Chuyên mục  


hang-hang-khong-jeju-air-17356296244512041479138.jpg

Một chiếc máy bay do Hãng hàng không Jeju Air khai thác - Ảnh: JOONGANG ILBO

Sau thảm kịch hàng không khiến 179 người trên tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng, dư luận Hàn Quốc dần chú ý đến các số liệu liên quan đến Hãng hàng không Jeju Air và đặt ra câu hỏi liệu hãng có đang bị lợi nhuận làm mờ mắt hay không.

Những con số kỷ lục của Jeju Air

Hãng thông tấn Yonhap dẫn số liệu thống kê trực tuyến của Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính (FSS) cho biết thời gian bay trung bình hằng tháng của hãng hàng không giá rẻ Jeju Air trong quý 3-2024 lên đến 418 giờ, cao nhất trong số sáu hãng hàng không nội địa tại Hàn Quốc.

Với 418 giờ bay, tổng số giờ bay hằng tháng của Jeju Air cao hơn hẳn so với các hãng hàng không giá rẻ khác như Jin Air (371 giờ bay), T’way Air (386 giờ bay) hay Air Busan (340 giờ bay).

Thậm chí con số này còn cao hơn nhiều so với những hãng hàng không hàng đầu Hàn Quốc như Korean Air với 355 giờ bay, Asiana Airlines với 335 giờ bay.

Nhiều người chỉ ra rằng số giờ bay khủng của Jeju Air đã cho thấy hãng cố tình tăng tần suất hoạt động lên cao nhất có thể để tối đa hóa lợi nhuận thu về cho hãng.

Riêng máy bay xấu số gặp nạn vừa qua của hãng đã bay 13 chuyến trong vòng 48 giờ liên tục, đi qua nhiều sân bay quốc tế như Muan, Jeju, Incheon và đi qua các thành phố Bangkok (Thái Lan), Nagasaki (Nhật Bản).

“Số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ hoạt động của các máy bay do Hãng Jeju Air khai thác là rất cao. Chúng tôi dự định thực hiện các cuộc điều tra chuyên sâu về an toàn hàng không đối với hãng”, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết trong một cuộc họp ngắn hôm 30-12.

Không chỉ có thời gian bay cao nhất Hàn Quốc, Jeju Air cũng là hãng hàng không có tuổi thọ trung bình của máy bay do hãng khai thác cao nhất trong số tám hãng hàng không được khai thác nhiều của Hàn Quốc.

Cụ thể, theo Hệ thống thông tin du lịch hàng không (ATIS), độ tuổi trung bình của một chiếc máy bay do Jeju Air khai thác lên đến 14,4 năm tuổi, trong khi Korean Air là 11,4 năm tuổi và Asiana Airlines là 12,3 năm tuổi.

Độ tuổi trung bình của các máy bay thuộc Jeju Air vẫn cao hơn so với máy bay của các hãng hàng không thuộc cùng nhóm giá rẻ như Air Busan (9,7 năm tuổi), Jin Air (12,7 năm tuổi) và T’way Air (13 năm tuổi).

Xử phạt toàn thuộc ‘hàng top’

Tuy nhiên, điều khiến dư luận Hàn Quốc chú ý nhiều hơn cả là Jeju Air vốn là hãng hàng không bị xử phạt hành chính nhiều nhất.

Theo thông tin của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải, từ năm 2020 đến tháng 9-2024, Hàn Quốc đã xử phạt hành chính 10 hãng hàng không vì vi phạm Luật An toàn hàng không.

Trong số 36 vi phạm, Jeju Air bị xử phạt nhiều nhất với chín lần, Korean Air với tám lần, T’way Air với bảy lần, Asiana Airlines với bốn lần, Air Incheon và Jin Air mỗi hãng hai lần, Eastar Jet, Air Seoul, Air Busan và Aero K Airlines mỗi hãng một lần.

Đáng chú ý, Jeju Air từng bị đình chỉ hoạt động 11 ngày vào năm 2023 vì vi phạm các quy định trong khâu vận hành và bảo trì máy bay. Trước đó, hãng này cũng từng bị đình chỉ hai lần, lần lượt một lần bảy ngày và một lần 20 ngày vào năm 2022 vì vi phạm quy định về hoạt động và vận chuyển hàng nguy hiểm.

Về số tiền nộp phạt, Jeju Air là hãng hàng không đã nộp phạt nhiều nhất tính từ năm 2019 đến tháng 8-2024 với 3,738 tỉ won (hơn 2,5 triệu USD). Jeju Air cũng là hãng hàng không duy nhất tại Hàn Quốc nộp phạt đến hơn 3 tỉ won trong khoảng thời gian nói trên.

Xếp sau Jeju Air là các hãng hàng không Eastar Jet (2,86 tỉ won), T'way Air (2,439 tỉ won), Korean Air (1,62 tỉ won), Asiana Airlines (1,554 tỉ won), Jin Air (1,359 tỉ won), Air Seoul (210 triệu won) và Air Busan (20 triệu won).

Liên tục giảm đầu tư về an toàn

Dù được ghi nhận đứng “hàng top” trong hàng loạt số liệu thống kê nhưng các khoản đầu tư liên quan đến an toàn hàng không của Jeju Air lại liên tục bị cắt giảm.

Cũng theo thông tin về lĩnh vực hàng không của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải, số lượng chuyên gia sửa chữa máy bay của Jeju Air đã giảm từ 542 người được ghi nhận vào năm 2019 xuống chỉ còn 469 người vào năm 2023.

Kế hoạch đầu tư về an toàn của hãng trong năm 2024 là 592,36 tỉ won (402 triệu USD). Thế nhưng kế hoạch đầu tư về an toàn trong năm sau 2025 lại giảm 11,6%, xuống chỉ còn 523,44 tỉ won (hơn 355 triệu USD).

Sáng 29-12, chuyến bay định mệnh của Hãng hàng không Jeju Air bay từ thủ đô Bangkok về sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc) được cho là gặp sự cố ở càng đáp, khiến máy bay trượt khỏi đường băng và phát nổ khiến 179 người trên máy bay thiệt mạng khi đã về sát điểm đến.

Chỉ một ngày sau đó, một chuyến bay khác cũng của Jeju Air đi từ sân bay quốc tế Gimpo (thủ đô Seoul) với địa điểm dự kiến là đảo Jeju buộc phải quay trở lại sân bay sau khi cất cánh ít lâu do gặp sự cố với càng đáp.

Cả hai sự cố nói trên đều xảy ra với bộ phận càng đáp của máy bay. Điều này càng khiến nhiều hành khách lo sợ và vội "né" hãng hàng không này.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020