Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
"Nếu có bất kỳ diễn biến nào cho thấy Iran muốn đàm phán để giảm căng thẳng, chúng tôi sẽ không ngần ngại bắt lấy cơ hội đó - Đại sứ Israel Yaron Mayer nhấn mạnh trong cuộc gặp hẹp với báo chí Việt Nam đầu tuần này - Nhưng thật không may, dưới hệ tư tưởng mà Tehran đang theo đuổi hiện nay, điều đó thật khó để thấy".
Nỗ lực ngoại giao đã thành công?
Căng thẳng giữa Israel và Cộng hòa Hồi giáo Iran đã leo thang sau một loạt sự vụ gần đây. Cáo buộc Israel tấn công tòa nhà Đại sứ quán Iran ở Syria hôm 1-4, đêm 13 rạng sáng 14-4, Iran đã phát động cuộc tấn công trực tiếp vào Israel bằng tên lửa và máy bay không người lái.
Giới chức Iran khẳng định đây là quyền tự vệ chính đáng, theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nhấn mạnh không tìm kiếm xung đột hay leo thang trong khu vực.
Trong suốt những ngày sau đó, thế giới hồi hộp theo dõi các diễn biến ở Trung Đông do lo ngại Tel Aviv sẽ tấn công trả đũa và vấp phải "phản ứng khốc liệt" của Tehran, đẩy tình hình đến mức không kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, các vụ nổ ở Isfahan - nơi có nhiều cơ sở hạt nhân và quân sự quan trọng của Iran - đêm 18-4 (giờ địa phương, sáng 19-4 theo giờ Việt Nam) đã nhanh chóng thu hút sự chú ý.
Truyền thông quốc tế mô tả đây là đòn trả đũa của Israel, bất chấp sự im lặng từ Tel Aviv. Trên thực tế, kể cả khi đúng là Israel đứng sau vụ việc, nước này cũng sẽ không lên tiếng nếu xem lại các vụ tập kích được cho là do Israel thực hiện nhiều năm qua ở Trung Đông.
Trước đó, trong cuộc gặp hẹp với báo chí hôm 16-4, Tùy viên quốc phòng Israel tại Việt Nam, ông Matan Sagi ám chỉ "sẽ có phản ứng từ Tel Aviv" nhưng không nói rõ chi tiết.
Ông Matan Sagi cũng khẳng định Israel không có ý định leo thang tình hình, rằng nước này hiểu rõ tác động của việc leo thang đến thế giới nên sẽ cân nhắc các hành động kế tiếp.
"Cần có sự cân bằng giữa phòng vệ và không làm leo thang tình hình. Chúng tôi tin rằng câu hỏi làm thế nào để vấn đề không leo thang không chỉ đặt ra cho Israel mà còn với Iran và tất cả các bên đối đầu với chúng tôi", ông Matan Sagi diễn giải.
Truyền thông nhà nước Iran đã không nhắc đến Israel trong bất kỳ bản tin nào liên quan vụ việc ngày 19-4. Thậm chí còn có thông tin các máy bay không người lái mini bị bắn hạ ở Isfahan đến từ bên trong nước này.
Quy mô hạn chế và phản ứng từ Iran dường như cho thấy đã có thành công trong nỗ lực của các nhà ngoại giao, những người đã làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn chiến tranh toàn diện Iran - Israel, theo Hãng tin Reuters.
"Israel muốn hòa bình với Palestine và Iran"
Một người dân Iran đi ngang qua tấm áp phích tại thủ đô Tehran thể hiện tiềm lực quốc phòng của Iran hôm 19-4 - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc gặp hẹp báo chí hôm 16-4, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer tiếp tục nhắc lại các tuyên bố của Tel Aviv liên quan Tehran.
Đó là Israel không tìm kiếm xung đột, leo thang tình hình với Iran hay bất kỳ bên nào khác nhưng Tel Aviv có quyền tự vệ trước các hành động đe dọa.
"Chúng tôi muốn hòa bình với tất cả các nước láng giềng. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến với người Palestine và Iran", ông Yaron Mayer nhấn mạnh, đề cập đến căng thẳng dai dẳng giữa Israel với Cộng hòa Hồi giáo Iran và nhóm Hamas của người Palestine tại Dải Gaza.
Tel Aviv cáo buộc Tehran đứng sau Hamas, nhóm đã tấn công Israel vào tháng 10 năm ngoái khiến gần 1.400 người chết.
Khi được Tuổi Trẻ hỏi liệu có kế hoạch lớn nào cho việc cùng chung sống hòa bình với Palestine và Iran, đại sứ Israel đã chỉ ra các nỗ lực ngoại giao của nước này với những nước đã từng đối đầu với Tel Aviv trong chiến tranh trước đây.
Chẳng hạn, Israel đã bình thường hóa quan hệ với Ai Cập, Jordan, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
"Các nỗ lực ngoại giao đó vẫn tiếp diễn, kể cả với những nước không công nhận Israel chúng tôi vẫn sẵn sàng nói chuyện với họ, sẵn sàng có quan hệ ngoại giao đầy đủ và hòa bình toàn diện với họ", ông Yaron Mayer khẳng định.
Nhưng theo đại sứ Israel, bất cứ khi nào nước này cố gắng thực hiện tiến trình hòa bình hoặc nỗ lực để đạt được tiến bộ với các nước láng giềng Ả Rập khác, Iran sẽ can thiệp tiến trình cũng như làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn.
"Chúng tôi từng có đại sứ quán ở Tehran, có những người Do Thái vẫn đang sống tại Iran. Do đó, vấn đề không phải là người dân tại Iran mà là chế độ tại nước này và hệ tư tưởng mà họ theo đuổi. Chế độ muốn tiêu diệt Israel chứ không phải là người dân Iran", ông nói.
Hiệp ước Abraham về bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel, UAE và Bahrain tại Mỹ năm 2020 - Ảnh: AFP
Với việc Israel là nước có diện tích nhỏ và tồn tại giữa nhiều mối đe dọa thường trực, Đại sứ Yaron Mayer cho rằng nước này phải phát triển công nghệ và quân đội để tăng khả năng phòng vệ.
Nhưng Israel, theo ông Yaron Mayer, cũng có nhiều công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, y tế hay những lĩnh vực khác đem lại lợi ích cho nhiều người và nước này "sẵn sàng chia sẻ, kể cả với những nước được xem như thù địch".