Chuyên mục  


tap-can-binh-o-peru-173164165087634387621.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Peru Dina Boluarte bắt tay trong lễ ký kết các thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru, ngày 14-11 - Ảnh: REUTERS

Trước nhu cầu ngày càng tăng về nông sản và kim loại từ khu vực Mỹ Latin, ông Tập Cận Bình sẽ tham gia hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Lima (Peru), tiếp theo là tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro (Brazil) vào tuần tới, nơi ông sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước.

Siêu cảng nước sâu ở Peru

Ngày 14-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Peru Dina Boluarte tham dự trực tuyến lễ khánh thành cảng Chancay - nằm cách thủ đô Lima khoảng 80km về phía bắc.

Hai bên cũng ký kết một thỏa thuận mở rộng hiệp định thương mại tự do hiện có. Đây là một trong những bước đi chiến lược nhằm mở rộng thương mại và tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Ông Tập Cận Bình khẳng định cảng Chancay, với 15 bến nước sâu, là khởi đầu thành công cho "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21", nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng Peru để biến dự án Chancay thành điểm khởi đầu cho một hành lang hàng hải - lục địa mới giữa Trung Quốc và Mỹ Latin, kết nối với hệ thống đường mòn của đế chế Inca từ thế kỷ 15.

Trong bài viết trên tờ báo nhà nước El Peruano của Peru, ông Tập nhấn mạnh rằng dự án Chancay có tiềm năng tạo ra 4,5 tỉ USD doanh thu hằng năm, tạo hơn 8.000 việc làm trực tiếp và giảm 20% chi phí logistics cho tuyến vận tải Peru - Trung Quốc.

cang-chancay-17316417538412088537010.jpg

Cần cẩu và container tại cảng Chancay do Tập đoàn Cosco Shipping Ports của Trung Quốc xây dựng ở Peru, ngày 24-10 - Ảnh: REUTERS

Cảng Chancay do Tập đoàn Cosco Shipping Ports xây dựng với vốn đầu tư 1,3 tỉ USD từ Bắc Kinh cho giai đoạn đầu. Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục rót thêm hàng tỉ USD nữa để biến nơi đây thành một trung tâm vận tải hàng hải lớn giữa châu Á và Nam Mỹ.

Theo ông Mario Ocharan, chủ tịch phòng thương mại Chancay của Peru, con tàu đầu tiên sẽ xuất phát từ Chancay vào tuần tới, vận chuyển trái cây của Peru sang Trung Quốc.

Theo Hãng tin Reuters, động lực chính của Trung Quốc trong việc phát triển siêu cảng này là mở rộng tiếp cận thị trường Brazil lân cận, nơi có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt mới để vận chuyển các mặt hàng xuất khẩu của Brazil như đậu nành và quặng sắt đến cảng Chancay.

Dự án đường sắt này dự kiến tiêu tốn khoảng 3,5 tỉ USD. Việc xây dựng tuyến đường này được coi là "quan trọng" để cải thiện vận tải đậu nành, vì Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này sang Trung Quốc.

Thách thức kinh tế và địa chính trị

Việc khánh thành cảng Chancay diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách khai thác sâu hơn vào khu vực Mỹ Latin giàu tài nguyên, giữa lúc căng thẳng thương mại với châu Âu và lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế mới lên hàng xuất khẩu Trung Quốc từ chính quyền sắp tới của tổng thống Trump.

Hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đã tháp tùng ông Tập trong chuyến đi này, bao gồm những công ty đã đầu tư lớn vào Peru như Chinalco, chủ sở hữu mỏ đồng Toromocho.

Giáo sư Robert Evan Ellis từ Học viện Chiến tranh Lục quân Mỹ cho rằng cảng Chancay sẽ giúp việc vận chuyển giữa Mỹ Latin và Trung Quốc trở nên hiệu quả hơn.

Với khả năng tiếp nhận các tàu lớn nhất, cảng sẽ giảm bớt nhu cầu tập trung container hàng hóa tại các điểm trung gian, từ đó giảm chi phí và thời gian xử lý.

"Cảng Chancay là minh chứng cho việc Trung Quốc đang nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và thị trường, cũng như đang thành công trong cuộc đua giành giá trị gia tăng toàn cầu", giáo sư Ellis nhận định.

cang-chancay-2-1731641864624801521156.jpg

Cảng Chancay được kỳ vọng sẽ rút ngắn các tuyến đường biển đến châu Á cho hàng hóa của Peru và Brazil - Ảnh: REUTERS

Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào cảng Chancay đã khiến Washington lo ngại. Tướng Laura Richardson, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh miền nam của Mỹ, cảnh báo rằng cảng Chancay có thể được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự và thu thập thông tin tình báo.

Lo lắng của Mỹ về cảng Chancay phản ánh sự thay đổi lâu dài trong khu vực mà Washington từng coi là "sân sau". Hiện tại, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia như Peru.

Trong bài xã luận đăng ngày 11-11, Hoàn cầu Thời báo - tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc - viết rằng cảng Chancay "không phải là công cụ cho cạnh tranh địa chính trị", và coi các cáo buộc của Mỹ về khả năng sử dụng cảng cho mục đích quân sự là "vu khống".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020