Bản vẽ Catchlight Crossings, khu phát triển nhà ở giá rẻ được xây dựng trên khu đất của Universal Destinations & Experiences ở Florida - Ảnh: BUSINESS INSIDER
Trên khắp nước Mỹ, các tập đoàn đang sử dụng ảnh hưởng và nguồn lực đáng kể của mình để xây dựng các "company town" (thị trấn công ty) hiện đại.
Đó là những thị trấn/thành phố nhỏ có tất cả nét đặc trưng đời sống truyền thống, bao gồm nhà ở, cửa hàng và không gian công cộng và đều thuộc sở hữu của một công ty, đồng thời là người sử dụng lao động chính.
Sau nhiều năm phải lộn với tình trạng thiếu nhà ở cho nhân viên, các tập đoàn Google, Meta và Disney... đang tự mình giải quyết vấn đề: trực tiếp trở thành "chủ nhà".
Những dự án mới này không có logo tập đoàn và nhiều khu nhà sẽ được bán cho công chúng, không chỉ nhân viên.
Các "thị trấn công ty" hiện đại
Sau nhiều năm lập kế hoạch, phiên bản mới nhất của các "thị trấn công ty" đang bắt đầu phát triển.
Vào tháng 6, Hội đồng thành phố Mountain View, California đã phê duyệt quy hoạch tổng thể cho dự án North Bayshore của Google - sự hợp tác giữa gã khổng lồ công nghệ và công ty bất động sản Lendlease của Úc.
Cộng đồng mới sẽ thay thế một công viên ở ngoại ô bằng một khu dân cư mới rộng lớn ở trung tâm Thung lũng Silicon.
Các kế hoạch định hướng xây dựng tới 7.000 ngôi nhà mới cho nhiều mức thu nhập khác nhau, cũng như công viên, nhà hàng, cửa hàng và hơn 280.000m² diện tích văn phòng trên 62ha.
Khoảng 15% trong số những căn hộ đó sẽ có giá thấp hơn giá thị trường.
Mountain View cũng bật đèn xanh cho kế hoạch tổng thể cho Middlefield Park - một dự án phát triển khác của Google đề xuất phá bỏ các tòa nhà văn phòng và công nghiệp hiện có, đồng thời xây dựng gần 2.000 đơn vị nhà ở mới cũng như nhiều không gian văn phòng và bán lẻ hơn.
Năm ngoái, hội đồng thành phố Menlo Park, California đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ các kế hoạch cho Willow Village, dự án rộng 23ha của Facebook - dự án được gọi một cách trìu mến hoặc đầy hoài nghi là "Zucktown".
Dự án hứa hẹn cung cấp hơn 1.700 ngôi nhà, cũng như văn phòng, khách sạn và khu bán lẻ ngay bên cạnh trụ sở chính của Meta tại số 1 Hacker Way.
Walt Disney World cũng có kế hoạch động thổ vào năm tới trên 1.400 đơn vị nhà ở giá rẻ trên diện tích 32ha, cách công viên giải trí hàng đầu của hãng ở Florida vài km.
Gần đó, Công ty Universal cũng đang xây dựng 1.000 căn hộ giá cả phải chăng và không gian bán lẻ rộng 1486m².
Amazon, gã khổng lồ thương mại điện tử, cũng tìm kiếm ngôi nhà thứ hai của mình (dự án HQ2) và là nơi làm việc cho khoảng 25.000 công nhân.
Dự án ở Arlington, Virginia và giai đoạn đầu tiên của HQ2 đã khai trương vào tháng 5, với hai tòa nhà văn phòng 22 tầng và một công viên công cộng mới.
Amazon không trực tiếp xây dựng nhà ở theo cách của Google và Facebook, nhưng Quỹ đầu tư nhà ở Amazon trị giá 2 tỉ USD cam kết phát triển nhà ở khác ở khu vực Washington.DC, Nashville và Seattle, mở rộng ảnh hưởng trực tiếp của công ty ra ngoài không gian văn phòng đến thị trường nhà ở.
Không thể không nhắc đến tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, người đang đặt nền móng cho một thị trấn mới có tên Snailbrook trên diện tích hàng trăm ngàn m2 gần Austin - nơi nhân viên các công ty của ông, bao gồm Boring Co., Tesla và SpaceX, có thể sinh sống với mức giá thấp hơn thị trường trong tương lai.
Vì sao các tập đoàn ồ ạt tham gia thị trường bất động sản?
Theo tạp chí Business Insider, các công ty, tập đoàn cũng là những cỗ máy tạo ra lợi nhuận. thực dụng một cách tàn nhẫn và phải chịu ơn các cổ đông, những người luôn theo dõi chặt chẽ mọi hành động của họ.
Việc tham gia vào thị trường bất động sản vì thế không chỉ vì đời sống nhân viên, mà còn là mục tiêu kinh doanh họ đang hướng đến. Xen kẽ với việc phục vụ lợi ích cho công nhân, các khu nhà trên còn bán ra cho công chúng.
Margaret Crawford, giáo sư kiến trúc và chủ tịch chương trình thiết kế đô thị tại Đại học California Berkeley, nói: "Bỏ qua những lý tưởng tốt đẹp, các thị trấn công ty hiện đại cũng đưa ra những đề xuất kinh doanh đúng đắn. Các công ty này quan tâm đến hai điều: giữ chân lao động có tay nghề và quảng cáo rầm rộ giúp họ xây dựng hình ảnh".
Theo Gallup, việc xây dựng nhà ở gần trụ sở chính của các ông chủ đã đáp ứng được cả hai mục tiêu đó.
Trong một bài viết gần đây của Harvard Business Review, nhà kinh tế học Edward Glaeser và nhà tư vấn Atta Tarki lập luận rằng các công ty coi hỗ trợ nhà ở chỉ là một phần của gói phúc lợi rộng hơn, bên cạnh các nhà ăn tại chỗ hoặc phòng tập thể dục tại văn phòng, nhằm khuyến khích nhân viên ở lại và làm việc hiệu quả hơn.
Theo tờ The Economist, trong lịch sử nước Mỹ, có thời điểm 3% dân số Mỹ sống ở các thị trấn công ty.