Hy vọng về giải pháp ngoại giao cho xung đột Israel - Hezbollah dường như đang phai nhạt nhanh chóng khi Tel Aviv tuần này báo hiệu mong muốn thay đổi hiện trạng khu vực biên giới phía bắc đất nước.
Kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023, khu vực biên giới Israel - Lebanon cũng tăng nhiệt vì Hezbollah muốn thể hiện đoàn kết với người Palestine. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán ở cả hai bên biên giới, khi Hezbollah và Israel đáp trả qua lại.
Dù giao tranh diễn ra hàng ngày, lãnh đạo hai bên đã cẩn trọng để tránh bùng phát xung đột toàn diện. Tuy nhiên, điều đó dường như đang thay đổi, đặc biệt sau khi Hezbollah hứng chịu loạt vụ nổ thiết bị liên lạc gây thương vong lớn ở Lebanon đầu tuần này. Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công, song Tel Aviv không phủ nhận hay thừa nhận.
Nội các an ninh Israel ngày 17/9 tuyên bố "mục tiêu chính thức" của họ là ngăn chặn các cuộc tấn công của Hezbollah vào miền bắc đất nước và đưa 70.000 dân đã phải sơ tán khỏi khu vực này trở về nhà.
"Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả phương tiện cần thiết để khôi phục an ninh cho khu vực biên giới phía bắc", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp báo ở Jerusalem ngày 4/9. Ảnh: AFP
Israel đã tăng cường lực lượng đến biên giới phía bắc trong những ngày gần đây, trong đó có sư đoàn 98 từng đóng vai trò dẫn đầu hoạt động của quân đội Israel ở thành phố Khan Younis, Gaza.
Quân đội Israel cho biết đã tổ chức loạt cuộc diễn tập dọc biên giới tuần này. "Nhiệm vụ rất rõ ràng. Chúng tôi quyết tâm thay đổi hiện trạng an ninh càng sớm càng tốt", thiếu tướng Ori Gordin, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Bắc của Israel, nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 18/9 tuyên bố bắt đầu "giai đoạn mới" của cuộc chiến khi Israel chuyển trọng tâm sang Hezbollah. "Trọng tâm đang dịch chuyển về phía bắc bằng cách chuyển hướng nguồn lực và nhân sự", ông nói.
Ngày 20/9, Israel tập kích vào thành trì Hezbollah ở ngoại ô Beirut, hạ sát Ibrahim Aqil, chỉ huy đơn vị Radwan và các thành viên cấp cao khác của nhóm. Radwan là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Hezbollah, được thành lập năm 2006, đóng vai trò mũi nhọn trong những chiến dịch của nhóm trong và ngoài lãnh thổ Lebanon.
Israel nói rằng Aqil và những người người bị hạ sát nói trên "đang lên kế hoạch" tấn công miền bắc Israel, trong đó họ "dự định thâm nhập các cộng đồng Israel và hạ sát dân thường vô tội".
Vị trí Israel, Lebanon và sông Litani ở miền nam Lebanon. Đồ họa: RANE
Một số quan chức trong chính phủ Israel đã kêu gọi thực hiện biện pháp để lực lượng Hezbollah lùi xa khỏi khu vực biên giới, rút quân tới bên kia bờ sông Litani ở miền nam Lebanon. Tuy nhiên, chiến lược hiện tại của Israel vẫn chưa rõ ràng.
Mỹ, đồng minh của Israel, ủng hộ một giải pháp ngoại giao. Calev Ben-Dor, cựu chuyên gia phân tích Bộ Ngoại giao Israel, kêu gọi Liên Hợp Quốc ra nghị quyết thúc giục Hezbollah rút quân đến bờ bên kia sông Litani.
Kobi Michael, nhà phân tích của Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Israel, cho rằng nếu không có giải pháp ngoại giao, Israel có thể "thực hiện chiến dịch trên bộ ở miền nam Lebanon". Israel từng duy trì kiểm soát khu vực miền nam Lebanon trong 18 năm cho đến năm 2000.
Khói lửa bốc lên ở làng Mahmoudiyeh, miền nam Lebanon, sau cuộc không kích của Israel ngày 19/9. Ảnh: AFP
Ben-Dor chỉ ra rằng mục tiêu đẩy lùi Hezbollah khỏi khu vực biên giới nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng Israel. Một cuộc khảo sát của INSS, được thực hiện hồi tháng 8, cho thấy 44% người Israel ủng hộ chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Lebanon. 23% muốn hành động quân sự hạn chế và 21% muốn tránh leo thang.
Song Ben-Dor cũng chỉ ra chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đang bị suy giảm niềm tin trong công chúng, bất kỳ quyết định quyết liệt nào của ông cũng có thể vấp phải phản ứng gay gắt.
Giới quan sát bày tỏ lo ngại kịch bản xung đột diện rộng giữa Hezbollah và Israel sẽ tàn phá nghiêm trọng cả hai bên.
Israel từng gây tổn thất nặng cho Lebanon trong cuộc chiến chống Hezbollah kéo dài một tháng năm 2006, trước khi kết thúc xung đột trong bế tắc. Các lãnh đạo Israel lần này đe dọa có hành động cứng rắn hơn, khiến Lebanon "chịu cảnh đổ nát như Gaza".
Ở chiều ngược lại, Hezbollah đã củng cố sức mạnh của nhóm kể từ năm 2006. Nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn hiện có khoảng 150.000 rocket và tên lửa, một số trong đó có hệ thống dẫn đường có thể đe dọa các mục tiêu quan trọng của Israel. Hezbollah cũng xây dựng phi đội máy bay không người lái ngày càng hiện đại.
"Dân thường ở cả Lebanon và Israel sẽ phải gánh chịu hậu quả tồi tệ nhất vì bước leo thang này", Thanassis Cambanis, giám đốc nhóm nghiên cứu chính sách toàn cầu Century International, trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh.
Thùy Lâm (Theo AFP, AP, Washington Post)