Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị G20 ở Nhật Bản năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Theo một số quan chức thân cận, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, dù nổi tiếng với tính cách dễ kích động, vẫn giữ nguyên bản chất của "bậc thầy thương thuyết" như từng thể hiện trong cuốn Nghệ thuật đàm phán của ông. Trong nhiệm kỳ trước, ông đã nỗ lực đạt được các thỏa thuận với nhiều đối thủ của Mỹ trên thế giới và dường như đang chuẩn bị tiếp tục con đường đó.
Tuy nhiên, vấn đề là thách thức đối với ông Trump ngày càng lớn, khi sau 4 năm kể từ khi ông rời Nhà Trắng, thế giới căng thẳng hơn với các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông.
Ông Trump đã chọn ra nhiều ứng viên "diều hâu" cho các vị trí trong chính quyền Trump 2.0 chuẩn bị nhậm chức đầu năm sau, phần nào hé lộ những chính sách mà ông có thể theo đuổi.
Chiến tranh ở Ukraine: Thương lượng thể hiện sự yếu kém?
Ngày 24-11, ông Mike Waltz, người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền sắp tới, đã vạch ra chiến lược của chính quyền mới để giải quyết xung đột Nga - Ukraine, theo đó sẽ bắt đầu thúc đẩy đàm phán ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ vào 20-1-2025.
Trả lời trên Đài Fox News, ông Waltz cho biết: "Chúng ta cần thảo luận xem ai sẽ ngồi vào bàn đàm phán này, liệu đó sẽ là một thỏa thuận hay lệnh ngừng bắn, cũng như làm thế nào để đưa cả hai bên vào bàn đàm phán và sau đó là phạm vi thỏa thuận". Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác với các đồng minh châu Âu trong quá trình này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Michael Hirsh, cựu biên tập của Newsweek và Politico, ông Trump có nguy cơ không giữ được lời hứa chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine "trong 24 giờ".
Theo giới phân tích, ông có thể hướng tới việc ngừng bắn trên chiến tuyến giữa Nga và Ukraine, sau đó Kiev có thể phải từ bỏ lãnh thổ bị Matxcơva kiểm soát và nỗ lực gia nhập NATO để đổi lấy hòa bình.
Bất kỳ thỏa thuận nào như vậy cũng đòi hỏi tiền tuyến phải ổn định phần nào. Nhưng tình hình đang đi theo chiều ngược lại khi Nga đang tập trung lực lượng ở vùng Kursk và phía đông nam Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới, và trong tuần qua đã thực hiện một số cuộc tấn công bằng tên lửa lớn nhất trong nhiều tháng vào Ukraine. Việc Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công đã khiến Nga đe dọa dùng đến vũ khí hạt nhân.
Cả Nga và Ukraine đều không mặn mà với việc đàm phán ngay, thay vào đó đang tranh thủ giành lợi thế trên chiến trường trước khi ông Trump nhậm chức vào năm sau, tức muốn có thêm lợi thế khi bước vào thương lượng.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa vẫn có rất nhiều người ủng hộ Ukraine, bao gồm cả ngoại trưởng sắp tới là thượng nghị sĩ Marco Rubio.
"Ông Trump có thể sẽ không muốn bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng cách thể hiện sự yếu kém là giao nộp phần lớn Ukraine cho Tổng thống Nga Vladimir Putin", ông Hirsh bình luận trên tờ Politico.
Xung đột Trung Đông có nguy cơ kéo dài
Khi nói đến cuộc chiến tranh của Israel ở Gaza và Lebanon, ông Trump đã ám chỉ với cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhà đàm phán cấp cao tại Qatar rằng ông ủng hộ các kế hoạch quân sự của Tel Aviv, nhưng muốn "mọi việc hoàn tất" trước khi ông nhậm chức.
Tuy nhiên, dù ông Netanyahu được cho là sẽ sẵn sàng nhượng bộ ông Trump hơn so với ông Biden, thì nhà lãnh đạo Israel cũng đang ở vị thế chính trị mạnh mẽ hơn. Sau các chiến dịch thành công lại Hezbollah và Hamas, ông Netanyahu đã củng cố sự ủng hộ trong nội các của mình, giúp ông có khả năng tiếp tục nắm quyền trong ít nhất một năm nữa.
Tờ Washington Post gần đây đưa tin rằng Israel đang chuẩn bị một thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah ở Lebanon như một "món quà" cho nhậm chức của ông Trump. Nhưng ông Netanyahu cũng khẳng định rằng Israel sẽ tiếp tục hoạt động quân sự chống lại Hezbollah bất chấp bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.
Ngoài ra chính quyền Israel đang công khai thảo luận về việc sáp nhập Bờ Tây, điều chắc chắn sẽ kéo dài xung đột và đóng băng khả năng bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel, điều được coi là cốt lõi của một thỏa thuận hòa bình rộng lớn hơn trong khu vực.
Tình thế mới ở Iran, Triều Tiên, Trung Quốc
Ông Trump cũng sẽ đối mặt với thách thức để giữ lời hứa buộc Iran từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Theo các thông tin gần đây, ông có thể gây sức ép tối đa bằng các lệnh trừng phạt lên Iran. Tuy nhiên xung đột ở Trung Đông giữa Israel với các lực lượng ủy nhiệm của Iran khiến Tehran gần đây quan tâm nhiều hơn đến hạt nhân.
Triều Tiên cũng đã phát triển mạnh mẽ tên lửa và tăng cường hợp tác quân sự với Nga trong 4 năm ông Trump rời Nhà Trắng, khiến việc đạt được thỏa thuận phi quân sự hóa Bình Nhưỡng thêm khó khăn. Trong khi đó Trung Quốc cũng cứng rắn hơn trong nhiều vấn đề trên con đường theo đuổi kế hoạch trở thành cường quốc tự lực.