Chuyên mục  


afp202501162193480475v4highrestreasurysecretaryyellendeliversoneconomyacce-1-173717045835919430626.jpg

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu trong sự kiện ngày 15-1 - Ảnh: AFP

Bộ Tài chính Mỹ sẽ bắt đầu triển khai "các biện pháp đặc biệt" vào tuần sau nhằm tránh rủi ro vỡ nợ của chính phủ, Bộ trưởng Janet Yellen cho biết hôm 17-1, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Chuẩn bị đối phó với trần nợ

Theo thư của bà Yellen gửi tới các nhà lãnh đạo Quốc hội, khi chính phủ đã đạt đến giới hạn vay mượn, Bộ Tài chính Mỹ sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp đặc biệt này vào ngày 21-1 tới đây - chỉ một ngày sau khi ông Trump nhậm chức.

"Biện pháp đặc biệt" là cách mà Bộ Tài chính sử dụng để đảm bảo Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục thanh toán các khoản nợ và tránh rủi ro vỡ nợ gây bất ổn lớn.

Hãng tin AFP cho biết điều này sẽ đẩy chính quyền mới của ông Trump phải ngay lập tức giải quyết vấn đề trần nợ công - mức giới hạn pháp lý về số tiền mà chính phủ có thể vay để thanh toán các khoản nghĩa vụ tài chính như lương hưu, phúc lợi xã hội, lương quân đội, lãi suất nợ của nhà nước...

Khi nợ công Mỹ chạm trần, chính phủ phải có động thái nâng trần hoặc đình chỉ trần nợ. 

Nếu không, Nhà Trắng sẽ không thể tiếp tục vay tiền để hoàn thành những nghĩa vụ trên và lập tức rơi vào cảnh vỡ nợ.

Trong quá khứ, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần bỏ phiếu để nâng mức trần này, nhưng đây đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi, khi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa yêu cầu cắt giảm chi tiêu mạnh tay hơn thay vì nâng trần nợ.

"Chúng tôi không chắc chắn về thời gian mà các biện pháp đặc biệt này sẽ kéo dài", bà Yellen chia sẻ hôm 17-1.

Bà cũng lưu ý rằng việc dự báo các khoản thanh toán và thu nhập của chính phủ trong vài tháng tới gặp phải nhiều khó khăn.

"Tôi mong Quốc hội sẽ hành động nhanh chóng để bảo vệ niềm tin và uy tín của nước Mỹ", bà viết.

Bỏ hoàn toàn trần nợ?

2025-01-16t233921z2001885044rc24bca5zeusrtrmadp3usa-trump-bessent-17371705326791109288219.jpg

Ứng viên Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Trump 2.0, ông Scott Bessent, khẳng định nước Mỹ sẽ không vỡ nợ nếu ông điều hành cơ quan này - Ảnh: REUTERS

Lần gần nhất Chính phủ Mỹ suýt vượt trần nợ công là vào giữa năm 2023. Khi ấy, các nhà lập pháp Mỹ đã bỏ phiếu để đình chỉ trần nợ sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, nhằm loại bỏ nguy cơ vỡ nợ.

Mức trần nợ đã được tái lập vào ngày 2-1 và được đặt ở mức 36.100 tỉ USD, bằng với tổng số nợ công tính đến ngày hôm trước.

Trong các cuộc đàm phán ngân sách vào tháng 12, ông Trump đã yêu cầu nâng trần nợ hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn trần nợ, mặc dù ông đã không thành công vào thời điểm đó.

Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính của ông Trump, ông Scott Bessent, đã nói với các nhà lập pháp trong phiên điều trần hôm 16-1 rằng ông sẽ làm việc với ông Trump để loại bỏ giới hạn này nếu tổng thống đắc cử muốn như vậy.

Ông cũng cam kết Mỹ sẽ không vỡ nợ nếu ông trở thành bộ trưởng Tài chính.

Vào đầu tháng này, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới Fitch Ratings cho biết Mỹ đang đối mặt với "thách thức lớn về chính sách tài khóa trong năm 2025".

Họ chỉ ra vấn đề trần nợ, các khoản chi tiêu và "cắt giảm thuế trong bối cảnh thâm hụt lớn và gánh nợ ngày càng tăng".

"Chúng tôi cho rằng rất khó để những vấn đề này được giải quyết nhanh chóng do những điểm yếu lâu dài trong quá trình lập ngân sách của chính phủ liên bang, trong khi Đảng Cộng hòa tại Hạ viện chỉ có một số lượng thành viên hạn chế, khiến việc đạt được sự đồng thuận về các quyết định tài chính trở nên khó khăn", Fitch cho biết.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020