Trong nhiều thập kỷ qua, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép ngày càng trở nên phổ biến. Hành vi này không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, môi trường sinh thái mà còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, việc bảo vệ những tài nguyên này là vô cùng cần thiết. Trung Quốc là một trong những quốc gia đã đề ra nhiều phương án nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản. Dẫu vậy, dưới sự quản lý gắt gao của các đơn vị có liên quan, nhiều cá nhân và tổ chức vẫn bất chấp thực hiện những hành vi khai thác bất hợp pháp. Trường hợp dưới đây là một ví dụ:
Theo Paper, tháng 8/2013, Giám đốc Lưu ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, đã khoan một cái giếng trên khu đất của công ty để khai thác nước địa nhiệt - một loại nước nóng dưới lòng đất có giá trị kinh tế cao, được hình thành do sự nung nóng tự nhiên theo độ sâu của bề mặt lòng đất, và bán ra bên ngoài. Sự việc này mãi đến năm 2018 mới bị phát giác. Ngay sau đó, cảnh sát đã vào cuộc để điều tra vụ việc.
Ảnh minh họa: Internet
Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, hành vi khoan giếng của anh Lưu là hành vi vi phạm pháp luật Trung Quốc khi người đàn ông này tự ý khai thác tài nguyên mà chưa được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền. Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Giám sát và Kiểm tra Tài nguyên Khoáng sản Thiên Tân, nhiệt độ nước trong giếng mà anh Lưu khoan là 44 độ, đáp ứng tiêu chuẩn năng lượng địa nhiệt theo "Quy định quản lý năng lượng địa nhiệt Thiên Tân".
Tính đến tháng 3 năm 2018, vị giám đốc này đã kiếm được tổng cộng hơn 560.000 NDT (hơn 1,9 tỷ đồng) tiền lãi từ việc khai thác này. Vào ngày 20/12/2018, bị cáo Lưu cuối cùng cũng đã bị cơ quan công an bắt giữ và đưa ra xét xử.
Tòa án cho rằng bị cáo Lưu đã vi phạm các quy định của Luật Tài nguyên khoáng sản khi khai thác mà không có giấy phép khai thác, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của vị giám đốc này được cấu thành tội khai thác trái phép và cần xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 343 Bộ luật Hình sự Trung Quốc: Cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của Luật Tài nguyên khoáng sản, khai thác mà không có giấy phép; vào khu vực khai thác do nhà nước quy hoạch, khu vực khai thác có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân, khu vực khai thác của người khác để khai thác mà không có phép; khai thác trái phép các loại khoáng sản cụ thể mà nhà nước quy định; khi có lệnh ngừng khai thác nhưng không chấp hành, gây thiệt hại cho tài nguyên khoáng sản thì bị phạt tù có thời hạn đến 3 năm, giam giữ hình sự hoặc giám sát công khai hoặc phạt tiền. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên khoáng sản thì bị phạt tù có thời hạn từ 3-7 năm tù và phạt tiền.
Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của Luật Tài nguyên khoáng sản Trung Quốc, sử dụng các biện pháp khai thác hủy diệt để khai thác tài nguyên khoáng sản gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên khoáng sản, thì bị phạt tù có thời hạn đến 5 năm hoặc bị giam giữ hình sự, đồng thời bị phạt tiền.
Trong quá trình điều tra, xét thấy bị cáo Lưu đã tự nguyện nhận tội. Dựa vào Điều 343 ,Đoạn 1, Điều 67, Đoạn 3 và Điều 64 Bộ luật Hình sự Trung Quốc, cơ quan công tố đề nghị mức án từ 3 năm tù giam và mức phạt tiền 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng). Thời hạn phạt tù được tính từ ngày thi hành bản án này. Số tiền phạt nêu trên phải được nộp cho Tòa án Trung Quốc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực thi hành.
Theo cơ quan chức năng Trung Quốc, những trường hợp khai thác khoáng sản vì lợi ích cá nhân hay vi phạm quy định của pháp luật cần phải được xử phạt nghiêm minh, tránh những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai. Vụ việc trên cũng là bài học cho nhiều người. Hơn hết, ai trong chúng ta cũng nên nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng để tránh những sai phạm không đáng có hay bị lợi dụng mà không biết.
Ánh Lê (Theo Paper)