Chuyên mục  


nd24510-tau-uss-halsey-1715335288940878320095.jpeg

Tàu khu trục USS Halsey thuộc biên chế quân đội Mỹ - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Theo Hãng tin Reuters, ngày 10-5, Chiến khu miền nam của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố đã giám sát và "đuổi" tàu khu trục USS Halsey của Mỹ khi tàu này tiến vào "vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa", vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Phía Trung Quốc ngang nhiên khẳng định động thái trên của Mỹ "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".

Thông báo của Chiến khu miền nam PLA nêu: "Đây lại là bằng chứng thép cho thấy sự kiểm soát việc đi lại và quân sự hóa Biển Đông của Mỹ". Lực lượng này nhấn mạnh đã chỉ đạo các binh sĩ cảnh giác cao độ trước các tàu nước khác đi vào vùng biển trên.

Về phần mình, Hải quân Mỹ tuyên bố tàu khu trục trên thực hiện quyền tự do hàng hải trên khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông "theo đúng luật pháp quốc tế".

Tàu USS Halsey hiện đã đi ra khỏi khu vực trên và vẫn còn ở trên Biển Đông, tuyên bố trên nêu thêm.

Các động thái trên của Trung Quốc và Mỹ diễn ra trong giai đoạn căng thẳng liên quan đến vấn đề chủ quyền tại Biển Đông giữa Bắc Kinh và Philippines - quốc gia đồng minh thân cận hàng đầu của Washington trong khu vực Đông Nam Á - lên cao.

Trước đó, cũng trong ngày 10-5, một cố vấn an ninh quốc gia của Philippines đã yêu cầu trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước này.

Tuyên bố được đưa ra sau khi phái đoàn ngoại giao của Bắc Kinh tại Manila bị nước sở tại tố phát tán thông tin giả về việc hai nước đạt "mô hình mới" trong quản trị xung đột ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này phù hợp với luật pháp quốc tế.

Liên quan hoạt động của các bên ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán rằng mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020