Chuyên mục  


Donald Trump hồi cuối mùa hè triệu tập một nhóm thân tín tới văn phòng tại câu lạc bộ golf ở Bedminster, bang New Jersey để thảo luận về chính sách quản lý biên giới và thương mại cho nhiệm kỳ hai của mình nếu ông tái đắc cử năm 2024. Trong số này có những gương mặt quen thuộc như Robert Lighthizer và Russell Vought, hai kiến trúc sư trưởng cho những chính sách dân túy trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Cựu đại diện thương mại Lighthizer và cựu giám đốc ngân sách Nhà Trắng Vought nằm trong nhóm đồng minh trung thành giúp ông Trump phác thảo kế hoạch trị quốc trong nhiều lĩnh vực, đặt nền tảng cho chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai.

Trong nhóm này còn có cựu cố vấn cấp cao Stephen Miller, người đã thúc đẩy chính sách nhập cư khắc nghiệt thời Trump, cựu bộ trưởng phát triển nhà ở và đô thị Ben Carson, cựu giám đốc tình báo quốc gia John Ratcliffe. Họ là những cộng sự của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu và hiểu rõ tầm nhìn của cựu tổng thống về các chính sách kinh tế, đối ngoại.

Quan trọng hơn, họ là những người đã gắn bó với ông Trump sau thất bại trước Tổng thống Joe Biden năm 2020, trong khi nhiều quan chức nội các và trợ lý hàng đầu quay lưng với ông. Họ có khả năng đảm nhận các vai trò chủ chốt trong chính quyền nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Robert Lighthizer (giữa) phát biểu tại sự kiện ở Nhà Trắng hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters

Trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, nhiều phụ tá nảy sinh bất đồng về chính sách và mâu thuẫn cá nhân với ông, dẫn tới những cuộc tranh luận căng thẳng ở Phòng Bầu dục. Tuy nhiên, nhóm thân tín hiện tại của ông Trump đều có quan điểm thống nhất, đồng thuận.

Ông Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, đang giữ lợi thế trong kịch bản tái đấu với Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử năm 2024. Đây được coi là động lực để ông Trump vạch ra những chính sách nhiều tham vọng cho nhiệm kỳ tiếp theo của mình nếu thắng cử.

Nhiều ý tưởng về chính sách trị quốc nhiệm kỳ hai của ông Trump phản ánh quan điểm "Nước Mỹ trên hết" mà ông theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu. Giới quan sát cho rằng ông có thể tận dụng những kinh nghiệm đó để cập nhật và bổ sung cho chính sách mới.

Ý tưởng mở rộng lệnh cấm nhập cư từ nhiều nước Hồi giáo cũng được cân nhắc. Ông Trump gây tranh cãi khi cho rằng người nhập cư đang "đầu độc dòng máu" Mỹ và cam kết tiến hành đợt trục xuất lớn nhất từ trước đến nay đối với những người di cư bất hợp pháp vào nước này.

Ông cũng đề xuất triển khai quân đội tới các địa phương để giải quyết vấn nạn tội phạm và xây dựng các "thành phố tự do" trên đất liên bang.

Những người ủng hộ Trump nói rằng ông đang tìm cách khôi phục lại nước Mỹ trở lại vị thế trước cuộc bầu cử năm 2020, đồng thời giải quyết những công việc còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Ngoài những cộng sự trung thành trên, ông Trump cũng thường xuyên thảo luận ý tưởng chính sách với cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Kevin Hassett, cựu quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ Tom Homan, cựu cố vấn an ninh Keith Kellogg, cựu quyền bộ trưởng Bộ Tư pháp Matt Whitaker, chủ tịch Công đoàn Biên phòng Mỹ Brandon Judd.

Chiến dịch tranh cử của Trump từ chối bình luận về những người có thể phục vụ trong chính quyền mới nếu cựu tổng thống tái đắc cử. Họ cho biết trừ khi có thông báo trực tiếp từ ông Trump hoặc người được ủy quyền trong nhóm chiến dịch tranh cử, mọi thông tin về nhân sự hoặc chính sách "đều không phải chính thức".

Song bản thân ông Trump đôi khi đưa ra những ý tưởng chính sách trên mạng xã hội, khiến một số thành viên đảng Cộng hòa khó chịu. Ông gần đây cho biết đang xem xét các lựa chọn thay thế Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá phải chăng, chính sách đặc trưng thời cựu tổng thống Barack Obama, song không nói chi tiết.

Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller dưới thời tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters

Ông Trump cũng thảo luận với những người không thuộc chiến dịch vận động tranh cử, như cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, cố vấn kinh tế trong chiến dịch tranh cử năm 2016 Stephen Moore, các cựu quan chức cấp cao Nhà Trắng như Kellyanne Conway, Larry Kudlow và Steve Bannon.

Người chỉ đạo trực tiếp đội ngũ chính sách của ông Trump là Vince Haley, 57 tuổi, từng là người viết diễn văn trong nhiệm kỳ đầu của ông ở Nhà Trắng. Haley lạc quan rằng những điều họ đang làm sẽ "thiết lập nền tảng để sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2024, chúng tôi có thể nhanh chóng làm việc hiệu quả".

Những gì ông Trump và cộng sự đang làm tỏ ra hiệu quả. Kết quả thăm dò do Morning Consult và Bloomberg News công bố ngày 14/12 cho thấy Tổng thống Biden đang kém ông Trump trung bình 5,28 điểm phần trăm tại 7 bang chiến trường gồm Bắc Carolina, Georgia, Wisconsin, Nevada, Michigan, Arizona và Pennsylvania.

Khác với lần tranh cử năm 2016, ông Trump hiện có kinh nghiệm của một nhiệm kỳ tổng thống và sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ Cộng hòa trong quốc hội. Những đồng minh đó có thể góp phần thúc đẩy chương trình nghị sự tương lai của ông diễn ra suôn sẻ hơn.

Một trong số những người mà Trump thân thiết là thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance, người ủng hộ đảng Cộng hòa thúc đẩy chính sách kinh tế thu hút cử tri tầng lớp lao động. Vance gần đây cho biết thường xuyên nói chuyện với ông Trump, song không thảo luận về khả năng phục vụ trong chính quyền tương lai của cựu tổng thống.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng đã xây dựng quan hệ với nghị sĩ Gary Palmer của bang Alabama, chủ tịch Ủy ban Chính sách Cộng hòa. Họ đã cùng thảo luận về những vấn đề năng lượng.

Cam kết của ông Trump về đảo ngược chính sách xe điện đã được thúc đẩy một phần bởi cuộc trò chuyện giữa ông và nghị sĩ Lisa McClain của bang Michigan trong một chuyến bay hồi tháng 6. McClain nói với cựu tổng thống về việc công nhân ngành ôtô xăng lo mất việc làm nếu chuyển sang xe điện, khiến ông Trump hồi tháng 9 tổ chức một sự kiện gần Detroit, nơi đình công của Nghiệp đoàn công nhân ôtô Mỹ (UAW).

Các kế hoạch trị quốc nhiệm kỳ hai của ông Trump cũng bao gồm việc tăng cường chính sách bảo hộ thương mại Mỹ, đề xuất mức thuế quan cơ bản 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu.

"Phải quàng chiếc tròng vào cổ các công ty nước ngoài", ông nói với Fox Business. "Khi họ vào Mỹ và bán phá giá sản phẩm, họ phải nộp thuế. Có thể là mức 10%. Số tiền đó sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ".

Khi đương nhiệm, ông đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đe dọa trả đũa nhiều đối thủ thương mại, thậm chí là với những đồng minh như Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Giới quan sát tin ông có thể làm như vậy lần nữa nếu trở lại Nhà Trắng.

"Bạn sẽ thấy chính sách tập trung hơn vào Trung Quốc", Lighthizer nói. "Bạn cũng sẽ thấy chính sách hướng tới người lao động nhiều hơn, mang thêm việc làm cho nước Mỹ".

Lighthizer đánh giá cao cựu tổng thống với kế hoạch về nhiệm kỳ hai. Ông thêm rằng việc Trump chiến thắng giờ là "nhiệm vụ của người dân Mỹ".

Cố vấn kinh tế Kevin Hassett dưới thời cựu tổng thống Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters

Hassett nhớ lại "những cuộc tranh luận gay gắt ở Phòng Roosevelt" giữa ông và Lighthizer về các đòn thuế quan của ông Trump, trong đó cựu tổng thống đứng về phía đại diện thương mại Mỹ. Tuy nhiên, ông cho biết qua thời gian, hai bên đã hiểu nhau hơn.

Nhận xét về nhóm cộng sự mới của Trump, Hassett nói "đó là một cỗ máy hoạt động tốt hơn nhiều so với ban đầu".

Thanh Tâm (Theo WSJ, Reuters, Hill)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020