Chuyên mục  


do-hoa-173586516998183881895.jpg

Hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine tới châu Âu đã dừng hoàn toàn vào lúc 8h sáng 1-1-2025 (giờ Matxcơva), sau khi hợp đồng trung chuyển hết hạn và Nga - Ukraine không đạt được thỏa thuận gia hạn. Chuyện gì tiếp theo?

Thiệt cho Nga, rủi ro cho Ukraine

Ông Henning Gloystein - trưởng bộ phận năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group - bình luận sự sụp đổ của thỏa thuận này "không có gì bất ngờ", nhưng dự đoán giá khí đốt giao ngay sẽ tăng vọt khi thị trường mở cửa lại sau diễn biến trên.

Trước khi hợp đồng trung chuyển hết hạn, khí đốt của Nga được vận chuyển qua đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod (UPU) có từ thời Liên Xô. Khí đốt được đưa từ vùng Siberia của Nga, qua thị trấn Sudzha (vùng Kursk), rồi trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine để vào Slovakia. Tại đây, đường ống tiếp tục chia thành các nhánh cung cấp cho các nước như Czech và Áo.

Báo New York Times nhận định mặc dù đã được dự đoán từ lâu nhưng việc dòng chảy khí đốt từ Nga qua Ukraine bị khóa van có thể sẽ ảnh hưởng đến ngành năng lượng châu Âu và túi tiền của Nga chi cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Diễn biến này đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thống trị nguồn cung lâu dài của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu.

Ukraine và các đồng minh phương Tây của Kiev đang muốn làm suy yếu khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga và hạn chế Matxcơva dùng năng lượng để gây ảnh hưởng tại "lục địa già". Các nhà phân tích chỉ ra với việc đóng đường ống này, Nga có thể bị mất doanh thu từ bán khí đốt khoảng 6,5 tỉ USD một năm.

Tuy nhiên diễn biến này cũng mang tới một số rủi ro khác cho Ukraine, bên cạnh việc mất đi khoản thu khoảng 800 triệu USD mỗi năm từ phí trung chuyển. Các nhà phân tích quân sự dự đoán giờ đây Nga có thể đi đến quyết định ném bom vào mạng lưới đường ống của Ukraine (nhìn chung đã tránh được các cuộc tấn công thời gian qua) khi Matxcơva không còn động lực để né chúng.

UPU là đường ống khí đốt lớn cuối cùng của Nga dẫn tới châu Âu sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream dẫn tới Đức năm 2022 và vụ đóng đường ống dẫn qua Belarus tới Ba Lan. Hiện Nga còn sử dụng đường ống TurkStream ở đáy Biển Đen để xuất khẩu khí đốt. 

Đường ống có hai tuyến, một tuyến cung cấp cho thị trường nội địa ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi tuyến còn lại cung cấp cho các khách hàng Trung Âu bao gồm Hungary và Serbia. Tuy nhiên, TurkStream có công suất hằng năm hạn chế, chỉ đạt 31,5 tỉ mét khối (cả hai tuyến cộng lại).

Châu Âu đã chuẩn bị

Mặc dù châu Âu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng có những nước như Áo, Hungary và Slovakia vẫn tiếp tục mua lượng lớn năng lượng từ Nga sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Áo nhập phần lớn khí đốt từ Nga thông qua Ukraine, trong khi Slovakia nhận khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua tuyến đường trung chuyển này, đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu của họ.

Hôm 1-1, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói: "Sự gián đoạn trong vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ tác động mạnh đến tất cả chúng ta ở EU, không chỉ riêng Liên bang Nga". Ông Fico từng dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện để trả đũa Ukraine nếu nước này không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt.

Một số nước châu Âu khác bên ngoài EU cũng là khách hàng mua khí đốt Nga, bao gồm Serbia và các quốc gia vùng Balkan. Moldova - giáp Ukraine - có lẽ là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hồi tháng 12-2024, nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi lo ngại việc chấm dứt dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine có thể đe dọa nguồn điện chính của họ.

Nga chuyển khoảng 2 tỉ mét khối khí đốt qua Ukraine đến vùng ly khai Transnistria (thân Nga) của Moldova hằng năm kể từ 2022. Transnistria - có dân số khoảng 450.000 người, giáp biên giới với Ukraine - sau đó sẽ bán điện (được tạo ra bằng khí đốt của Nga) cho các khu vực do chính phủ kiểm soát của Moldova.

Đã có những dấu hiệu căng thẳng trong khu vực. Hôm 1-1, Reuters cho biết vùng Transnistria đã cắt nguồn cung nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình sau khi thỏa thuận trung chuyển trên hết hạn.

Trong bối cảnh đó, một số nước châu Âu đang tìm đến nguồn cung thay thế. Trong thông báo hôm 1-1, Chính phủ Áo cho biết họ đã tìm được các nhà cung cấp bên ngoài Nga. Tháng trước, Công ty năng lượng OMV của Áo thông báo đã chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Gazprom của Nga.

Bình luận trên Đài CNN, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói EU đã làm việc với các quốc gia trong hơn 1 năm qua để chuẩn bị cho vấn đề này. Vị này nói: "Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu hiện đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho Trung và Đông Âu thông qua các tuyến đường thay thế".

Từ 40% xuống 8%

Thời gian qua châu Âu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, cùng với nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Na Uy.

Năm 2021, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu được tiêu thụ tại EU, nhưng tỉ lệ này đã giảm mạnh kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. Theo khối này, khí đốt của Nga chiếm khoảng 8% lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2023.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020