Chuyên mục  


Rạng sáng 7-2 (giờ địa phương), những chiếc máy bay chở thực phẩm, thuốc men, chăn mền… từ Iraq và Iran đã đến sân bay quốc tế Damascus của Syria. Trước đó, trong đêm 6-2, hai nhóm cứu hộ của Ấn Độ đã xuất phát đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng chó nghiệp vụ và thiết bị y tế.

Nước mắt bất lực

Danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức nhanh chóng đến hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất mạnh 7,8 độ ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria dài ra nhanh chóng khi con số thương vong cùng mức độ tàn phá ngày càng gây choáng váng. Đến cuối ngày 7-2 (giờ Việt Nam), số người chết ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hiện gần 5.300 người, bao gồm hơn 3.500 người thuộc 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 1.700 người ở Syria. Ngoài ra, còn có hơn 25.000 người bị thương ở 2 nước.

Trong lúc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quốc tang 7 ngày, nước này đồng thời dốc toàn lực cho công tác cứu hộ. Hơn 24.000 nhân viên cứu hộ đã đến các hiện trường, theo hãng tin AP, và một lượng lớn binh sĩ ở biên giới giáp với Syria cũng được huy động. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn quá mỏng so với diện tích khu vực bị ảnh hưởng. Với gần 6.000 tòa nhà bị đổ sập sau trận động đất cùng hơn 280 dư chấn, số người còn mắc kẹt có thể rất lớn.

Giữa thời tiết lạnh giá, cô Nurgul Atay bám trụ bên tòa nhà bị sập ở TP Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Cô nghe thấy giọng mẹ từ bên dưới nhưng những nỗ lực của cô và người thân tìm vào trong đống đổ nát đều vô ích khi không có đội cứu hộ hay máy móc hạng nặng. "Mẹ tôi đã 70 tuổi rồi. Bà không chịu đựng được lâu đâu" - cô nói với AP.

Tổ chức "Bác sĩ không biên giới" đang hỗ trợ y tế ở Syria hôm 7-2 xác nhận một người của họ đã thiệt mạng ở tỉnh Idlib trong khi những người khác nén nỗi đau mất mát để tiếp tục làm việc vì các cơ sở y tế ở Bắc Syria đều quá tải nghiêm trọng. Đứng bên đống đổ nát khác ở Gaziantep - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2, cô Ayla cho biết cô đã lái xe từ Hatay đến để tìm mẹ nhưng cho tới nay không một ai sống sót được tìm thấy tại nơi từng là tòa nhà 8 tầng có căn hộ của mẹ cô.

Phóng viên Reuters, The New York Times, AP… ghi nhận tiếng la hét vang lên từ bên dưới những tòa nhà đổ nát đầu ngày 7-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các gia đình tuyệt vọng đào tìm người thân bằng xẻng và tay không giữa lúc thời tiết ngày càng lạnh giá, nhiệt độ đã xuống dưới mức đóng băng. "Họ đang cố gây tiếng động, nhưng không ai đến được" - một người dân Hatay tên Deniz đứng khóc dưới mưa tuyết.

Những người sống sót cũng đang gặp nguy hiểm giữa thời tiết khắc nghiệt. "Chúng tôi đói. Chúng tôi khát. Thật khổ sở" - ông Neset Guler nói khi đang cùng 4 con nhỏ quấn chăn giữ ấm bên đống lửa, trong một căn nhà giữa thành phố "tâm chấn" Kahramanmaras.

16-thumbnailchot-lon-1675777777685150413682.jpg

Bé Muhammet Ruzgar, 5 tuổi, được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi một tòa nhà bị hư hại ở Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-2 Ảnh: REUTERS

16-thumbnailchot-nho-16757777777001745717950.jpg

Binh lính và nhân viên cứu hỏa của Lebanon rời thủ đô Beirut đến Syria cứu hộ hôm 7-2 Ảnh: REUTERS

Tình người trong hoạn nạn

Phóng viên CNN thường trú tại Gziantep, anh Eyad Kourdi, kể anh và cha mẹ mình đã chịu đựng những cơn rung lắc như "không bao giờ kết thúc", phải đứng ngoài mưa và lớp tuyết dày trước khi anh Kourdi mạo hiểm vào nhà để lấy áo khác và ủng. Anh Kourdi sau đó đã đến Pazarcik lân cận và gửi về những bức hình nhà cửa bị san phẳng, các thanh kim loại rải rác trên đường phố.

Số nạn nhân thiệt mạng nhiều khả năng còn tăng cao - thậm chí lên đến hơn 20.000 người như dự báo của bà Catherine Smallwood, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với tâm chấn tại tỉnh Kahramanmaras, miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và chấn động lan đến Syria, Lebanon và cả Ai Cập, thảm họa mới nhất gợi người ta nhớ đến trận động đất có cường độ tương tự tàn phá khu vực đông dân cư ở phía Đông biển Marmara gần Istanbul, giết chết hơn 17.000 người vào năm 1999 - theo báo The Guardian.

So với Thổ Nhĩ Kỳ, tình cảnh ở Syria - đất nước bị chiến tranh tàn phá suốt 12 năm qua - còn nguy ngập hơn. Thương vong xảy ra ở cả khu vực do chính phủ và quân nổi dậy kiểm soát ở Tây Bắc Syria. Vùng chịu ảnh hưởng là nơi chen chúc của khoảng 4 triệu người bị mất nhà cửa do chiến tranh ở những khu vực khác chạy đến. Nhiều người sống trong những tòa nhà vốn đã hư hại nhiều do bom đạn.

Gần như ngay lập tức, nhiều nước tuyên bố hỗ trợ tiền bạc, thiết bị và phái các đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ như Mỹ, Liên minh châu Âu, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Anh, Đức, Trung Quốc, Pakistan… Đích thân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif bay đến Ankara để bày tỏ lời chia buồn. Trong khi đó, nhiều nước ngỏ ý hỗ trợ Syria thông qua Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới, 2 tổ chức này đã phái đội cứu hộ đến hiện trường. Tại Syria, hơn 300 binh lính Nga cũng tham gia cứu hộ.

Đặc biệt, nhiều nơi còn gặp khó khăn như Palestine, Lebanon cũng gửi các nhóm y tế, cứu hỏa… đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hy Lạp, nước có xung đột lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ, hay Israel - đang hàn gắn quan hệ với Ankara và không có quan hệ ngoại giao với Syria - cũng gửi nhân viên cứu hộ cùng hàng cứu trợ đến cả 2 nước. 

Bảo hộ công dân Việt Nam

Ngay trong ngày xảy ra động đất (6-2), Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) liên hệ với cơ quan chức năng sở tại và bà con cộng đồng tìm hiểu thông tin và sẵn sàng bảo hộ công dân trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn. Cho đến nay chưa ghi nhận thông tin có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ:

- Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ: +90 545 7858548

- Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria): +989306459865.

- Tổng đài bảo hộ công dân: +84.981848484

D.Ngọc

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020