Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-11, Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ văn phòng công tố viên ICC, ông Karim Ahmad Khan, cho biết sẽ xin lệnh bắt giữ người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, thống tướng Min Aung Hlaing.
"Đây là đơn xin lệnh bắt giữ đầu tiên đối với một quan chức chính phủ cấp cao của Myanmar mà văn phòng của tôi nộp. Sẽ có thêm nhiều đơn nữa", ông Karim Ahmad Khan nhấn mạnh.
Văn phòng công tố ICC cũng giải thích thêm rằng họ đang tìm kiếm lệnh bắt giữ tướng Min Aung Hlaing sau các cuộc điều tra mở rộng, độc lập và công bằng. Vị thống tướng 68 tuổi bị cáo buộc gây ra các tội ác chống lại loài người khi đàn áp người Rohingya, một nhóm thiểu số theo Hồi giáo tại quốc gia có đông tín đồ Phật giáo.
Một hội đồng gồm ba thẩm phán sẽ quyết định liệu "có căn cứ hợp lý" để tin rằng tướng Min Aung Hlaing phải chịu trách nhiệm hình sự cho việc trục xuất và đàn áp người Rohingya ở Myanmar và Bangladesh hay không.
Không có khung thời gian cụ thể để các thẩm phán ra quyết định, nhưng thông thường sẽ mất khoảng ba tháng để ra phán quyết phát lệnh bắt giữ.
Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc trước đó cho rằng cảnh sát và dân thường Myanmar theo đạo Phật đã san bằng hàng trăm ngôi làng của người Rohingya ở bang Rakhine. Các vụ giết người, hãm hiếp cũng đã xảy ra.
Myanmar đã phủ nhận các cáo buộc, cho rằng lực lượng an ninh đang thực hiện các hoạt động hợp pháp chống lại các tay súng nổi loạn đã tấn công các đồn cảnh sát.
Một phát ngôn viên của chính quyền quân sự cầm quyền Myanmar không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ Reuters, sau thông báo của Văn phòng công tố viên ICC.
ICC đã điều tra các tội ác chống lại người Rohingya trong gần 5 năm.
Cuộc điều tra đã bị cản trở, khi họ không được tiếp cận Myanmar sau khi đất nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn vì cuộc binh biến lật đổ bà Aung San Suu Kyi năm 2021.
Sau cuộc đảo chính này, tướng Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền với cương vị chủ tịch Hội đồng hành chính quốc gia Myanmar.
Thẩm quyền của ICC trong vụ việc tại Myanmar
Động thái của công tố viên ICC diễn ra trong bối cảnh văn phòng của ông phải đối mặt với phản ứng chính trị dữ dội từ Mỹ và một số nước khác, sau khi ICC phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Myanmar không phải là thành viên của ICC, nhưng trong các phán quyết năm 2018 và 2019, các thẩm phán cho biết tòa án có thẩm quyền đối với các tội ác xuyên biên giới bị cáo buộc diễn ra một phần tại Bangladesh, một thành viên của ICC.