Chuyên mục  


san-xuat-boeing-read-only-1736004186843174669236.jpg

Một chiếc máy bay Boeing 737 MAX - Ảnh: AFP

Những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2024, hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) đã và đang phải đối mặt với nhiều biến cố, hứng chịu nhiều chỉ trích trước hàng loạt sự cố liên quan đến chất lượng và độ an toàn của các máy bay do hãng này sản xuất, làm dấy lên câu hỏi về chất lượng của các máy bay Boeing.

Tiến hành thay đổi lớn

Bên cạnh đó hàng loạt cáo buộc về việc Boeing chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ mặc an toàn và chất lượng máy bay lần lượt được nêu ra.

Boeing cho biết đang nỗ lực làm việc trong một số lĩnh vực để cải thiện vấn đề an toàn của các sản phẩm máy bay do chính họ sản xuất, đồng thời chuyển đổi văn hóa làm việc của công ty để tiếp thu các phản hồi từ những công nhân sản xuất.

Boeing đã tăng cường bảo mật danh tính cho những người lao động phát hiện vấn đề bất thường, đầu tư nhiều hơn vào đào tạo lực lượng lao động, kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng của sản phẩm ngay trên dây chuyền sản xuất và cải biên tài liệu đào tạo công nhân viên làm việc trong các dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra Boeing đã tiến hành đào tạo bắt buộc về vấn đề an toàn và chất lượng trong sản xuất máy bay cho tất cả công nhân viên. Song song đó, họ cũng tuyển dụng thêm hơn 2.500 công nhân vào làm việc tại các trung tâm đào tạo thực hành sản xuất máy bay của mình.

Theo báo USA Today, những thay đổi này đã hiện thực hóa một số lời hứa của Boeing về việc cải thiện mức độ an toàn của sản phẩm mà họ từng nêu hồi tháng 6-2024. Vị lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) Mike Whitaker cho biết cơ quan của ông cam kết tăng cường giám sát các hoạt động sản xuất của Boeing để đảm bảo hãng máy bay này tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm đầu ra.

Trong một bài đăng trên nền tảng Medium hôm 3-1, ông Whitaker cho biết FAA đang tích cực theo dõi kết quả của kế hoạch cải thiện an toàn và chất lượng sản phẩm của Boeing, cũng như theo dõi chặt chẽ các hoạt động sản xuất tại những cơ sở chính của hãng này.

"Tuy nhiên đây không phải là dự án cho một năm. Điều cần thiết là phải thay đổi văn hóa làm việc cơ bản tại Boeing, từ đó hướng đến mục tiêu đặt sự an toàn và chất lượng máy bay lên trên lợi nhuận. Điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và cam kết vững chắc từ phía Boeing cũng như sự giám sát chặt chẽ từ phía chúng tôi", ông Whitaker nhận định.

Có xoay chuyển được tình thế?

Trả lời báo Seattle Times, một số chuyên gia theo dõi các vấn đề của Boeing nhận định công ty này có thể phải mất hơn một năm để có thể khôi phục danh tiếng cũng như xây dựng lại lòng tin của công chúng.

"Việc khôi phục và đưa một thương hiệu quay trở lại với công chúng khó hơn nhiều so với việc "hạ bệ" một thương hiệu. Trong nhiều năm liền, Boeing nổi tiếng bởi họ luôn chú trọng đến từng chi tiết nhỏ. Thế nhưng, đó cũng là nơi họ đánh mất phương hướng", giáo sư chuyên ngành kinh doanh tại Đại học Seattle Mathew Isaac nói về hãng sản xuất máy bay Mỹ.

Kể từ sự cố chiếc Boeing 737 MAX "đánh rơi" cửa thoát hiểm ở độ cao gần 5.000m, hãng sản xuất máy bay này đã sa thải nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó bao gồm người đứng đầu chương trình sản xuất dòng máy bay 737 MAX Ed Clark, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing Commercial Airplanes Stan Deal, Giám đốc mảng hàng không vũ trụ và quốc phòng của Boeing Ted Colbert và Phó chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng Elizabeth Lund.

Một số nhà lãnh đạo hàng đầu của Boeing cũng lần lượt thông báo từ chức gồm CEO Dave Calhoun, Chủ tịch hội đồng quản trị Larry Kellner.

Đến tháng 8-2024, cựu chủ tịch kiêm CEO tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử hàng không Rockwell Collins Kelly Ortberg đã tiếp quản vị trí CEO của Boeing. Nhiều nhà quan sát chuyên theo dõi ngành công nghiệp hàng không nhận định việc Boeing bổ nhiệm một cựu kỹ sư điện tử hàng không vào vị trí hàng đầu của hãng cho thấy Boeing đang cố gắng tập trung vào sản xuất máy bay.

Giáo sư Isaac hy vọng tinh thần năng nổ, "sẵn sàng xắn tay áo lao vào làm việc" của CEO Ortberg cũng như việc ông mạnh dạn thừa nhận những thiếu sót của hãng sẽ giúp Boeing làm việc hiệu quả hơn.

Theo ông Isaac, bước đầu để một thương hiệu khôi phục danh tiếng là thương hiệu đó phải cam kết sẽ trung thực và thẳng thắn giải thích những vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai.

Kiên cường sản xuất máy bay

Theo Hãng tin Reuters, hành trình tìm lại những gì đã mất của Boeing sẽ gặp không ít thách thức khi hàng loạt công nhân của hãng đình công khiến các hoạt động sản xuất bị đình trệ hơn 12 tuần. Hơn nữa, các cơ quan quản lý của Mỹ đã giới hạn số lượng máy bay mà hãng sản xuất ở mức 38 chiếc một tháng nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng sau sự cố với chiếc 737 MAX hồi đầu năm 2024.

Tuy nhiên tạp chí Forbes nhận xét Boeing vẫn đang kiên cường trong việc sản xuất máy bay. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group dự đoán Boeing sẽ bàn giao trung bình 29 chiếc 737 MAX mỗi tháng cho các hãng hàng không trong năm 2025.

Theo chuyên trang về hàng không AirlineGreeks, 737 không phải là dòng máy bay duy nhất mà Boeing đặt mục tiêu sản xuất cao trong năm 2025. Vào tháng 12-2024, Boeing đã công bố khoản đầu tư 1 tỉ USD vào các cơ sở sản xuất máy bay ở South Carolina để thúc đẩy sản xuất các máy bay dòng 787 Dreamliner và họ cũng công bố kế hoạch sản xuất trung bình 10 chiếc 787 mỗi tháng vào năm 2026.

Boeing còn xác nhận quá trình sản xuất các máy bay thuộc hai dòng 767 và 777 đã quay trở lại bình thường sau thời gian gián đoạn vì các cuộc đình công.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020