Sau gần một năm giao tranh với Hamas ở Gaza, Israel đang gia tăng áp lực lên lực lượng Hezbollah tại Lebanon bằng chiến dịch không kích dữ dội. Chưa rõ về khả năng Israel tiến hành chiến dịch trên bộ tại Lebanon. Câu hỏi nhiều người đặt ra lúc này là liệu Tel Aviv có đủ sức mở mặt trận thứ hai ngoài chiến trường Gaza hay không?
Đối thủ mạnh hơn
Giới chuyên gia nhận định nếu Israel và Hezbollah nổ ra xung đột toàn diện, Tel Aviv sẽ phải đối mặt mối đe dọa nguy hiểm hơn nhiều so với Hamas và cái giá phải trả cũng tương xứng.
"Hezbollah không phải Hamas", Yoel Guzansky, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS), trụ sở tại Tel Aviv, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, nhận xét. Hezbollah có khả năng quân sự tinh vi hơn nhiều, với kho vũ khí thậm chí còn lớn hơn một số quốc gia.
Năng lực quân sự của Israel đã được cải thiện kể từ cuộc chiến cuối cùng ở Lebanon vào năm 2006, nhưng kho vũ khí Hezbollah cũng vậy.
Các nhà phân tích quân sự ước tính Hezbollah có 30.000-50.000 quân, nhưng đầu năm nay, thủ lĩnh Hassan Nasrallah tuyên bố họ có tới hơn 100.000 tay súng và quân dự bị. Nhóm cũng được cho là sở hữu 150.000 rocket và tên lửa.
Tài sản quân sự lớn nhất của Hezbollah là tên lửa đạn đạo tầm xa, trong đó có 1.500 tên lửa chính xác với tầm bắn 250-300 km.
Orna Mizrahi, chuyên gia về Hezbollah tại INSS, cho biết việc Israel có khả năng chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận hay không phần lớn phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Mặt khác, Israel cũng có lợi thế tình báo vượt trội, thể hiện ở loạt vụ nổ bộ đàm và máy nhắn tin của Hezbollah hồi tuần trước, cuộc tấn công mà giới chuyên gia đều cho là do Tel Aviv thực hiện.
Xe tăng Israel di chuyển gần khu vực biên giới Dải Gaza hồi tháng 7. Ảnh: AFP
Kéo căng lực lượng
Israel là một quốc gia nhỏ và lực lượng quân sự của họ không phải vô hạn. Nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột thứ hai có thể xảy ra, IDF đang chuyển một số sư đoàn chủ chốt từ Gaza đến biên giới phía bắc.
"Khi bạn chiến đấu ở nhiều mặt trận, bạn không thể đầu tư quá nhiều vào tất cả các mặt trận", Mizrahi nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuần trước cho biết "trọng tâm chiến dịch đang chuyển dịch về phía bắc" và "quân số, nguồn lực" cũng đang được di chuyển.
Guzansky cho rằng việc chuyển hướng nguồn lực sang Lebanon không có nghĩa là cuộc chiến ở Gaza đã kết thúc, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có lẽ cảm thấy cần giải quyết vấn đề mặt trận phía bắc trước, khi áp lực trong nước đang không ngừng gia tăng yêu cầu chính phủ tìm cách giúp những người dân buộc phải sơ tán khỏi khu vực này trở về nhà.
Vào đầu cuộc chiến với Hamas, quân đội Israel đã điều động 295.000 quân dự bị để tăng cường nhân lực. Tuy nhiên, truyền thông Israel dẫn lời các nhà phân tích và quan chức quân đội cho biết IDF đang đối mặt tình trạng thiếu hụt. Giao tranh gần một năm qua đã khiến 715 binh sĩ thiệt mạng.
"Đây là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Israel, dài hơn cả Chiến tranh Arab - Israel năm 1948", Guzansky nói, thêm rằng Hezbollah và Iran muốn "làm suy yếu Israel một cách từ từ".
Vị trí Gaza và Lebanon. Đồ họa: AFP
Kinh tế giảm sút
Nền kinh tế Israel là một trong những nạn nhân lớn nhất của cuộc xung đột ở Gaza, bị ảnh hưởng nặng nề ngay từ những ngày đầu chiến sự. Hàng nghìn doanh nghiệp đối mặt khó khăn khi quân dự bị phải từ bỏ cuộc sống thường dân để cầm vũ khí.
Chiến sự "tàn phá nặng nề kinh tế, xã hội Israel", Guzansky cho hay, lưu ý rằng tác động sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.
Trong 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Israel là nước có mức độ suy thoái kinh tế mạnh nhất trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.
Theo dữ liệu của OECD, nền kinh tế Israel đã suy giảm 4,1% trong những tháng đầu cuộc xung đột ở Gaza và tiếp tục suy thoái, mặc dù tốc độ chậm hơn, trong suốt quý đầu tiên và quý thứ hai năm 2024.
Tình trạng trên diễn ra khi chi tiêu quân sự của Israel tăng vọt. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Amir Yaron hồi đầu năm cảnh báo cuộc chiến có thể khiến Israel phải chi tới 67 tỷ USD từ năm 2023 đến 2025. Con số này chiếm gần 13% GDP Israel, chưa kể chi tiêu quân sự thường xuyên vốn ở mức 4,5- 6,5% GDP hàng năm, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.
Xung đột mở rộng còn tác động đến xếp hạng tín dụng của Israel, khiến việc vay nợ trở nên tốn kém hơn, khi nhiều tổ chức đã hạ xếp hạng của nước này kể từ khi giao tranh nổ ra.
Trong một tuyên bố vào tháng trước, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo một cuộc xung đột toàn diện với Hezbollah hoặc Iran có thể gây ra "hậu quả tín dụng đáng kể cho các đơn vị phát hành nợ Israel".
Các thành viên Hezbollah dự đám tang Ibrahim Aqil, một trong những chỉ huy chủ chốt của nhóm, tại vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut, Lebanon, hôm 22/9. Ảnh: AFP
Uy tín quốc tế
Nếu Israel đưa quân vào Lebanon, chiến dịch chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho Lebanon, quốc gia vốn đang lâm vào khủng hoảng kinh tế. Đây có thể là "giọt nước tràn ly" đối với nhiều quốc gia vốn đã chỉ trích chiến dịch của Tel Aviv ở Gaza.
Động lực ủng hộ mà Israel nhận được sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 đã biến thành làn sóng chỉ trích gay gắt do phản ứng quyết liệt của Tel Aviv. Israel hiện phải đối mặt cáo buộc về tội ác chiến tranh và diệt chủng tại các tòa án quốc tế, điều mà nước này kiên quyết phủ nhận.
Ở trong nước, mức độ ủng hộ đối với chiến dịch tấn công Gaza những tháng gần đây đã suy giảm đáng kể so với thời kỳ đầu giao tranh. Người dân Israel cũng tỏ ra chia rẽ trước kịch bản xung đột với Hezbollah.
Một cuộc khảo sát do Viện Dân chủ Israel công bố hồi tháng 7 cho thấy 42% người Israel tin đất nước nên theo đuổi một thỏa thuận ngoại giao với Hezbollah, trong khi 38% cho rằng Israel cần giành chiến thắng quân sự quyết định, bất chấp việc khu vực dân sự phải chịu thiệt hại nặng nề. Tỷ lệ ủng hộ phương án đối đầu Hezbollah đã giảm so với phản hồi vào cuối năm 2023.
Vào tháng 8, viện công bố một khảo sát khác, 67% người được hỏi nói rằng nước này nên phản ứng mạnh mẽ hơn với Hezbollah. Tuy nhiên, chỉ 46% tin rằng Israel nên phát động cuộc tấn công sâu vào hạ tầng của Hezbollah. 21% muốn phản ứng mạnh mẽ hơn nhưng vẫn ở mức hạn chế.
Theo Guzansky, nhóm người muốn giới chức phản ứng mạnh tay nhất là cư dân ở miền bắc. "Nhiều người không còn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, gia đình chia tách, họ tin rằng tình hình ở miền bắc không thể thay đổi nếu không có động thái quyết liệt", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)