Chuyên mục  


054ac0b1-c3c5-4a29-8ff7-4cb014b1d7bf-17350045616971930135478.jpg

Ảnh chụp tàu qua kênh đào Panama tháng 4-2023 - Ảnh: REUTERS

Là một trong những thành tựu kỹ thuật đáng tự hào và là tuyến đường huyết mạch của thương mại toàn cầu, kênh đào Panama một lần nữa trở thành trung tâm của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Panama.

Panama không nhân nhượng

Hôm 21-12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết mức phí của kênh đào Panama là "sự cướp bóc trắng trợn đối với nước Mỹ". Ông khẳng định: "Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý, của cử chỉ hào phóng này không được tuân thủ, chúng ta sẽ yêu cầu trả lại toàn bộ kênh đào Panama cho Mỹ và miễn thắc mắc".

Một ngày sau đó, Tổng thống Panama José Raúl Mulino khẳng định đanh thép: "Là tổng thống, tôi muốn bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực xung quanh đều thuộc về Panama, điều này sẽ luôn luôn như vậy. Chủ quyền và độc lập của đất nước chúng ta là thứ không thể thương lượng".

Ngoài ra, ông Mulino khẳng định kênh đào Panama không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của Trung Quốc, châu Âu, Mỹ hay bất cứ thế lực nào khác. Ông kịch liệt phản đối bất kỳ biểu hiện nào làm méo mó thực tế này vì "Panama tôn trọng các quốc gia khác và cũng yêu cầu được các nước khác tôn trọng", theo The Hill.

Có thể thấy ông Trump đã viện dẫn những lo ngại về mặt chi phí, quản lý và tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ nhằm đe dọa đòi Panama trả lại kênh đào này.

Cụ thể, Tổng thống đắc cử Mỹ còn cáo buộc quốc gia Trung Mỹ này thu phí quá cao đối với tàu thuyền đi qua kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Khoản phí này thay đổi tùy theo kích thước và mục đích của tàu thuyền, dao động từ thấp nhất 0,5 USD đến cao nhất 300.000 USD.

Phản bác lại lời phàn nàn của ông Trump về mức phí này, Tổng thống Mulino cho hay kênh đào Panama đã tiếp tục mở rộng và phát triển kể từ khi Panama tiếp quản khu vực này, cũng như các mức phí được đưa ra là hoàn toàn công bằng.

"Các mức phí không phải là ngẫu hứng. Chúng được ban hành công khai trong một phiên điều trần mở, sau khi cân nhắc đến các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và nhu cầu hiện đại hóa của tuyến đường xuyên đại dương", ông Mulino nói thêm.

Mỹ liên quan gì đến kênh đào Panama?

Theo chuyên gia cấp cao về thị trường vận tải hàng hóa Craig Fuller, kênh đào Panama đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, với 6% tổng thương mại hàng hải toàn cầu đi qua khu vực này.

Đáng chú ý, nước Mỹ cũng là quốc gia sử dụng kênh đào này nhiều nhất. Trong đó trung bình khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ đi qua kênh đào này mỗi năm, tương đương với khoảng 270 tỉ USD, theo CNBC.

base64-17350019883671396213290.jpeg

Nguồn: Panama Canal Authority - Dữ liệu: Khánh Quỳnh - Đồ họa: TUẤN ANH

"Mỹ là nguồn và điểm đến chính đối với các phương tiện lưu thông qua kênh đào của chúng tôi. Tất cả các loại hàng hóa và container liên quan đến Mỹ ước tính chiếm khoảng 73% lưu lượng giao thông tại đây", ông Ricaurte Vásquez Morales, quản lý kênh đào Panama, cho biết.

Hiện chưa rõ tại sao ông Trump lại đề cập đến kênh đào Panama những ngày gần đây. Tuy nhiên Panama luôn là đồng minh vững chắc của Mỹ kể từ khi Washington lật đổ chế độ Manuel Noriega vào năm 1989. 

Được biết, việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời Tổng thống Teddy Roosevelt. Tại thời điểm đó, đây được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos đã ký kết một hiệp ước chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào Panama từ Mỹ sang Panama. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 31-12-1999, chấm dứt gần một thế kỷ Mỹ quản lý kênh đào.

Sau đó, Chính phủ Panama đã thành lập cơ quan chuyên trách để vận hành kênh đào này và chi hơn 5 tỉ USD để mở rộng cửa cống - khu vực mới bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây là lý do giải thích tại sao Tổng thống Mulino đanh thép khẳng định mọi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực xung quanh đều thuộc chủ quyền Panama.

Chuyên gia phân tích cấp cao Greg Miller từ ấn phẩm hàng hải Lloyd's List nhận định lời đe dọa lấy lại kênh đào Panama của ông Trump khó có trở thành hiện thực. Ông Miller cho rằng Mỹ không có cơ sở pháp lý để lấy lại kênh đào, trừ khi xâm lược Panama. Đây là cách duy nhất, nhưng kịch bản này rất ít khả năng xảy ra.

Thế nhưng kênh đào Panama vẫn sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại Mỹ cũng như có thể gây ra những tranh chấp địa chính trị trong tương lai. Vấn đề này đòi hỏi nhà lãnh đạo Mỹ và Panama cần đạt được thế cân bằng giữa việc đảm bảo lợi ích của Mỹ nhưng vẫn tôn trọng chủ quyền của Panama. 

Đây không chỉ là câu chuyện giữa hai nước mà còn liên quan đến sự ổn định của tuyến thương mại toàn cầu và tình hình quan hệ quốc tế trong khu vực.

Mối lo ngại về Trung Quốc

Bên cạnh hiệp ước chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào từ Mỹ sang Panama vào năm 1977, lãnh đạo của hai nước còn ký kết một hiệp ước khác có tên "Hiệp ước trung lập" cùng năm, quy định kênh đào Panama sẽ duy trì trạng thái trung lập vĩnh viễn và đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đối với tất cả các nước.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng việc ông Trump lên tiếng về mức phí cao tại kênh đào Panama không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế Mỹ, mà còn phản ánh mối lo ngại về ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tăng cường các khoản đầu tư đáng kể vào kênh đào này, kể từ khi Panama công nhận quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 2017. Điều này có thể đặt ra mối hoài nghi về tính trung lập của kênh đào Panama, cũng như khiến Mỹ lo lắng về những rủi ro chiến lược.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020