Các vệ tinh cũ khiến không gian xung quanh Trái đất trở nên lộn xộn - Ảnh: ESA
Trong nhiều năm, các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo quỹ đạo Trái đất đang trở nên quá đông đúc do có nhiều vệ tinh được phóng lên.
Ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, hằng tháng đều công bố bản "Báo cáo không gian".
Khi trang Space.com hỏi tình hình trên quỹ đạo sẽ như thế nào nếu các kế hoạch hiện có cho các siêu vệ tinh của SpaceX Starlink, OneWeb và Amazon Kuiper thành hiện thực, ông Jonathan McDowell ví von: "Nó sẽ giống như một đường cao tốc liên bang, vào giờ cao điểm trong cơn bão tuyết và mọi người lái xe quá nhanh".
Vệ tinh thao tác tránh va chạm
Ông Hugh Lewis, giáo sư về du hành vũ trụ tại Đại học Southampton ở Anh, nói vấn đề quản lý "giao thông" trong không gian đang trở nên phức tạp hơn nhiều so với trước đây.
Ông lấy Starlink của SpaceX làm ví dụ. Theo thông tin mà công ty thuộc sở hữu của tỉ phú Elon Musk gửi lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vào tháng 12-2022, hệ thống tránh va chạm của SpaceX đã thực hiện 26.037 thao tác tránh va chạm trên quỹ đạo với các vệ tinh Starlink của nó trong khoảng thời gian hai năm từ ngày 1-12-2020 đến ngày 30-11-2022.
Điều đó có nghĩa trong số gần 4.000 vệ tinh Starlink được phóng cho đến nay, mỗi vệ tinh trung bình có 12 thao tác tránh trong thời gian 2 năm đó.
Nhưng số lượng vệ tinh hiện tại của SpaceX chưa đến 10% so với những gì công ty dự định triển khai. Trong vòng 10 năm tới, số lượng vệ tinh Starlink trên quỹ đạo có thể tăng lên 42.000.
Thêm vào đó là 4.000 vệ tinh mà OneWeb muốn phóng, 3.200 vệ tinh khác của Amazon và 13.000 vệ tinh thuộc hệ thống Guowang của Trung Quốc.
Rõ ràng là mọi thứ sẽ trở nên nóng hơn nhiều.
Mảnh vụn không gian, biết đâu mà tránh
Tuy nhiên, các vệ tinh hoạt động chỉ là một phần của vấn đề, trang Space.com cho biết.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu ước tính không gian gần Trái đất còn lộn xộn với khoảng 36.500 mảnh vụn không gian lớn hơn 10cm, khoảng 1 triệu vật thể có kích thước 1 - 10cm và 130 triệu mảnh nhỏ hơn 1cm.
Đặc biệt, số lượng vật thể nhỏ hơn sẽ tiếp tục tăng lên, khi các vật thể lớn va chạm với nhau ở tốc độ cực lớn, tạo ra các đám mây mảnh vỡ.
"Có bằng chứng rõ ràng số vụ va chạm nhỏ đã tăng lên đáng kể và hoàn toàn không có cảnh báo", ông McDowell nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia về mảnh vỡ lo ngại nhất về cuộc chạm trán giữa hai vật thể lớn không còn tồn tại - vệ tinh đã chết hoặc giai đoạn tên lửa đã qua sử dụng.
Có thể đưa bao nhiêu vệ tinh vào không gian một cách an toàn?
Câu trả lời này không đơn giản. Ông Lewis nói rằng vật thể càng ở quỹ đạo cao, càng dễ va chạm.
Ví dụ, quỹ đạo vệ tinh Starlink cách Trái đất 550km. Các vật thể ở độ cao này thường không còn lộn xộn trong không gian quá lâu, sau khi chúng ngừng hoạt động. Vì chúng sẽ bị bầu khí quyển đốt cháy khi ngưng hoạt động và rơi xuống.
Tuy nhiên, khả năng làm sạch tự nhiên này của quỹ đạo Trái đất giảm dần theo độ cao. Ở độ cao trên 1.000km, bầu khí quyển không tác động đến vật thể được.
Hầu hết các nhà khai thác vệ tinh đều cam kết đảm bảo tàu của họ có đủ nhiên liệu khi kết thúc nhiệm vụ, để hạ cánh xuống nơi bầu khí quyển của Trái đất, nơi có thể xử lý mọi việc. Nhưng khả năng trục trặc kỹ thuật vẫn khiến các chuyên gia lo lắng.
Chuyện gì tiếp theo?
Có phải ngành công nghiệp vũ trụ bị lóa mắt bởi sự tự tin của các doanh nhân vũ trụ?
Ông McDowell nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy các quy định giới hạn số lượng vệ tinh bạn có thể có ở mỗi độ cao quỹ đạo".
Chúng ta có thể bắt đầu thấy các hình phạt thực tế đối với các sự kiện gây ra mảnh vỡ.
Các chuyên gia cũng đang kêu gọi các cơ quan vũ trụ phát triển công nghệ để loại bỏ những mảnh vụn quỹ đạo nguy hiểm nhất.
Bất kể điều gì xảy ra, vũ trụ khó có thể duy trì hiện trạng này lâu dài.