Các nhà đàm phán Israel muốn tìm cách giải cứu hàng chục con tin bị giam ở Gaza, cũng như được tự do nối lại chiến dịch tấn công để xóa sổ Hamas sau khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc. Ngược lại, Hamas về cơ bản muốn tìm đường sống cho họ, thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và có thể duy trì ảnh hưởng ở Gaza thời kỳ hậu chiến, dù không còn là phe kiểm soát khu vực.
Đây là hai mục tiêu đối nghịch đã cản trở Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trong nhiều tháng qua. Thu hẹp khoảng cách giữa hai bên trở thành ưu tiên cấp bách đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi họ đang cùng các trung gian đàm phán là Qatar và Ai Cập giúp Israel và Hamas đàm phán thỏa thuận. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trên đường đến Arab Saudi và Ai Cập với hy vọng thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn.
Các bên trung gian đàm phán mô tả đàm phán là cơ hội cuối cùng để đạt được thỏa thuận, nhằm ngăn kế hoạch tấn công của Israel vào Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết đã nói rõ với Tổng thống Biden rằng ông sẽ không từ bỏ kế hoạch đưa quân vào thành phố phía nam Dải Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp nội các ở Tel Aviv ngày 31/12/2023. Ảnh: AFP
"Mục tiêu của chiến dịch có thể tóm gọn là phá hủy hoặc loại bỏ khả năng quân sự cùng vai trò lãnh đạo của Hamas, trả tự do cho tất cả con tin và đảm bảo Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel", ông Netanyahu nói với ủy ban quốc phòng và đối ngoại của quốc hội Israel.
Ông nhấn mạnh điều này đòi hỏi họ phải "xóa sổ" những thành viên còn lại của Hamas ở Rafah. "Chúng tôi quyết tâm làm điều này", ông nói.
Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 19/3 cho biết họ sẽ cử hai quan chức cấp cao thân tín của ông Netanyahu tới Mỹ, gồm Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer và người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tzachi Hanegbi, theo yêu cầu của ông Biden. Họ sẽ đi cùng một đại diện của Cogat, cơ quan quân sự chịu trách nhiệm về viện trợ ở Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin vào tuần tới tại Lầu Năm Góc, theo các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ. Họ nói rằng các cuộc thảo luận sẽ đề cập tới nỗ lực giải cứu con tin, nhu cầu viện trợ thêm cho người Palestine và những kế hoạch đảm bảo an toàn cho hơn một triệu người đang trú ẩn ở Rafah, trong khi đảm bảo Hamas không còn có thể là mối đe dọa với Israel.
Các nhà phân tích cho rằng Israel đang do dự trong việc đưa ra bất kỳ nhượng bộ có thể được xem là đầu hàng trước Hamas.
"Israel biết họ đã thua trong các cuộc đàm phán đó. Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được đều là chiến thắng cho Hamas. Và mục tiêu của họ là giảm thiểu thắng lợi của Hamas càng nhiều càng tốt", cựu nhà đàm phán con tin Israel Gershon Baskin nhận định.
Israel và Hamas đang thảo luận về một lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, trong đó 40 con tin sẽ được thả. Tuy nhiên, một vấn đề khiến đàm phán bế tắc là liệu thỏa thuận ngừng bắn có khiến Israel rút lực lượng hoàn toàn khỏi Gaza để chấm dứt xung đột, hay họ sẽ tiếp tục khởi động chiến dịch sau đó. Nếu câu hỏi này được giải quyết, Israel và Hamas "có cơ hội đạt được kết quả thành công".
"Tôi nghĩ cả hai bên cần một lệnh ngừng bắn ngay bây giờ", Baskin nói, thêm rằng quân đội Israel đang mệt mỏi sau nhiều tháng chiến đấu có thể hưởng lợi từ bước lùi chiến lược này, để có thời gian đánh giá lại các mục tiêu chiến dịch.
Lập trường thiếu rõ ràng của Israel về thỏa thuận ngừng bắn cũng là trở ngại lớn, theo Tahani Mustafa, nhà phân tích về vấn đề Palestine tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) tại Bỉ.
"Israel đã hoàn toàn không đưa ra đảm bảo về số lượng hàng viện trợ mà họ cho phép vào Gaza, cũng như không có đảm bảo cho những người dân di tản trở về phía bắc khu vực", bà nói.
Vị trí thành phố Rafah và các khu vực khác ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC
Một điểm bế tắc khác đối với Israel là Hamas muốn quyết định danh sách tù nhân Palestine được thả theo thỏa thuận. Các bộ trưởng cực hữu đã dọa rời khỏi liên minh của Thủ tướng Benjamin để bày tỏ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào có điều khoản như vậy. Họ không muốn những tù nhân Palestine bị giam với tội danh "tấn công gây thương vong hàng loạt" được trả tự do.
Đứng đầu danh sách tù nhân mà Hamas muốn được thả là Marwan Barghouti, người đã bị giam từ năm 2002. Barghouti được coi là lãnh đạo của Intifada, phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại lực lượng Israel chiếm đóng.
"Các tù nhân chính trị có địa vị rất cao trong xã hội Palestine", Mustafa nói. "Nếu Hamas có thể giúp thả các tù nhân đó, họ sẽ có vị thế tốt hơn để thỏa hiệp".
Hamas cũng đòi Israel trả tự do cho 170 người Palestine từng được thả khỏi các nhà tù theo thỏa thuận năm 2011 nhưng sau đó bị bắt lại. Thỏa thuận này liên quan tới trao đổi binh sĩ Israel Gilad Shalit để lấy hơn 1.000 tù nhân Palestine. Cho đến nay, Tel Aviv vẫn từ chối yêu cầu này và cho biết chỉ sẵn sàng thả 47 người trong số đó.
Trưởng đoàn đàm phán Israel David Barnea tới Qatar đêm 18/3 nhưng đã rời đi vào sáng hôm sau, theo các quan chức. Nhóm đàm phán của Barnea đã gặp nội các thời chiến của Israel trước khi khởi hành và không nhận được tất cả điều khoản đàm phán mong muốn. Một quan chức cấp cao của Israel cho biết họ có nhiệm vụ rõ ràng để đạt được "những cuộc đàm phán hiệu quả".
Một số nhà hòa giải ở Qatar cho biết họ không tin ông Netanyahu trao quyền cho một nhóm thực hiện thỏa thuận, điều này có thể làm suy yếu triển vọng đàm phán.
Cáo buộc chính quyền ông Netanyahu không muốn đạt thỏa thuận ngừng bắn là "những tuyên bố xấu xa và không đúng", theo một quan chức Israel. Người này thêm rằng Thủ tướng Netanyahu cần xác lập lằn ranh đỏ cho nhóm đàm phán để duy trì mục tiêu chiến dịch của Israel, đó là xóa bỏ quyền kiểm soát của Hamas đối với Gaza.
Một quan chức cấp cao Israel cho biết lãnh đạo Hamas ở Gaza Yahya Sinwar trực tiếp tham gia đàm phán và dự đoán thỏa thuận cần ít nhất hai tuần thảo luận.
Khói đen bốc lên sau vụ nổ ở Dải Gaza hôm 17/3. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Blinken cho hay ông đến Trung Đông không chỉ để bàn về cuộc đàm phán ngừng bắn cho xung đột Hamas - Israel, mà còn thảo luận về các thỏa thuận quản trị, an ninh và viện trợ cho Gaza. Chính quyền ông Biden và Thủ tướng Netanyahu đã mâu thuẫn về những vấn đề này gần đây.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar bày tỏ "lạc quan thận trọng" về triển vọng của các cuộc đàm phán. "Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận khi các cuộc đàm phán diễn ra ở Doha và nỗ lực tăng cường các cuộc thảo luận trong những ngày tới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ, AFP, Reuters)