Tọa đàm trao đổi về cơ hội và thách thức của Sáng kiến KASI tại Nha Trang vào ngày 6-12 - Ảnh: Q.TR.
Dù tình hình chính trị nội bộ đang bất ổn nhưng chính sách đối ngoại của nước này sẽ không thay đổi như cam kết của Tổng thống Yoon khi ban bố thiết quân luật: "Cam kết chính sách đối ngoại của chúng ta nhằm hoàn thành trách nhiệm và đóng góp cho cộng đồng quốc tế vẫn không thay đổi".
Sáng kiến riêng cho ASEAN
Sáng 6-12 tại TP Nha Trang, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM phối hợp với Trường đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế "Quan hệ Hàn Quốc - ASEAN từ góc nhìn KASI", quy tụ sự tham gia của nhiều học giả và chuyên gia hàng đầu về quan hệ Việt - Hàn.
"Về câu hỏi tại sao cần có sự hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN, tôi cho rằng chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời thông qua bản đồ thế giới" - ông Shin Choong Il, tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Shin cho biết Hàn Quốc và 10 quốc gia thuộc ASEAN đều nằm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn là trung tâm với nhiều thách thức địa chính trị và địa kinh tế, do đó mỗi lần nhìn vị trí đối diện của các quốc gia với nhau, ông nhận ra rằng Hàn Quốc và ASEAN cần phải nắm tay và cùng tiến về phía trước vì hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực.
"Các rủi ro địa chính trị, sự suy yếu của trật tự dựa trên luật lệ, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta trên khắp các quốc gia.
Để vượt qua những thách thức này, chúng ta phải củng cố sự đoàn kết và hợp tác. Do đó Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN (KASI) hai năm trước" - bà Choi Eun Jin, vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, phát biểu trực tuyến từ Seoul.
Với nền tảng là ba trụ cột tự do - hòa bình - thịnh vượng, KASI được ví như một thiết kế riêng và toàn diện cho quan hệ Hàn Quốc - ASEAN trong bức tranh rộng hơn là Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chụp ảnh chung cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Thái Lan và Thủ tướng Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 ở Lào tháng 10-2024 - Ảnh: AFP
Sáng kiến này được xây dựng dựa trên mối quan hệ đối tác vững chắc hiện có với ASEAN trên nhiều lĩnh vực thương mại, kinh tế và văn hóa xã hội, hướng tới thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện hơn, bao gồm hợp tác về an ninh (cả truyền thống và phi truyền thống) cũng như các lĩnh vực tương lai và mới nổi.
Phát biểu thảo luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Vũ Tùng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết KASI là một trong ít định hướng chính sách đối ngoại đã được kế thừa từ chính quyền Tổng thống Moon Jae In sang chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Hơn thế, KASI còn là "phiên bản nâng cấp" của Chính sách hướng Nam mới cộng. "KASI là chính sách đối ngoại duy nhất của Hàn Quốc nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng cũng như sự đồng thuận của xã hội và người dân" - GS.TS Nguyễn Vũ Tùng nói.
Nguyên đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng nhấn mạnh Hàn Quốc là quốc gia duy nhất từ nước nghèo trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Thông qua KASI, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nhiều thách thức
Dù được đánh giá cao nhờ thúc đẩy quan hệ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN nhưng KASI cũng đối diện với nhiều thách thức.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Tăng Nghị - trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - cho biết cạnh tranh Mỹ - Trung khiến Hàn Quốc đối mặt với sức ép phải lựa chọn giữa việc gắn bó chặt chẽ với chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc tìm kiếm vai trò độc lập hơn trong khu vực.
"Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Vậy lựa chọn ASEAN thay thế Trung Quốc có phải là lựa chọn sáng suốt? Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc có đủ sức và lực để vượt qua chiến lược cùng tên của Mỹ trong khu vực hay không?" - ông Tăng Nghị nêu vấn đề.
PGS.TS Hà Anh Tuấn - phụ trách khoa chính trị quốc tế và ngoại giao Học viện Ngoại giao - đánh giá các kết quả hợp tác Hàn Quốc - ASEAN trong khuôn khổ KASI cho đến nay vẫn chưa thực sự nổi bật.
Ông Tuấn kiến nghị để Sáng kiến KASI thực sự phát huy vai trò thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc - ASEAN theo chiều sâu, cần tiếp cận hợp tác theo tư duy tiểu đa phương, theo đó nhấn mạnh những nội dung cả Hàn Quốc và các nước ASEAN cùng quan tâm như hợp tác xây dựng chiến lược và triển khai chuyển đổi số, chuyển đổi xanh các nền kinh tế thành viên.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Thị Thủy từ Học viện Ngoại giao cho biết một thách thức khác của KASI chính là nguồn lực.
"Với tư cách cường quốc tầm trung, Hàn Quốc cần đầu tư nguồn lực thế nào để cạnh tranh với các sáng kiến khác như "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc hay Sáng kiến kết nối toàn diện của Nhật Bản.
Để phát huy hiệu quả của KASI, Hàn Quốc cần tập trung vào các lĩnh vực hợp tác ngách để tăng cường lợi thế so sánh với các nước khác như tín chỉ carbon, trí tuệ nhân tạo" - bà Thủy chỉ ra.
Thiết quân luật không tác động đến TP.HCM
ThS Trần Xuân Thủy, phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, cho biết ngay sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật, giới chủ Hàn Quốc đã hội họp với nhau để bàn các giải pháp ổn định tình hình.
Ông chia sẻ thêm ngay sau khi có thông tin này, Thành ủy TP.HCM đã liên hệ Sở Ngoại vụ đề nghị đánh giá tác động của lệnh thiết quân luật đối với các thỏa thuận đầu tư của Hàn Quốc tại TP.HCM.
Ông Thủy khẳng định rằng bất ổn chính trị ở thượng tầng Hàn Quốc không gây tác động đối với các thỏa thuận đầu tư, thậm chí có thể khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường tìm nơi trú ẩn an toàn ở nước ngoài.