Giám đốc khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Jeremy Farrar hôm 6-10 cảnh báo sốt xuất huyết sẽ trở thành mối đe dọa lớn ở miền Nam nước Mỹ, miền Nam châu Âu và các khu vực mới của châu Phi trong thập kỷ này.
Cũng theo ông Farrar, những quốc gia liên quan cần chuẩn bị ứng phó với vấn đề nói trên trong bối cảnh nhiệt độ ấm hơn tạo điều kiện cho muỗi mang virus gây bệnh sinh sôi. Điều này sẽ gây áp lực lên hệ thống bệnh viện ở nhiều nước
Ngoài ra, việc chăm sóc lâm sàng đối với căn bệnh này thực sự chuyên sâu, đòi hỏi tỉ lệ điều dưỡng trên bệnh nhân cao. Theo ông Farrar, đây sẽ trở thành vấn đề lớn cho vùng châu Phi hạ Sahara.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tại một bệnh viện ở thủ đô Dhaka - Bangladesh hồi cuối tháng 7. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, sốt xuất huyết từ lâu đã trở thành hiểm họa ở phần lớn châu Á và châu Mỹ Latin, gây ra khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm.
Tỉ lệ mắc sốt xuất huyết tăng gấp 8 lần trên toàn cầu kể từ năm 2000, chủ yếu do tình trạng nóng lên toàn cầu tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi cũng như sự gia tăng di chuyển của người dân và đô thị hóa.
-
Tăng cơ hội tiếp cận vắc-xin sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam
-
Tư vấn trực tuyến phòng và trị đau mắt đỏ, sốt xuất huyết
Vào năm 2022, 4,2 triệu ca mắc đã được báo cáo trên toàn cầu. Các quan chức y tế công cộng đã cảnh báo rằng mức độ lây truyền có thể cao gần kỷ lục trong năm nay.
Đáng chú ý, Bangladesh đang trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay, với hơn 208.000 ca bệnh từ đầu năm đến giờ.
Số trường hợp tử vong là hơn 1.000, trong đó có hơn 100 trẻ em. Con số này cao gần gấp 4 lần năm ngoái (281 trường hợp).
Theo đài CNN, dịch sốt xuất huyết thường đạt đỉnh từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm tại Bangladesh. Tuy nhiên, trong năm nay, số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 4. Nguyên nhân là mùa mưa gió mùa kéo dài tạo điều kiện cho muỗi Aedes sinh sản.