Chuyên mục  


Mỗi lọ nước tiểu của hổ Siberia có trọng lượng 250 g bán tại sở thú Bích Phong Hạp tại Nhã An, Tứ Xuyên có giá 50 NDT (7 USD), được quảng cáo là "điều trị tốt thấp khớp, bong gân và đau cơ".

Bên bán hàng khuyến cáo người sử dụng pha nước tiểu của hổ với rượu trắng và gừng để xoa lên vùng bị đau. Ngoài ra, người sử dụng cũng có thể uống trực tiếp nước tiểu của hổ, song phải dừng sử dụng nếu bị dị ứng, sở thú này cho biết.

Một nhân viên sở thú nói doanh số của mặt hàng ở mức trung bình, tối đa hai lọ bán được mỗi ngày. Các nhân viên sở thú dùng chậu thu thập nước tiểu của hổ, song không rõ đã khử trùng trước khi đóng lọ bán hay không.

Sở thú Bách Phong Hạp năm 2014 từng tặng nước tiểu của hổ cho những người nổi tiếng chiến thắng trong một chương trình truyền hình thực tế.

Nước tiểu của hổ được bán ở sở thú tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: NetEase

Theo một dược sĩ tại viện y học cổ truyền ở tỉnh Hồ Bắc, nước tiểu của hổ không phải vị thuốc truyền thống và chưa được chứng minh là có tác dụng chữa bệnh. "Việc phóng đại giá trị của nó mà không có bằng chứng sẽ gây ra hiểu lầm về y học cổ truyền và gây hại cho công tác bảo tồn loài hổ", ông nói.

Dược sĩ này cũng khuyến cáo du khách nên tuân theo khuyến cáo y tế, cảnh báo việc dùng các chất chưa được kiểm chứng "có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn".

Một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc đặt câu hỏi về giấy phép của sở thú, cho biết mọi loại thuốc phải được cơ quan quản lý dược của nước này chấp thuận lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, nhân viên sở thú khẳng định họ đã có giấy phép kinh doanh nước tiểu của hổ.

Sự việc đã gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc, các chủ đề về vấn đề này thu hút 35 triệu lượt đọc.

"Tôi mua một ít cho bố tôi vì tò mò, nhưng chưa thấy tác dụng gì và không dùng nó nữa", một du khách nói.

Một người khác cho biết "đang nghĩ tới việc mua một lọ cho mẹ vì có vẻ không có tác dụng phụ", trong khi một người thứ ba bày tỏ lo ngại sản phẩm có thể làm lây lan vi khuẩn.

Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, hổ được coi là biểu tượng của lòng dũng cảm và sức mạnh. Một số tài liệu y học cổ truyền của Trung Quốc cho biết xương hổ có thể điều trị bệnh thấp khớp và động kinh, song chính phủ nước này cấm sử dụng chúng.

Trung Quốc xếp hổ vào danh sách động vật ở mức độ cực kỳ nguy cấp. Người săn bắt hổ tại Trung Quốc có thể bị phạt tiền và lĩnh án tù tới 10 năm.

Nguyễn Tiến (Theo Yahoo New, AFP, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020