Chuyên mục  


Tình hình Trung Đông nóng lên từ cuối năm 2023, khi căng thẳng âm ỉ ở Dải Gaza bùng phát thành chiến sự quy mô lớn giữa Israel với nhóm Hamas. Biến cố này được cho là đã kéo theo loạt khủng hoảng ở Trung Đông năm 2024, khiến xung đột ngày càng lan rộng, đẩy khu vực chìm trong chiến sự.

Khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) mở chiến dịch tấn công vào Gaza tháng 10/2023, Mohammed Shakib Hassan, công chức người Palestine ở miền bắc dải đất, đã nghĩ rằng chiến sự "cùng lắm chỉ kéo dài hai tháng" và sẽ khu vực sẽ đón năm 2024 trong hòa bình.

"Rồi chúng tôi lạc quan rằng nó sẽ kết thúc vào tháng Ramadan hồi tháng 3. Rồi lễ Eid vào tháng 4. Rồi Eid al-Adha vào tháng 6", ông Hassan nói, liệt kê ba sự kiện quan trọng của Hồi giáo vào nửa đầu năm nay. "Và rồi chớp mắt, 12 tháng đã trôi qua, chiến sự vẫn chưa dừng lại".

Người dân lục tìm thực phẩm còn sót lại trong khu lều cháy vì đòn không kích của Israel ở Rafah, Dải Gaza, ngày 27/5. Ảnh: Reuters

Israel đặt mục tiêu cho chiến dịch này là khôi phục an ninh và "xóa sổ Hamas", giải cứu các con tin bị nhóm vũ trang bắt trong cuộc đột kích ngày 7/10/2023. Để làm được điều đó, IDF đã oanh tạc dữ dội các mục tiêu Hamas, bao vây, chia cắt các thành phố lớn ở Gaza, phá hủy hầu hết nhà cửa, buộc khoảng 2 triệu người phải liên tục sơ tán bên trong dải đất.

"Cách Israel đáp trả sau sự kiện ngày 7/10/2023 mạnh mẽ hơn bất kỳ cuộc chiến nào trước đó", Robert Barron, nhà nghiên cứu chuyên về Israel, các vùng lãnh thổ Palestine, Ai Cập và Cận Đông tại Viện Hòa bình Mỹ (USIP), trụ sở Washington, nói.

Cơ quan y tế Gaza ngày 10/12 cho biết chiến dịch của quân đội Israel đã khiến hơn 44.700 người chết, gần 106.200 người bị thương, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em. Israel cũng đã tổn thất hơn 600 binh sĩ.

Cứ 10 người Gaza thì có 9 người mất nhà cửa, sống trong tình cảnh nguồn cung thực phẩm, y tế và các dịch vụ thiết yếu khác cực kỳ hạn chế. Dải đất hẹp ven Địa Trung Hải này lún sâu vào khủng hoảng nhân đạo. Hàng viện trợ vào Gaza nhiều lần bị cướp phá.

Vị trí một số quốc gia ở Trung Đông. Đồ họa: BBC

Chiến sự càng kéo dài, nhiều người dân Israel bắt đầu càng hoài nghi về khả năng đạt các mục tiêu đã đề ra. Israel đã hạ sát nhiều chỉ huy cấp cao của Hamas, thậm chí là thủ lĩnh Ismail Haniyeh và người kế nhiệm Yahya Sinwar, nhưng vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn nhóm vũ trang, trong khi vẫn còn khoảng 100 con tin đang bị giam giữ hoặc có thể đã chết ở dải đất.

Sự chia rẽ bắt đầu bộc lộ trong nội các thời chiến Israel về tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho Gaza. Bất đồng gia tăng được cho là dẫn đến việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu sa thải bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant đầu tháng 11. Israel cũng đối mặt sự chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế do gây thương vong lớn cho dân thường.

Nhiều quốc gia đã kiện Israel lên tòa quốc tế. Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hồi tháng 11 phát lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu, ông Gallant và chỉ huy cánh vũ trang của Hamas Mohammed Deif vì các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh gây ra ở Gaza.

Các bên trung gian như Qatar, Ai Cập cố gắng thiết lập một lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt chiến sự Gaza. Nhưng ngoài thỏa thuận tạm thời hồi tháng 11/2023 giúp trả tự do cho 109 con tin, Hamas và Israel vẫn chưa thể xóa bỏ khác biệt để đạt thêm một thỏa thuận nào khác.

Từ một xung đột cục bộ, chiến sự ở Gaza dần kéo theo các bên khác tham gia, đẩy Trung Đông vào một trong những thời khắc nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Israel - Arab năm 1967.

Nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen đều tuyên bố tập kích Israel cũng như mục tiêu có liên hệ với Israel hoặc Mỹ để thể hiện sự đoàn kết với Hamas. Hamas, Hezbollah và Houthi đều là thành viên trong "Trục Kháng chiến" được Iran hậu thuẫn nhằm đối phó sự ảnh hưởng của Israel và Mỹ ở Trung Đông.

Trong năm qua, Hezbollah thường xuyên phóng rocket vào miền bắc Israel, khiến hơn 60.000 người phải sơ tán. Trước sức ép từ Hezbollah, Israel đã quyết định mở thêm mặt trận ở phía bắc, nhắm vào nhóm vũ trang ở Lebanon.

Các đợt không kích, oanh tạc của IDF đã giáng đòn mạnh vào Hezbollah, hạ nhiều chỉ huy cấp cao và thủ lĩnh Hassan Nasrallah cuối tháng 9. Đầu tháng 10, Israel mở chiến dịch trên bộ vào miền nam Lebanon, tấn công các vị trí nghi của Hezbollah.

Theo Bộ Y tế Lebanon, các động thái quân sự của Israel vào nước này đã khiến gần 4.000 người chết, hơn một triệu người phải sơ tán.

Tình hình tại đây hạ nhiệt phần nào sau khi Israel và Hezbollah đạt thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày, hiệu lực từ ngày 27/11, do Mỹ và Pháp làm trung gian. Tuy nhiên, thỏa thuận này có nguy cơ sụp đổ, do Israel và Hezbollah đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn và đã có động thái đáp trả.

Trong khi đó, Mỹ lập liên quân, bắt đầu tấn công các vị trí của Houthi ở Yemen hồi tháng 1 để đáp trả nhóm vũ trang tăng cường tập kích tàu hàng nghi có liên hệ với phương Tây hoặc Israel qua Biển Đỏ, ảnh hưởng hoạt động vận tải biển toàn cầu.

Tuy nhiên, các đòn tập kích của Mỹ vào Yemen vẫn chưa thể ngăn Houthi tiếp tục các cuộc tấn công tàu hàng, tàu chiến trên Biển Đỏ.

Tòa nhà ở khu Shiyah, ngoại ô phía nam thủ đô Beirut, Lebanon trúng đòn không kích từ Israel ngày 22/11. Ảnh: AFP

Theo viện chính sách Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế, một trong những nguyên nhân sâu xa của căng thẳng ở Trung Đông là chính sách của Israel trong tranh chấp với Palestine, cùng mối thâm thù kéo dài hàng chục năm giữa Israel và Iran.

Israel bác bỏ quyền tự quyết của người dân Palestine, không tạo điều kiện để Nhà nước Palestine thành lập theo Hiệp ước hòa bình Oslo những năm 1990, dựa trên biên giới thiết lập năm 1967. Quân đội Israel còn có giai đoạn chiếm đóng Gaza và mở rộng các khu định cư sang Bờ Tây.

Iran và Israel từng có quan hệ gần gũi, nhưng trở nên thù địch từ sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, khi Tehran quay sang ủng hộ các nước Arab. Trong thập niên 1980, Iran xây dựng mạng lưới "Trục Kháng chiến" gồm nhiều nhóm vũ trang ở Syria, Iraq, Lebanon, Yemen, trong đó nổi bật là Hezbollah và Houthi.

7 mặt trận mà Israel đang đối phó trong cuộc đối đầu với Iran. Đồ họa: Sun

Tháng 4, cuộc chiến ngầm giữa Israel và Iran chuyển thành đối đầu trực tiếp. Sau khi cáo buộc Israel phóng tên lửa vào tòa lãnh sự Iran ở Damascus, Syria, Tehran đã phóng hơn 300 drone và tên lửa nhắm vào lãnh thổ đối thủ trả đũa. Hầu hết đều bị quân đội Israel phối hợp cùng các đồng minh Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đánh chặn.

Israel sau đó tuyên bố sẽ đáp trả vào các mục tiêu ở Iran, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột nếu họ tính toán sai lầm. Tuy nhiên, Israel đã "giơ cao đánh khẽ", khi chỉ tập kích hạn chế vào tỉnh Isfahan, miền trung Iran, và Tehran tuyên bố không trả đũa, phần nào giúp "rút củi đáy nồi" tình hình.

Nhưng tình hình nóng lên khi hai bên một lần nữa tấn công trực tiếp lẫn nhau hồi tháng 10. Sau khi Israel liên tiếp hạ sát các chỉ huy cấp cao, thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah trong tháng 7 và tháng 9, Iran đêm 1/10 phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo nhằm vào ba căn cứ quân sự Israel để trả thù.

Tình hình lần này căng thẳng đáng kể, bởi Israel dường như muốn đáp trả bằng cách nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran, trong khi Tehran dọa sẽ đáp trả nếu "lợi ích cốt lõi" bị đe dọa. Mỹ đã tiến hành chiến dịch ngoại giao con thoi để thuyết phục đồng minh Israel không tiến hành các động thái leo thang quá mức.

Ngày 26/10, Israel mở chiến dịch hiệp đồng tác chiến dài 4 giờ, ném bom, phóng hàng loạt tên lửa vào cơ sở quân sự, nhà máy chế tạo tên lửa Iran, nhưng không tập kích trực diện vào cơ sở hạt nhân của nước này.

israel-tap-kich-dap-tra-iran-1729915287.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ko-EGPzWzRtXE7B0-8hW1Q
Israel tập kích đáp trả Iran

Đạn phòng không Iran đánh chặn mục tiêu gần Tehran sáng 26/10. Video: Press TV

Iran tuyên bố sẽ trả đũa, nhưng đến nay vẫn kiềm chế trong hành động. Khi xung đột Iran - Israel tạm lắng xuống, một vấn đề bất ổn khác đột nhiên bùng nổ ở khu vực.

"Lò lửa" Trung Đông lại được "tiếp dầu" khi lực lượng đối lập ở Syria trỗi dậy cuối tháng 11. Lực lượng này nhanh chóng kiểm soát các thành phố chiến lược Aleppo, Hama rồi tiến về Damascus và lật đổ chính quyền ông Bashar al-Assad.

Chính phủ Syria sụp đổ tạo ra khoảng trống quyền lực ở quốc gia có vị trí chiến lược tại Trung Đông. Diễn biến bất ngờ này khiến các cường quốc trong khu vực phải gấp rút đánh giá hậu quả và những tác động lớn hơn của nó.

Giới chuyên gia nhận định thay đổi ở Syria chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc tới Trung Đông cũng như cán cân quyền lực khu vực. Nó phần lớn phụ thuộc vào việc quá trình chuyển đổi sang chính quyền mới do các nhóm nổi dậy lãnh đạo sẽ diễn ra thế nào.

Theo viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Mỹ, một số nhà phân tích lo ngại chiến sự ở Trung Đông không sớm thì muộn cũng sẽ lan rộng. Số khác tin rằng những nỗ lực ngoại giao, sức ép về chính trị và kinh tế có thể đủ mạnh để "dập lửa", ngăn thảm kịch như vậy xảy ra.

Cũng có nhận định cho rằng "chảo lửa" Trung Đông không tắt hoàn toàn mà sẽ tiếp tục cháy âm ỉ, nhưng không bùng lên, do không có giải pháp rõ ràng cho những xung đột, mâu thuẫn chồng chéo, phức tạp tại đây.

"Sau một năm giao tranh và đổ máu kinh hoàng, khu vực đang ở ngã ba đường đầy u ám", Tor Wennesland, điều phối viên Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, nói. "Chúng ta đang sống trong ác mộng, với những tổn thương và đau khổ không thể đong đếm được".

Như Tâm (Theo Economist, Reuters, WSJ)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020