Chuyên mục  


Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico, Tổng thống Joe Biden tuần trước đã nêu các bước giúp người di cư xin tị nạn dễ dàng hơn mà không cần thực hiện hành trình đầy rủi ro như trước. Ông cũng nói rằng những người di cư từ chối thực hiện quy trình này sẽ bị trục xuất lập tức nếu vẫn tìm cách vượt biên vào Mỹ.

"Đừng cứ thế xuất hiện ở biên giới", ông Biden nhấn mạnh. "Hãy ở yên tại nơi của bạn và đăng ký xin tị nạn một cách hợp pháp từ đó".

Đứng cạnh ông là Phó tổng thống Kamala Harris, người được giao nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nhập cư vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đi bộ dọc hàng rào biên giới với Mexico ở thành phố El Paso, bang Texas, hôm 8/1. Ảnh: USA Today.

Các biện pháp mới mở rộng chính sách "đặc ân" vốn đã được áp dụng từ hồi tháng 10/2022 cho những người xin tị nạn từ Venezuela. Theo chính sách này, người di cư từ Venezuela nếu vượt qua bài kiểm tra lý lịch và có một người bảo lãnh ở Mỹ sẽ được phép sống và làm việc hai năm tại Mỹ.

Chính quyền Biden cho biết chính sách này đã giúp giảm 90% số người Venezuela cố gắng vượt biên trái phép. Giờ đây, những người di cư từ Nicaragua, Cuba và Haiti đủ điều kiện cũng sẽ được hưởng chính sách tương tự, với tổng số khoảng 30.000 người mỗi tháng.

Mục tiêu của chính sách này là nhằm hạn chế dòng người di cư tới Mỹ khi họ chưa nộp đơn xin tị nạn ở quê nhà. Trong bối cảnh lực lượng biên phòng và thẩm phán nhập cư đang thiếu hụt nghiêm trọng, Tổng thống Biden kỳ vọng chính sách này sẽ giảm tải cho hệ thống kiểm soát biên giới đang bị kéo căng của Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách trên đang khiến ông hứng không ít chỉ trích. Các nhà phê bình cho rằng đây là hành vi thoái thác trách nhiệm của nhánh hành pháp và xúc phạm đến lý tưởng của người Mỹ. Đặc biệt, ngay cả những người cấp tiến thường đứng về phía Nhà Trắng trong cách vấn đề chính sách nay cũng từ chối ủng hộ ông.

Trong bối cảnh Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đang tìm cách tiến hành các cuộc điều tra về cách tiếp cận của ông đối với vấn đề nhập cư, Tổng thống Biden đã bắt đầu thực hiện một nỗ lực đầy rủi ro nhằm chứng tỏ rằng ông vẫn quan tâm tới cuộc khủng hoảng biên giới. Ông hồi đầu tuần trước đến thăm El Paso, Texas, nơi tuyến đầu của cuộc khủng hoảng, để chứng minh cam kết mạnh mẽ của mình.

Nhưng chiến lược mà Tổng thống Biden theo đuổi đang vấp phải không ít khó khăn, khiến các đồng minh của ông thất vọng và làm đối thủ đắc ý.

Đối với những người ủng hộ nhập cư, họ coi quy trình ông vạch ra cũng như giới hạn người di cư hàng tháng mà chính quyền lập ra là điều rất khó thực hiện và vô nhân đạo. Nhiều người cho rằng xin tị nạn ở biên giới, như hàng trăm nghìn người di cư đang làm mỗi tháng, là quyền con người.

Chính quyền đang "cắt đứt quyền tiếp cận các biện pháp bảo vệ nhân đạo đối với phần lớn những người đã trốn khỏi đất nước họ để tìm kiếm tự do và an toàn", Sunil Varghese, giám đốc chính sách từ Dự án Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế, cho hay, lặp lại cáo buộc của nhiều nhóm khác ủng hộ tiếp nhận người nhập cư nhiều hơn.

Nhà Trắng kiên quyết phủ nhận những cáo buộc như vậy. "Chính quyền Biden đang tạo ra những con đường an toàn và có trật tự cho người muốn xin tị nạn ở Mỹ", một quan chức Nhà Trắng giải thích.

Nhà Trắng hiểu rõ rằng bất cứ điều gì họ làm, hoặc không làm, để giải quyết cuộc khủng hoảng ở biên giới đều sẽ khiến họ hứng chịu công kích quyết liệt từ những người Cộng hòa chống nhập cư. Lần này cũng vậy.

Stephen Miller, người đã đề xuất lệnh cấm người từ các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump hồi năm 2017, đã chỉ trích Tổng thống Biden về cái mà ông gọi là hành vi "soán đoạt nền dân chủ".

Dù cáo buộc này có vẻ cường điệu hóa vấn đề, nó vẫn được nhiều người bảo thủ và đảng viên Cộng hòa khác liên tục nhắc lại.

Với việc phe Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện, các cuộc điều tra cáo buộc Tổng thống Biden và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã thất bại trong nỗ lực đối phó làn sóng nhập cư nhiều khả năng sẽ được tiến hành trong hai năm tới.

Phản ứng của các đảng viên Dân chủ thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn, vì nó diễn ra sau một khoảng thời gian mà Tổng thống Biden dường như đã giành được thiện chí đáng kể từ đảng của mình khi thông qua luật về hàng loạt vấn đề như kiểm soát súng đạn hay biến đổi khí hậu, với ủng hộ từ tất cả các phe trong đảng.

Nhưng về vấn đề nhập cư, đồng thuận trong đảng Dân chủ dường như là điều xa xỉ đối với ông Biden.

Vài giờ sau khi Nhà Trắng thông báo cải cách chính sách nhập cư, 4 thượng nghị sĩ Dân chủ gồm Alex Padilla, Bob Menendez, Cory Booker và Ben Ray Lujan đã ra tuyên bố đã chỉ trích kế hoạch mới, vì nó đã "loại trừ hàng nghìn người di cư chạy trốn bạo lực và ngược đãi, những người không có đủ khả năng kinh tế hoặc phương tiện để tham gia quy trình xin đặc ân".

Phản ứng đối với kế hoạch của Tổng thống Biden là một minh chứng cho thấy cách tình trạng chia rẽ chính trị có thể dẫn đến những nhận thức khác biệt rõ rệt về tình hình thực tế, giới chuyên gia đánh giá.

Hầu hết những người cánh hữu chống nhập cư nhìn người xin tị nạn với thái độ rất hoài nghi. Liên đoàn Cải cách Nhập cư Mỹ, tổ chức muốn hạn chế đáng kể cả nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp, cho biết kế hoạch mới của Tổng thống Biden là "một trong những hành vi lạm dụng nghiêm trọng và bất hợp pháp nhất đối với thẩm quyền ân xá nhân đạo trong lịch sử đất nước".

Đối với phe cánh tả ủng hộ nhập cư, kế hoạch mà Tổng thống Biden đề xuất cho thấy chính quyền của ông chưa khắc phục được những hạn chế có từ thời cựu tổng thống Trump, từng bị ông Biden chỉ trích khi vận động tranh cử.

"Luật Mỹ quy định mọi người đều có thể nộp đơn xin tị nạn, bất kể quốc tịch hay cách thức nhập cảnh của họ. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Biden duy trì quyền xin tị nạn, không mở rộng các chính sách chống người tị nạn thời Trump", giám đốc truyền thông thuộc tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban Tị nạn Phụ nữ, nói.

Một điểm đặc biệt nhức nhối đối với những người ủng hộ nhập cư là chính sách đặc ân mới tiếp tục dựa vào Title 42, một đạo luật y tế công cộng thời Thế chiến II cho phép trục xuất nhanh chóng những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Chính quyền Biden đã thách thức Title 42 nhưng lại vẫn tiếp tục sử dụng nó, thể hiện qua đề xuất đưa 30.000 người di cư đến Mexico mỗi tháng theo kế hoạch mới.

Tuy nhiên, những nhà vận động nói rằng chính quyền Biden không chỉ đơn thuần tiếp tục sử dụng Title 42 mà thực sự đang mở rộng phạm vi của nó để trục xuất nhiều người hơn.

"Theo lệnh từ tòa án, chúng tôi phải thực hiện Title 42", một quan chức chính quyền giấu tên nói. "Chính quyền đang nỗ lực hủy bỏ lệnh đó trước tòa, nhưng vẫn phải tuân thủ những lệnh hiện hành trong thời gian chờ đợi".

Các nhà vận động cũng chỉ trích một quy tắc mới do Bộ An ninh Nội địa (DHS) đề xuất, đẩy những người di cư vào cảnh không đủ điều kiện xin tị nạn ở Mỹ nếu họ đến biên giới Mỹ - Mexico mà không xin tị nạn trước ở một quốc gia khác đã đi qua. Đối với những người ủng hộ nhập cư, xin tị nạn ở biên giới là quyền bất khả xâm phạm được quy định trong luật.

Quan chức giấu tên từ chính quyền lưu ý quy tắc này đã bị hiểu sai và nó "không phải lệnh cấm tị nạn".

Một đoàn người di cư từ Mỹ Latinh nghỉ chân tại thành phố Huixtla, bang Chiapas, Mexico, trước khi tìm cách vào Mỹ hồi tháng 6/2022. Ảnh: AFP.

"Đó là một quy trình xin tị nạn an toàn, có trật tự và nhân đạo", ông nói, thêm rằng những người ủng hộ nhập cư khác sẽ có cơ hội góp ý sửa đổi luật trong quá trình phê chuẩn đề xuất.

Dù vậy, không phải ai cũng phản đối kế hoạch mới của Tổng thống Biden. "Việc tăng cường sử dụng đặc ân nhân đạo sẽ góp phần tạo nên một quy trình trật tự hơn ở biên giới, cũng như mở rộng các lựa chọn thay thế hợp pháp cho những người đang muốn được bảo vệ", Chủ tịch Diễn đàn Nhập cư Quốc gia Jennie Murray nói.

Khi công bố chương trình mới, Tổng thống Biden cáo buộc quốc hội Mỹ nhiều năm không hành động để cải cách nhập cư. Nếu không được quốc hội hậu thuẫn, Nhà Trắng sẽ không thể làm gì nhiều để sửa chữa một hệ thống mà hầu hết người Mỹ đều thừa nhận đã gặp nhiều vấn đề.

Cuối cùng, nỗi thất vọng lan rộng đối với kế hoạch có thể phản ánh khao khát chung của những người cấp tiến cũng như những người bảo thủ về một cuộc cải cách nhập cư sâu rộng hơn. Ngay cả những người ủng hộ kế hoạch mới cũng thừa nhận rằng nó chỉ mang lại tác động hạn chế. Tuy nhiên, theo họ, động thái như vậy là cần thiết khi hàng nghìn người đang chật vật tìm cách nhập cư vào Mỹ mỗi ngày.

"Tôi biết một số người ở biên giới, cộng đồng của họ đang phải chịu rất nhiều gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tị nạn này", nghị sĩ Dân chủ Lou Correa nói. "Họ đang tìm kiếm một số giải pháp, vì vậy họ có thể cởi mở hơn với những giải pháp đó".

Vũ Hoàng (Theo Yahoo News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020