Chuyên mục  


Những "cơn gió ngược" mà Tổng thống Joe Biden đối mặt đang nổi lên cả ở trong và ngoài nước, thường khiến cử tri nghi ngờ về việc liệu họ có nên giữ ông lại Nhà Trắng hay không.

Ông đang phải đối mặt với các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine, với những diễn biến phức tạp, khó lường, liên tục đặt ra thách thức với uy tín của ông trên tư cách một lãnh đạo toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Raleigh, bang Bắc Carolina, ngày 26/3. Ảnh: Reuters

Ở trong nước, Tổng thống Biden bị bao vây bởi các cuộc biểu tình tại loạt đại học phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, cũng như phong trào phản kháng từ một số cử tri trẻ cấp tiến, vốn là nền tảng cử tri rất quan trọng đối với ông.

Thực tế cho thấy niềm tin trong công chúng Mỹ đối với Tổng thống đang bị lung lay hơn bao giờ hết. Người dân phải gánh chịu mức thuế suất cao và chi phí sinh hoạt tăng vọt, khiến lời trấn an của ông rằng nền kinh tế đang ở trạng thái tốt khó được chấp nhận, đồng thời làm lu mờ những thành tựu về lập pháp mà ông đạt được trong ba năm qua.

Nếu tái đắc cử, Tổng thống Biden sẽ kết thúc nhiệm kỳ hai khi ông 86 tuổi. Danh xưng "tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử" rõ ràng không phải một lợi thế với ông trên đường tranh cử.

Tuy nhiên, tia sáng le lói với Tổng thống Biden là cựu tổng thống Donald Trump, đối thủ của ông trong cuộc đua Nhà Trắng, thậm chí còn phải chịu nhiều thách thức hơn.

Trump đã dành cả tuần qua ở tòa án Manhattan để nghe lời khai về bê bối tình ái giữa ông với sao phim người lớn Stormy Daniels vào năm 2006, trong phiên tòa xét xử cáo buộc cựu tổng thống làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền bịt miệng nữ diễn viên này.

Trump cũng có xu hướng xa lánh các cử tri chủ chốt ở ngoại ô, những người có khả năng quyết định ai sẽ giành thắng lợi cuối cùng vào tháng 11. Những cảnh báo gần đây của Trump về việc không chấp nhận kết quả bầu cử năm 2024 nếu ông thua cuộc đang làm sống lại những ký ức đen tối về cuộc bạo loạn Đồi Capitol tháng 1/2021.

Các cử tri ủng hộ Trump trung thành không để tâm đến các phiên tòa hình sự đang bủa vây ông, nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ và bầu cử tổng thống gần đây nhất cho thấy ông thực sự khiến một bộ phận lớn cử tri sợ hãi, theo giới quan sát.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò luôn cho thấy cử tri Mỹ quan tâm nhất đến nền kinh tế và xếp hạng của Tổng thống Biden về vấn đề này đang ở mức thấp. Một cuộc thăm dò do CNN thực hiện vào tháng 4 cho thấy chỉ 34% người tham gia ủng hộ ông về vấn đề kinh tế và chỉ 29% về lạm phát.

Trong nhóm cử tri nói rằng nền kinh tế rất quan trọng đối với lá phiếu của họ, 66% ủng hộ cựu tổng thống Trump, trong khi tỷ lệ này với Tổng thống Biden chỉ là 30%, dù trong ba năm nhiệm kỳ của ông, kinh tế Mỹ tăng trưởng vững và số lượng việc làm mới được tạo ra đều đặn.

Người Mỹ có xu hướng không chú ý đến các chỉ số vĩ mô, trong khi lạm phát đã tạo ra một thời kỳ lãi suất quá cao, tạo ra gánh nặng khủng khiếp lên người mua nhà, đẩy giá cả hàng hóa hàng ngày tăng mạnh, từ đó xóa tan mọi kết quả tích cực của ông trong mắt cử tri.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN tuần qua, Tổng thống Biden đã bác bỏ quan điểm cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ, đồng thời chia sẻ nỗi đau của người dân trước tình cảnh vật giá tăng cao.

Dù vậy, ông vẫn bảo vệ nỗ lực của mình, nhắc tới việc một số tổng thống Mỹ trước đây đã thất vọng như thế nào khi cử tri không đánh giá cao cố gắng của họ.

Khi được người dẫn chương trình Erin Burnett hỏi khi nào ông sẽ khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, Tổng thống Biden khẳng định chính quyền "đã xoay chuyển tình thế rồi".

Sinh viên Đại học Texas, Austin, đụng độ với cảnh sát trong khuôn viên trường ngày 24/4 trong cuộc biểu tình phản đối chiến sự Gaza. Ảnh: Reuters

"Khi tôi bắt đầu dẫn dắt chính quyền này, mọi người đã nói rằng nền kinh tế sẽ sụp đổ. Nhưng giờ chúng ta đang có nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Hãy để tôi nói lại lần nữa, mạnh nhất thế giới!", Tổng thống quả quyết.

Nhưng nói với cử tri những điều tuyệt vời khi họ không cảm thấy như vậy là một chiến lược chính trị gây hoài nghi, nhà phân tích Stephen Collinson từ CNN nhận định. Theo ông, bất cứ khi nào một tổng thống cho thấy họ không nắm bắt được thực tế cuộc sống của cử tri, họ sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm.

Năm 1992, khi tổng thống George H.W. Bush đang tái tranh cử, ông được hỏi trong một cuộc tranh luận rằng "làm thế nào ngài có thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế của người dân nếu không biết về những gì đang khiến họ kiệt quệ?". Bush đã có một khởi đầu tồi tệ khi nhìn đồng hồ, khiến ông có vẻ như muốn né tránh vấn đề.

Sau đó, ông đưa ra một câu trả lời ấp úng và khó hiểu: "Tất nhiên là bạn cảm thấy điều đó khi bạn là tổng thống Mỹ và đó là lý do tôi đang cố gắng làm điều gì đó để giải quyết vấn đề đó".

Đối thủ của ông, Bill Clinton, đã đứng lên và cho khán giả cả nước thấy khả năng "cảm nhận nỗi đau" của ông. Clinton trực tiếp trả lời người hỏi, nói rằng với tư cách thống đốc bang Arkansas, ông biết nhiều người bị mất việc làm và tuyên bố sẽ khắc phục tình hình.

Vài tháng sau, Clinton bước chân vào Nhà Trắng.

Tổng thống Biden có nhiều thời gian hơn để thuyết phục cử tri rằng thời kỳ kinh tế tốt hơn đang ở phía trước và ông sẽ được giúp đỡ đáng kể nếu Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu giảm lãi suất vào mùa hè này.

Ông đã so sánh xuất thân bình dân của mình với lối sống kiểu tỷ phú của Trump trong những tuần gần đây, cố gắng xóa tan ý tưởng rằng cựu tổng thống quan tâm đến tầng lớp lao động Mỹ hơn ông, đồng thời cảnh báo người tiền nhiệm sẽ phá bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng nếu trở lại Nhà Trắng.

"Tôi xem xét vấn đề với góc nhìn khiêm tốn từ Scranton", Tổng thống Biden nói, đề cập đến quê nhà của ông ở bang Pennsylvania. "Trump nhìn mọi thứ từ dinh thự Mar-a-Lago. Ông ấy muốn cắt giảm thuế nhiều hơn cho giới siêu giàu".

Và Tổng thống Biden phần nào được hưởng lợi từ việc ông phải đối mặt với một đối thủ có những khoản nợ khổng lồ, chứ không phải một ngôi sao trẻ đang lên với tài năng kể câu chuyện kinh tế của tầng lớp trung lưu như cựu tổng thống Clinton, Collinson cho hay.

Dù vậy, con đường với ông Biden không vì thế mà "trải đầy hoa hồng". Tổng thống hiện mắc kẹt trong cuộc đối đầu với Thủ tướng Israel, một đồng minh lâu năm, và cuộc xung đột gây nhức nhối ở Dải Gaza. Cuộc khủng hoảng có thể tạo động lực đáng kể cho tuyên bố từ cựu tổng thống Trump rằng nước Mỹ cũng như cả thế giới đang mất kiểm soát và cần một người mạnh mẽ hơn để khắc phục tình hình.

Rạn nứt với Thủ tướng Benjamin Netanyahu xảy ra sau khi Tổng thống Biden cảnh báo rằng ông sẽ dừng chuyển một số vũ khí cho Israel nếu nước này tiến hành chiến dịch tấn công quy mô vào thành phố Rafah ở Gaza.

Khói bốc lên sau khi Israel ném bom ở Rafah, nam Gaza, ngày 20/3. Ảnh: AFP

Biden đã phải chịu áp lực rất lớn từ các nhà hoạt động cấp tiến, những người ủng hộ ông tại quốc hội và nhóm cử tri Mỹ gốc Arab tại các bang chiến trường quan trọng kêu gọi ông kiềm chế Thủ tướng Netanyahu.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối chiến sự ở loạt đại học lại khiến Tổng thống phải đứng giữa những cử tri trẻ tiến bộ, những người tức giận với lập trường ủng hộ Israel tấn công Gaza của ông, và nhóm ôn hòa, những người có thể dễ bị lay động vì tình trạng hỗn loạn mà phong trào biểu tình phản chiến gây ra.

Không rõ liệu những đòn công kích quyết liệt của Đảng Cộng hòa nhằm vào Tổng thống Biden về vấn đề Israel sẽ khiến ông bị tổn thương đến mức nào. Nhưng nó rõ ràng đã củng cố quan điểm rộng rãi của đảng Cộng hòa rằng ông yếu đuối và không có khả năng ổn định một thế giới ngày càng bất ổn.

Biden đã cố gắng tự bảo vệ mình khỏi tác động chính trị của phong trào biểu tình phản chiến bằng cách lập luận rằng dù quyền biểu tình được bảo đảm theo hiến pháp, bất kỳ thiệt hại tài sản nào từ việc sinh viên chiếm giữ các tòa nhà trong khuôn viên đại học đều không thể chấp nhận được.

Trong bài phát biểu tại quốc hội tưởng nhớ các nạn nhân Holocaust hồi đầu tuần, ông đã lên án những biểu hiện của chủ nghĩa bài Do Thái tại một số cuộc biểu tình của sinh viên. Tổng thống cảnh báo rằng có quá nhiều người "phủ nhận, hạ thấp, hợp lý hóa và phớt lờ mức độ khủng khiếp của Holocaust và sự kiện ngày 7/10", đề cập đến cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel hồi năm ngoái.

Các cuộc thăm dò cho thấy xung đột Israel - Hamas chỉ nằm ở vị trí rất thấp trong danh sách những vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm. Song trong một cuộc bầu cử mà chỉ vài nghìn phiếu bầu ở một số bang quan trọng cũng có thể định đoạt kết quả cuối cùng, khả năng các cử tri Dân chủ giận dữ "quay lưng" hoặc không đi bầu cũng là một tín hiệu đáng báo động đối với Tổng thống Biden, Collinson nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020