộ Ngoại giao Anh bác thông tin đại sứ Casey bị phía Nga triệu tập, cho hay ông chỉ gặp các quan chức Nga "để trao đổi về ngoại giao", trong đó ông "tái khẳng định sự ủng hộ của Anh với Ukraine".

Ukraine cũng bác bỏ thông báo từ Nga, nói rằng đây là một phần của chiến thuật quen thuộc mà Moskva nhiều lần áp dụng xuyên suốt cuộc xung đột.

"Chúng tôi không thấy điều gì mới", Andriy Yusov, phát ngôn viên tình báo quân đội Ukraine, nói trên sóng truyền hình quốc gia. "Đe dọa hạt nhân là một hoạt động thường xuyên của chính phủ Nga".

Dỳ vậy, cựu trung tá quân đội Mỹ Earl Rasmussen vẫn tỏ ra cảnh giác. Ông cho rằng thông báo về cuộc tập trận hạt nhân "là cách Nga truyền thông điệp tới các lãnh đạo phương Tây rằng họ hoàn toàn nghiêm túc".

"Họ không dọa suông. Nếu phương Tây leo thang vấn đề hơn nữa bằng hành động can dự trực tiếp, Nga sẽ trực tiếp giao chiến với họ", Rasmussen nói, thêm rằng kịch bản trên hoàn toàn có nguy cơ dẫn đến việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

"Điều này thực sự không tốt, nó sẽ đẩy căng thẳng lên cao hơn nữa và cuối cùng dẫn tới một cuộc xung đột hạt nhân tổng lực", ông cảnh báo.

Rasmussen tin rằng việc Nga phát đi thông điệp này nhằm ngăn các lãnh đạo phương Tây có những động thái can thiệp quyết liệt hơn vào chiến trường Ukraine, nơi Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ quyết tâm theo đuổi chiến dịch đến cùng.

"Về cơ bản, Nga đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ chuẩn bị, họ sẽ huấn luyện, họ sẽ sẵn sàng, nếu cần thiết. Họ không muốn dùng vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ bảo vệ nhà nước Nga", Rasmussen, người từng làm việc trong quân đội Mỹ 20 năm, cho biết.

Vũ Hoàng (Theo Los Angeles Times, Sputnik, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020