Nga hiện đang ưu tiên dùng đồng rúp trong các giao dịch thương mại trên toàn cầu (Ảnh minh họa: Reuters).
Phát biểu hồi tuần trước tại Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, một diễn đàn tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đến để thảo luận về tương lai của nước Nga và thế giới, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, giao dịch thương mại bằng tiền tệ quốc gia sẽ sớm chiếm ưu thế trên toàn cầu và vì vậy, việc từ bỏ đồng USD và đồng euro là quá trình "không thể đảo ngược ở Nga".
Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo, sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền giao dịch của thế giới đang bị đe dọa. Ông dự báo, các giao dịch bằng tiền tệ quốc gia sẽ có động lực và dần trở nên phổ biến trên toàn cầu.
"Đó là điều không thể tránh khỏi… Những giao dịch như vậy, tất nhiên, sẽ dần trở nên phổ biến. Đó là logic của chính sách kinh tế và tài chính có chủ quyền của một thế giới đa cực", Tổng thống Putin nói.
Ông Putin cũng lưu ý rằng, phương Tây đã làm tổn hại đến toàn bộ ý tưởng về hệ thống tiền tệ dự trữ. "Sử dụng đồng USD như một vũ khí, Mỹ và phương Tây nói chung đã làm mất uy tín của đồng tiền dự trữ tài chính quốc tế".
Tổng thống Putin cho biết, việc thu giữ tài sản của Nga đã khiến tất cả các quốc gia phải suy nghĩ về việc có nên giữ dự trữ bằng USD hay không. Theo ông, hệ thống tài chính quốc tế nên độc lập và phi chính trị hóa.
Ông Andrei Kostin, Giám đốc Ngân hàng VTB, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga, cũng cùng nhận định như vậy đồng thời nhấn mạnh việc Nga đã chuyển dần sang thanh toán bằng đồng ruble trong giao dịch ngoại thương.
"Việc loại bỏ đồng USD và đồng euro đã là một quá trình không thể đảo ngược đối với Nga. Theo xu hướng hiện tại, các đối tác thương mại nước ngoài chính của chúng tôi trong trung hạn sẽ là Trung Quốc, các nước Liên minh Kinh tế A - Âu (EAEU), Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Phi", ông nhấn mạnh khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Á - Âu ở Baku (Azerbaijan).
Theo người đứng đầu VTB, các quốc gia không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hình thành khoảng 45% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga vào năm 2021. "10 năm trước, tỷ trọng của họ là khoảng 30%, tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng lên khi quan hệ thương mại với Phương Tây tiếp tục phá vỡ…, ông Kostin nói.
Cũng theo ông Kostin, Nga cần thúc đẩy vấn đề thanh toán bằng nội tệ thông qua đối thoại với các đối tác ở mọi cấp. Lạm phát, lãi suất cao, chi phí trả nợ của các nước đang phát triển và giá năng lượng tăng, sản xuất giảm có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái.
Vì vậy, để giải quyết khó khăn kinh tế, các nước cần đối thoại và hợp tác với nhau.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga từ bỏ đồng USD?
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, từ chối thanh toán bằng USD là một nhiệm vụ khó và có thể gây hại đối với nền kinh tế Nga.
Nhà kinh tế học, Phó giáo sư Sergey Khestanov từ Học viện Hành chính Công và Kinh tế Quốc dân Nga (RANEPA) khẳng định, Nga đã bắt đầu tiến hành thanh toán bằng tiền tệ quốc gia, tuy nhiên quá trình này diễn ra chậm và có những hạn chế.
"Quá trình thay thế đồng USD và đồng euro đang diễn ra giữa Nga với các nước đối tác. Nga ngày càng bắt đầu sử dụng các công cụ thay thế cho đồng USD và đồng euro", chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá chậm. Điều này là do một phần quan trọng của các hợp đồng lớn, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, đều được ký kết bằng USD. Ngoài ra, một phần đáng kể trong các hợp đồng lớn của Nga đều có tính chất dài hạn - từ 10 năm trở lên.
Theo đó, có rất nhiều câu hỏi về việc làm thế nào để chuyển các hợp đồng như vậy từ đồng USD sang tiền tệ quốc gia.
Ví dụ, sự ổn định của đồng ruble và đồng nhân dân tệ thấp hơn đáng kể so với sự ổn định của đồng USD. Dự đoán đồng ruble hoặc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ như thế nào so với đồng USD trong 25 năm nữa là điều hoàn toàn không tưởng. Vì vậy, bây giờ rất khó để tính toán những kịch bản trong nhưng năm tới về số phận của những đồng tiền này.
Theo ông Khestanov, Nga sẽ chỉ tiến hành thanh toán bằng tiền tệ quốc gia với các đối tác theo hợp đồng một lần hoặc trong các giao dịch ngắn hạn.
Chuyên gia này nhắc lại rằng, USD không phải là tiền tệ mang tính toàn cầu đầu tiên trên thế giới.
Trước Thế chiến I, Anh có vị trí kinh tế hàng đầu trên thế giới và đồng bảng Anh trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu đầu tiên. Tuy nhiên, trong tương lai, USD được dự đoán sẽ trở thành đồng tiền quan trọng hơn cả và quá trình này mất khoảng 50 năm.
Để thay đổi hoàn toàn sự liên kết trên thị trường các đồng tiền lớn trên thế giới hiện nay, cũng sẽ mất một thời gian khá dài. Trong hoàn cảnh hiện tại, xu hướng này có thể diễn ra nhanh hơn nếu không có những hợp đồng dài hạn, những điều khoản mà người tiêu dùng không muốn thay đổi.
"Việc quá trình này kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào chính sách trừng phạt của các nước nhằm vào Nga Hiện họ đang đẩy nhanh đáng kể quá trình này", ông Khastanov nhấn mạnh.
Hầu hết các thị trường lớn đều thanh toán bằng USD. Nếu từ chối đồng USD, Nga sẽ phải rời khỏi các thị trường này hoặc giao dịch thông qua các trung gian. Việc chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia sẽ chỉ tạo thêm khó khăn.
Ví dụ, đối với thị trường dầu mỏ, USD là đồng tiền thuận tiện và quá quen cho các đối tác của Nga. Nếu Moscow chuyển qua thanh toán bằng rúp thì sẽ cần phải liên tục tính toán lại và điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho các bên đối tác.
Ngoài ra, có một số lượng lớn các sản phẩm chỉ được sản xuất tại Mỹ. Ví dụ, các công nghệ hiện đại, nhiều trong số đó không được sản xuất ở Trung Quốc. Có nghĩa là, Nga sẽ không thể tìm được các phương án thay thế để mua các thiết bị này bằng đồng nhân dân tệ.