Trung tâm Dự báo khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) hôm 8-6 tuyên bố hiện tượng thời tiết El Nino đã trở lại sau 3 năm. Trong khi đó, Cục Thời tiết Nhật Bản hôm 9-6 cho biết El Nino có thể đã hình thành, đồng thời dự báo hiện tượng này kéo dài sang mùa thu ở Bắc Bán cầu với xác suất 90%.
Trước đó, Cục Khí tượng Úc (BOM) hôm 6-6 dự báo El Nino có thể phát triển trong năm nay với xác suất khoảng 70%, kéo theo tình trạng khô, nóng gia tăng khắp nước. Hầu hết chuyên gia hiện dựa vào NOAA và BOM cho việc xác nhận El Nino chính thức xuất hiện.
Theo trang Bloomberg, 2 cơ quan này sử dụng các tiêu chí khác nhau để định nghĩa về El Nino, trong đó các tiêu chí của BOM nghiêm ngặt hơn.
Người dân ở TP Karachi - Pakistan ra biển tránh nóng hôm 1-6 Ảnh: REUTERS
El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực trung tâm và Đông Thái Bình Dương gần xích đạo, xảy ra trung bình 2-7 năm một lần. Nó được dự báo gây ra thời tiết khắc nghiệt vào cuối năm 2023, với những cơn bão nhiệt đới dày đặc hơn tấn công các hòn đảo ở Thái Bình Dương, mưa lớn ở Nam Mỹ, hạn hán tại Úc và một số khu vực ở châu Á.
Nhà khoa học khí hậu Michelle L’Heureux tại NOAA cho biết biến đổi khí hậu có thể làm tăng hoặc giảm nhẹ một số tác động nhất định liên quan đến El Nino. Chẳng hạn như hiện tượng này có thể khiến nhiều khu vực trên thế giới đón nhận nhiệt độ cao kỷ lục mới.
-
Hiểm họa từ khói mù
Trước khi El Nino trở lại, hiện tượng thời tiết La Nina (thường khiến nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ) đã xảy ra ở Thái Bình Dương trong 3 năm qua. Giờ đây, đã xuất hiện nỗi lo về sự kết hợp chết người giữa El Nino và biến đổi khí hậu. Trong lần gần nhất El Nino xuất hiện, thế giới trải qua năm 2016 nóng nhất từng được ghi nhận. Giờ đây, năm 2023 hoặc 2024 có thể phá kỷ lục về nhiệt độ cao này.
Ngoài ra, theo dự đoán của NOAA, khi sức mạnh của El Nino mới nhất đạt cực đại - thường vào mùa đông ở Bắc Bán cầu - nó có thể khiến nhiệt độ bề mặt nước biển Đông Thái Bình Dương cao hơn bình thường ít nhất 1,5 độ C. Điều này có thể làm gia tăng tác động của hạn hán và bão trên thế giới.
Trong khi đó, khu vực trung tâm Thái Bình Dương là khu vực mà NOAA cảnh báo hồi cuối tháng 5 rằng sẽ có 50% nguy cơ mùa bão hoạt động cao hơn mức bình thường, tác động đến nhiều quốc gia ven đại dương và các đảo quốc. Trái lại, các quốc gia ven Đại Tây Dương hưởng lợi đôi chút vì El Nino sẽ kìm hãm bão ở khu vực này.
Theo Reuters, những dấu hiệu ban đầu của thời tiết khô nóng do El Nino đang đe dọa các nhà sản xuất lương thực khắp châu Á và Úc. Trong khi đó, người trồng trọt ở châu Mỹ mong chờ El Nino đem mưa trở lại sau thời gian hạn hán nghiêm trọng.
Các chuyên gia cũng cho rằng hiện tượng El Nino mạnh có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất đường tại Ấn Độ và Thái Lan, cũng như làm gián đoạn vụ thu hoạch mía ở Brazil. Chưa hết, El Nino có thể khiến sản lượng vụ đông ở Úc giảm 34% so với mức cao kỷ lục. Sản lượng dầu cọ và gạo ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng bị đe dọa.
Tác động đến dịch sốt xuất huyết
Sự thay đổi của các điều kiện thời tiết do hiện tượng thời tiết El Nino sẽ làm gia tăng số ca sốt xuất huyết tại Thái Lan thời gian tới. Đó là cảnh báo được ông Thongchai Keeratihattayakorn, Cục trưởng Cục Dịch vụ y tế Thái Lan, đưa ra hôm 8-6 trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết tại nước này ngày một nghiêm trọng.
Theo thống kê, Thái Lan ghi nhận 18.173 ca bệnh trong 5 tháng đầu năm 2023, trong đó có 15 trường hợp tử vong. Nếu tính về độ tuổi, có 6.088 ca trong nhóm 5-14 tuổi và 4.247 ca trong nhóm 15-24 tuổi. Hầu hết bệnh nhân sống tại các tỉnh Trat, Nan, Chanthaburi, Mae Hong Son và Rayong.
Trong khi đó, theo Reuters, Peru đang trải qua dịch sốt xuất huyết tồi tệ và hiện tượng El Nino đe dọa khiến mọi chuyện xấu thêm. Bộ Y tế Peru hôm 8-6 cho biết kể từ đầu năm đến giờ đã có hơn 130.000 ca bệnh được ghi nhận và số trường hợp tử vong là hơn 200.
Giới chức y tế nước này chỉ ra El Nino là một trong những nguyên nhân khiến số ca bệnh nói trên gia tăng khi tăng lượng mưa và nguy cơ ngập lụt. Năm 2017, hiện tượng El Nino cũng xảy ra nhưng đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Peru năm đó không nghiêm trọng như năm nay.
Hoàng Phương