Chuyên mục  


Belgorod, thành phố thủ phủ của tỉnh cùng tên, nằm cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 40 km, giờ giống như đô thị ma. Các tòa nhà bị hư hại, mặt đường lỗ chỗ hố đạn sau các vụ tập kích bằng tên lửa, đạn pháo từ bên kia biên giới. Mũi tên chỉ dẫn về hầm trú ẩn và kho vật tư gần nhất được vẽ ở mặt tiền các tòa nhà.

Sự im lặng kỳ lạ của thành phố thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi những tiếng còi cảnh báo tập kích, như lời nhắc nhở rằng xung đột ở nước láng giềng đã đến rất gần với nước Nga.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch tấn công Ukraine đầu năm 2022, thành phố Belgorod là nơi phát động nhiều vụ tập kích tên lửa và rocket vào Ukraine, đồng thời cũng là trung tâm hậu cần quan trọng cho các đơn vị Nga. Sau một năm hứng chịu các cuộc tấn công, Ukraine thay đổi chiến thuật và tăng cường tập kích vào lãnh thổ Nga, đưa thành phố Belgorod vào tầm ngắm.

Trong những tuần gần đây, Belgorod trở thành mục tiêu pháo kích và tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) gần như hàng ngày. Giới chức Nga cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ tấn công. Nga tuyên bố đánh chặn phần lớn đòn tập kích, song thừa nhận Belgorod hứng chịu nhiều tàn phá và thương vong.

Vyacheslav Gladkov, thống đốc tỉnh Belgorod, ngày 23/3 nói rằng 24 người đã thiệt mạng và 152 người bị thương ở Belgorod trong chưa đầy hai tuần hứng chịu các đòn tấn công tầm xa.

Xe bị thiêu rụi sau vụ tập kích ở thành phố Belgorod, Nga ngày 22/3. Ảnh: AFP

Vào đỉnh điểm đợt pháo kích ở Belgorod, nghệ sĩ organ 36 tuổi Timur Khaliullin đi qua những con đường vắng vẻ ở trung tâm thành phố, quay video với tiêu đề Belgorod dưới còi báo động để cho những người khác có thể thấy thực trạng nơi này. Anh cũng quay lại hình ảnh những mũi tên chỉ dẫn tới hầm trú ẩn hay nơi chứa bộ cứu thương khẩn cấp.

Khi Khaliullin tới quảng trường trung tâm, còi báo động vang lên. "Các bạn có nghe thấy không? Đó là tiếng còi báo động đáng sợ. Đó là báo hiệu không kích. Điều này có nghĩa hỏa lực sẽ ập tới ngay bây giờ và tôi phải ẩn nấp đây", anh nói.

Màn hình bố trí xung quanh quảng trường hướng dẫn người dân về những điều cần làm khi có pháo kích, cách sơ cứu và lặp lại lời động viên yêu nước. "Cuộc chiến chống Nga vẫn tiếp tục. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta", một thông điệp nêu rõ.

Khi còi báo động ngừng lại, Khaliullin tiếp tục quay những con đường vắng, hình ảnh mọi người chờ ở bến xe buýt. Những người di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng thường chờ hàng giờ tại các trạm dừng cho đến khi nhận được tín hiệu rõ ràng rằng xe buýt tiếp tục hoạt động. Nhịp sống của thành phố được nối lại cho đến lần báo động tấn công tiếp theo.

Thành phố quê hương của Natalia Izotova, tình nguyện viên 25 tuổi, từng không như vậy trước xung đột. "Đó là một nơi yên bình, nhỏ bé mà mọi người chỉ đơn giản sống cuộc đời của họ và cố gắng thay đổi tốt hơn khi có thể", cô nói.

Sinh ra và lớn lên ở Belgorod, Izotova cho biết dù "sợ hãi khủng khiếp" mỗi khi còi báo động không kích vang lên, cô vẫn không muốn rời đi và không muốn từ bỏ công việc tại tổ chức từ thiện địa phương. "Belgorod mà bạn từng nhớ đã không còn tồn tại nữa", cô nói.

Bây giờ thành phố luôn trong tình trạng vắng vẻ, rất ít người dám ra ngoài trừ khi có việc. "Họ vẫn cố gắng mạo hiểm ra đường, nhưng tình hình trở nên ảm đạm hơn", cô nói.

Hồi giữa tháng 3, giữa lúc Ukraine tăng cường tập kích khiến còi báo động vang lên 4-5 lần mỗi ngày, Thống đốc Gladkov thông báo đóng cửa trung tâm thương mại và trường học trong hai ngày ở một số khu vực, trong đó có thành phố Belgorod.

Nhiều video được chia sẻ về Belgorod cho thấy cảnh hỗn loạn khi mọi người lái xe qua làn khói dày đặc và những chiếc xe bốc cháy, cũng như các tòa nhà bị hư hại và cư dân mang theo hành lý chạy trốn. Tiếng nổ và còi báo động không kích vang lên khắp nơi.

Cuối tháng 12 năm ngoái, sau cuộc không kích lớn của Nga vào Ukraine, Kiev đã trả đũa bằng cách nhắm mục tiêu vào Belgorod một ngày sau đó. Ít nhất 25 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em, và 113 người bị thương ngày hôm đó, khiến đây trở thành vụ tập kích đẫm máu nhất ở Nga kể từ khi xung đột bắt đầu hồi cuối tháng 2/2022.

"Đây là ngày đen tối nhất mà chúng tôi hứng chịu gần đây", Elizaveta, nhân chứng 24 tuổi trong vụ tập kích đêm 30/12/2023, nói.

Khi kết thúc ca làm việc ở chuỗi cửa hàng đồ uống gần trung tâm thành phố, cô nghe thấy tiếng nổ. Lúc đầu, mọi người đều nghĩ đó là âm thanh của tên lửa phòng không thông thường.

"Và sau đó tôi thấy mọi thứ bốc cháy, xe buýt ngừng chạy và taxi cũng đứng im vì đường bị chặn hoàn toàn", cô nhớ lại. "Nhiều người đã thiệt mạng và toàn bộ thành phố chìm trong tang thương cho tới ngày nay".

Elizaveta thêm rằng cuộc sống ở thành phố đã đảo lộn kể từ đó. Cửa hàng của cô trở nên vắng khách khi nhiều người sợ ra khỏi nhà.

Người dân đứng chờ xe buýt tại trạm dừng được chất đầy bao cát xung quanh ở Belgorod, Nga hồi tháng 1. Ảnh: Reuters

Giống nhiều người khác ở Belgorod, Elizaveta có người thân ở Kharkov, đông bắc Ukraine, nhưng đã không còn nói chuyện vì bất hòa trong những tháng đầu xung đột. Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine, gần đây cũng hứng chịu nhiều đợt tập kích của Nga.

"Ở Belgorod, nhiều người chúng tôi có người thân ở cả hai bên biên giới. Người dân Belgorod thường xuyên tới Kharkov và ngược lại. Thật sự thất vọng khi chứng kiến sự rạn nứt giữa những người từng thân thiết như vậy", cô nói.

Elizaveta mong mỏi được quay lại cuộc sống bình thường, nơi mọi người không còn cảm thấy sợ hãi. "Bất kỳ khi nào ra đường và không thấy người hoặc phương tiện, bạn cảm giác mình như đang ở đảo hoang", cô cho hay.

Vasily, cư dân Belgorod, cho biết nỗi sợ đạn pháo và tên lửa đè nặng lên tâm trí mọi người nơi đây mỗi khi ra khỏi nhà. Đến cuối tháng 3, tình hình căng thẳng tới mức mọi người thậm chí không cần đặt chuông báo thức mỗi sáng.

"Giống như đồng hồ báo thức, cứ 8h sáng, chúng tôi lại chứng kiến một đợt pháo kích hoặc các hoạt động phòng không khác", anh nói.

Khi tình hình an ninh xấu đi, các dịch vụ thiết yếu cũng gián đoạn. Các cửa hàng ăn uống đóng cửa và dịch vụ giao đồ ăn cũng rất ít. Đối mặt với cuộc sống nhiều đảo lộn vì xung đột, Vasily đã từng dự định rời thành phố, song quyết định ở lại vì vợ anh đang học ở một trường đại học địa phương.

"Nhiều người ở Belgorod chọn rời xa thành phố. Về cơ bản, họ muốn đi tới nơi cách xa biên giới, ít nguy hiểm hơn", Vasily nói.

Dù chính quyền chưa từng ra lệnh sơ tán, Thống đốc Gladkov hôm 30/3 tiết lộ rằng 5.000 trẻ em đã được đưa tới nơi an toàn hơn, trong đó có St. Petersburg, Bryansk và Makhachkala. Chính quyền lên kế hoạch sơ tán tổng cộng 9.000 trẻ em đến các khu vực khác vì lo ngại pháo kích.

Những khu vực vắng vẻ chứng kiến tình trạng gia tăng tội phạm và bất ổn. Đầu tháng này, người đứng đầu quận Grayvoron ở Belgorod đã cảnh báo về các vụ cướp bóc, đặc biệt tại các khu định cư dọc biên giới.

Khi cuộc chiến kéo dài, những người còn ở Belgorod trở nên bi quan hơn về tương lai. "Tôi sợ rằng Belgorod cũng có thể bị bỏ lại", Vasily nói.

Izotova cũng có cảm giác tương tự kể từ vụ tập kích ngày 30/12/2023 và cảm giác đó ngày càng tăng trong những tuần gần đây.

Vị trí khu vực Belgorod. Đồ họa: FT

Trong bình luận mới nhất đề cập tới khu vực Belgorod, Tổng thống Vladimir Putin "đánh giá cao" và "ngưỡng mộ" lòng dũng cảm của người dân, đồng thời cam kết hỗ trợ khu vực này cùng những vùng biên giới lân cận. Bất chấp cam kết đó, Izotova cho biết nhiều cư dân khu vực vẫn cảm thấy bị bỏ rơi.

Những thách thức mà Belgorod phải đối mặt dường như không được quan tâm giải quyết, khiến nhiều người phản đối chiến tranh thậm chí thấy rằng sự cảm thông hiện giờ không chỉ dành cho những nạn nhân Ukraine, mà cả chính họ.

"Trong lúc hoảng loạn, sợ hãi và không chắc chắn như này, mọi người vẫn cố gắng giúp đỡ nhau. Tôi nghĩ nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc này là hỗ trợ những người đang gặp khó khăn, cả người Ukraine và những người ở Nga", Izotova nói.

Thanh Tâm (Theo CNN, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020