Dòng người Palestine tị nạn rời khu vực thành phố Gaza hoang tàn để trở về quê hương vào ngày 19-1 - Ảnh: AFP
Giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza khởi đầu đúng như kế hoạch và giới quan sát trông chờ Israel và Hamas có thể kiềm chế đủ sáu tuần như đã định để có thể bước sang giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, sự trì hoãn thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và các cuộc không kích khốc liệt đến phút cuối của Israel ở Gaza khiến nhiều người lo ngại. Thỏa thuận ba giai đoạn đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán mới để tiến triển và rất dễ bị tổn thương do thiếu sự tin tưởng giữa các bên.
Lệnh ngừng bắn tạm thời
Sáng 20-1, Israel đã trao trả khoảng 90 tù nhân Palestine sau khi nhận lại ba con tin từ phong trào Hồi giáo Hamas. Trong sáu tuần tới, Hamas sẽ thả tổng cộng 33 con tin Israel - gồm trẻ em, phụ nữ, nam giới trên 50 tuổi - và nhận lại khoảng 1.900 tù nhân từ Tel Aviv.
Đây là giai đoạn đầu trong thỏa thuận do Qatar, Mỹ và Ai Cập làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 15 tháng qua bằng một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Trong giai đoạn thứ hai, những con tin Israel còn sống còn lại sẽ được trở về nhà và một tỉ lệ tương ứng các tù nhân Palestine sẽ được thả, cùng với việc Tel Aviv sẽ rút hoàn toàn khỏi Gaza.
Các chi tiết cụ thể sẽ được đàm phán thêm, dự kiến bắt đầu sau 16 ngày kể từ giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm việc trao đổi thi thể của các con tin đã chết và các thành viên Hamas, và một kế hoạch để tái thiết cho Gaza. Tuy nhiên, việc quản lý dải đất này như thế nào sau chiến tranh vẫn còn mơ hồ.
Chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hàng trăm xe tải cứu trợ đã xếp hàng vào Gaza để tiếp tế cho 2,3 triệu cư dân tại đây, trong đó 90% đã phải di tản vì xung đột. "Điều bắt buộc là lệnh ngừng bắn này phải loại bỏ những trở ngại đáng kể về an ninh và chính trị đối với việc cung cấp viện trợ" - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.
Hàng ngàn người Palestine đã có thể trở về nhà dù phần lớn nhà cửa, trường học, bệnh viện... đã bị phá hủy. Không ai rõ tương lai của vùng đất này trong những tuần tới, chứ chưa nói đến việc xây dựng lại nơi này.
Vào đêm trước lệnh ngừng bắn, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã thề diệt Hamas, gọi đây chỉ là "lệnh ngừng bắn tạm thời" và nói Israel sẵn sàng quay trở lại cuộc chiến nếu cần thiết. Trong khi đó, cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cho biết việc tuân thủ lệnh ngừng bắn của họ sẽ "phụ thuộc vào cam kết của kẻ thù".
Thiếu niềm tin
Giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn bị trì hoãn ba giờ bởi việc máy bay chiến đấu và pháo binh của Israel tấn công Gaza làm chết 13 người, gồm một gia đình bị trúng tên lửa khi đang trở về nhà. Giới quan sát cho rằng đây là một tín hiệu đáng lo ngại.
Mặc dù mọi cuộc đàm phán chấm dứt xung đột đều dựa trên việc xây dựng lòng tin và rất dễ bị phá hỏng, nhưng thỏa thuận cho Gaza rõ ràng là căng thẳng hơn hầu hết các thỏa thuận khác.
Cấu trúc của nó, trong đó cần đàm phán liên tục để tiến qua từng giai đoạn, dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn về cuối. Trong khi đó, lòng tin ở cả hai bên đều không đáng kể. Thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin trước đó vào tháng 11-2023 chỉ kéo dài vỏn vẹn một tuần.
Hamas lo ngại rằng Israel sau khi nhận lại những con tin dễ bị tổn thương nhất sẽ tấn công trở lại, có thể là vào thời điểm của giai đoạn thứ hai. Điều này không hẳn vô căn cứ sau khi bộ trưởng tài chính cực hữu của Israel, ông Bezalel Smotrich, cuối tuần qua nói rằng Thủ tướng Israel Netanyahu đã đảm bảo cuộc chiến sẽ tiếp tục.
Nhiều người hoài nghi cam kết của nhà lãnh đạo Israel vì ông vốn đã nuốt lời nhiều lần trong suốt sự nghiệp của mình để theo đuổi những lợi ích chính trị.
"Trong khi ông Netanyahu chần chừ tiến tới giai đoạn hai, có hai yếu tố chính sẽ thúc đẩy chính quyền nước này thực hiện đầy đủ thỏa thuận: chính quyền Trump và dư luận Israel" - phóng viên quân sự Amos Harel của tờ Haaretz bình luận. Tuy nhiên, ông Marc Lynch, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Đông tại Đại học George Washington, nhận định ngược lại. "
Sẽ rất khó khăn. Thật không may, tôi cảm thấy rằng rất khó có khả năng chúng ta vượt qua giai đoạn một và hướng tới một nền hòa bình lâu dài. Có vô số cơ hội cho những kẻ phá đám ở cả hai bên, và vẫn còn những bất đồng nghiêm trọng về các chi tiết của các bước tiếp theo của thỏa thuận. Ở Israel, có nhiều người muốn thấy cuộc chiến này diễn ra vô thời hạn", ông Lynch nói trên tờ Foreign Affairs.
Chờ ông Trump
Giới phân tích cho rằng để thỏa thuận tồn tại cần có sự giám sát liên tục và trách nhiệm từ các bên đàm phán. Tuy nhiên chưa rõ tương lai của thỏa thuận khi ông Trump, người đã nhận công cho thỏa thuận ngừng bắn, trở lại Nhà Trắng.
"Quyết định hiện nằm trong tay ông Trump... Nếu tổng thống Mỹ quả quyết rằng cuộc chiến ở Gaza phải chấm dứt, ông Netanyahu sẽ khó có thể thách thức ông ấy", tờ Haaretz viết.
Theo Viện Washington, ông Trump có thể gây sức ép buộc Israel chấp nhận để chính quyền Palestine đóng vai trò trong một chính quyền chuyển tiếp tại Gaza với sự tham gia của một số nước châu Âu, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất... nhằm tiến tới khôi phục và tái thiết Gaza.